Bảo tồn di sản song hành cùng phát triển kinh tế
Với số lượng di sản kiến trúc đáng kể và tiềm năng về cải tạo đô thị, TPHCM đã được lựa chọn cho việc tổ chức sự kiện 'Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế' nhằm thúc đẩy quá trình phát triển trong tương lai của trung tâm TPHCM thông qua các cuộc hội thảo kiến trúc với các chủ đề về tái tạo đô thị bền vững và tái sử dụng thích ứng.
Tổng lãnh sự quán Ý tại TPHCM, Công ty S&A Architecture, cùng với sự bảo trợ của Hiệp hội Ý-ASEAN, Thương vụ Ý tại Việt Nam, Hiệp hội Kiến trúc Venice, trường Đại học RMIT và Công ty Aria Collectives ngày 28-9 đã tổ chức sự kiện “Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế” lần thứ 6 (HPED) tại khách sạn The Reverie Saigon với sự tham gia của những chuyên gia, nhà học thuật trong lĩnh vực quàn lý đô thị, quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản và bất động sản.
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Ý tại Việt Nam, ông Antonio Alessandro, dẫn chứng các nghiên cứu cho thấy đến năm 2050, các đô thị sẽ là nơi sinh sống của 2/3 dân số thế giới, và cho rằng với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh chóng, các di sản lịch sử trên thế giới đang phải chịu áp lực ngày càng lớn. Do đó, chúng ta cần phải cân nhắc mối quan hệ giữa con người và các vùng lãnh thổ. Đây cũng là chủ đề mà thành phố Rome (Ý) đã chọn để ứng cử đăng cai Triển lãm World Expo 2030. Và chủ đề này đã được chia sẻ bởi ông Romeo Orlando, Phó chủ tịch Khoa học của Hiệp hội Ý-ASEAN tại sự kiện “Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế”.
Theo các diễn giả, “tái sử dụng thích ứng” là một biện pháp cải tạo xây dựng phổ biến ở các nước phát triển nhằm mục đích cập nhật hoặc điều chỉnh các công năng của các tòa nhà hiện hữu.
Tái sử dụng thích ứng luôn hướng đến mô hình bảo vệ toàn diện về mặt lịch sử, con người, cảnh quan, xóa bỏ nhận thức sai lầm phổ biến rằng việc “đập đi xây lại” sẽ mang lại lợi ích kinh tế hơn so với việc khôi phục các tòa nhà hiện hữu. Quan niệm này được cho là không còn phù hợp tại TPHCM do quỹ đất hạn chế và mức độ quy hoạch đô thị phức tạp. Trong khi đó, tại nhiều vị trí đắc địa của thành phố, tình trạng xuống cấp của các công trình bỏ hoang hoặc đang chờ xử lý có thể thấy chủ yếu do việc tái định cư cho người dân gặp nhiều khó khăn, bất cập về quy chế và nguồn lực tài chính có giới hạn.
Cuộc hội thảo kiến trúc với chủ đề “Revitalizing Heritage Place, the Future of the Past” do ông Luigi Campanale, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc thiết kế của Công ty S&A Architecture nghiên cứu cùng với các giảng viên và nhân viên đến từ Đại học RMIT Việt Nam và các sinh viên. Địa điểm được chọn cho công trình nghiên cứu là thương cảng Sài Gòn cũ tại quận 4, một công trình được xây dựng vào thế kỷ thứ 18. Hội thảo này cung cấp một giải pháp học thuật dựa trên khuôn khổ các thành phố thông minh và sáng tạo do UNESCO đề xuất.
Sự kiện HPED 2022 cũng tập trung vào sự chuyển đổi của thế giới từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, cùng hai công trình ví dụ tiêu biểu vốn là các khu đất bị bỏ hoang đã được cải tạo công năng trở thành khu phức hợp thương mại, dân cư, văn hóa, giáo dục trên nền kiến trúc xây dựng hiện hữu.
Theo ban tổ chức, sự kiện HPED 2022 là sự tiếp nối của chuỗi sự kiện tại Hà Nội vào năm 2019 và TPHCM vào năm 2019 và 2020.
Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế (HPED) là một sáng kiến bao gồm các buổi hội thảo, hội nghị trên nền tảng trực tuyến (webinar), các cuộc họp kỹ thuật và học thuật nhằm theo đuổi cách tiếp cận cải tạo đô thị dựa trên nền tảng bảo tồn di sản và phát triển kinh tế bền vững.
Sự kiện được tổ chức bởi S&A Architecture và SCE Project Asia, sáng kiến này bắt đầu vào năm 2018 với trọng tâm đặc biệt là các nước ASEAN. Sau gần hai năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, sự kiện được tiếp tục tại TPHCM vào tháng 9-2022 với chủ đề về “Tái tạo đô thị bền vững và tái sử dụng thích ứng”. Sáng kiến này tận dụng những kinh nghiệm và chuyên môn của Ý trong lĩnh vực bảo tồn và định giá các di sản nghệ thuật, kiến trúc và thiên nhiên.
Y.Minh
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-ton-di-san-song-hanh-cung-phat-trien-kinh-te/