Bảo tồn di sản trong 'cơn lốc' đô thị hóa
Việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị có thành công hay không phụ thuộc vào việc kết hợp và dung hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị có thành công hay không phụ thuộc vào việc kết hợp và dung hòa giữa bảo tồn và phát triển. Người trẻ, bằng những tình cảm nuôi dưỡng thông qua di sản ký ức, có thể đóng góp trong việc gìn giữ và bảo tồn các di sản đô thị.
Dung hòa giữa bảo tồn và phát triển
Trong buổi giao lưu chuyên đề “Đánh thức di sản đô thị” do NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp cùng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn tổ chức, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho biết, TPHCM hiện có 188 di tích đã được xếp hạng, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, 128 di tích cấp thành phố.
Trong số đó, loại hình di sản đô thị là nơi lưu giữ dấu ấn và ký ức gắn với lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Sài Gòn - TPHCM. Tuy nhiên, với “cơn lốc” đô thị hóa, nhiều di tích đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại hoặc xóa sổ. Nhiều công trình di sản bị hư hỏng và phá bỏ (như Thương xá Tax), từng bị lên kế hoạch phá bỏ (như Dinh Thượng Thơ), một số di tích từng bị lấn chiếm, xâm hại như Di tích cấp quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi (Quận 8).
Đô thị hóa là một hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đô thị. Đó là quy luật chung của các thành phố đang phát triển. Trong quá trình phát triển đô thị, các di sản kiến trúc bị xâm hại làm vấn đề bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn.
“Bài toán được đặt ra là làm thế nào để giải quyết hài hòa bài toán giữa bảo tồn di sản đô thị và phát triển kinh tế? Bởi bảo tồn chính là một phương thức đặc biệt để phát triển bền vững”, TS Hậu đặt vấn đề.
TPHCM được xem là thành phố thân thiện cả về tính cách con người lẫn yếu tố cảnh quan. Tiềm năng cùng giá trị bền vững của du lịch đến từ di sản, dựa vào đặc trưng lợi thế của Sài Gòn - TPHCM như: Đô thị sông nước, hướng biển; trung tâm kinh tế, dịch vụ; đô thị đa dạng văn hóa, tộc người; đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu phương Tây. Các loại hình di sản đô thị gồm di tích khảo cổ học; di tích cảnh quan đô thị; công trình kiến trúc nghệ thuật; di tích tín ngưỡng - tôn giáo; nhà cổ và cảnh quan biệt thự.
Theo TS Hậu, tất cả những di sản này đều có thể trở thành sản phẩm du lịch. Đời sống du lịch của cộng đồng có nhiều mặt thú vị như ẩm thực, đi dạo đêm, cảnh quan công cộng sinh hoạt ở những điểm văn hóa… Vì vậy, cần nhận biết đây là nguồn tài nguyên quý giá cần tìm hiểu kỹ lưỡng để bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn - TPHCM trong cơn lốc đô thị hóa.
Vai trò của thế hệ trẻ
Trong sách Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cổ học và bảo tồn di sản (2009), TS Hậu nhấn mạnh: “Lịch sử mỗi đô thị cũng như chuỗi vòng xoắn ADN kéo dài vô tận mà trong đó sự ‘phát triển’ kinh tế và sức sống mới từ những tế bào nhân đôi, nhưng ‘bảo tồn’ di sản văn hóa lại giữ vai trò cấu trúc ổn định của chuỗi vòng xoắn.
Khi cấu trúc này bị phá vỡ, đô thị không còn bản sắc riêng. Một đô thị không có bản sắc riêng thì nó sẽ biến mất trong nhận thức và ký ức cộng đồng, sớm hay muộn mà thôi”.
Ngoài vai trò quan trọng của chính quyền và nhà đầu tư trong việc quyết định gìn giữ những công trình di sản, việc bảo tồn di sản đô thị cần có sự lên tiếng của các nhà nghiên cứu, cộng đồng để chung tay, khẳng định giá trị của di sản.
“Vai trò của cộng đồng đối với di sản đô thị rất quan trọng, vì cộng đồng là người hưởng lợi trực tiếp từ di sản nếu như di sản đó được bảo tồn và sử dụng đúng cách. Cũng chính cộng đồng là người sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu như di sản đó bị phá đi”, TS Hậu chia sẻ.
Là thành viên trong cộng đồng, giới trẻ có vai trò rất lớn đối với việc bảo tồn di sản. Với thế mạnh trong việc tiếp cận nhiều nguồn kiến thức, thông tin và các phương tiện truyền thông, những người trẻ bằng những tình cảm nuôi dưỡng thông qua di sản ký ức có thể đóng góp trong việc gìn giữ và bảo tồn các di sản đô thị.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia khoa học về khí quyển và biến đổi khí hậu ở Bộ Môi trường và Di sản Australia cho biết, từ khoảng 1975 - 2010 chưa có sự quan tâm của giới trẻ đến các di sản đô thị. Đến khi quá trình đô thị hóa diễn ra trở thành “cơn lốc”, các công trình di sản bị phá, những hàng cây bị chặt… nhiều người mới bắt đầu quan tâm và lên tiếng mạnh mẽ tạo nên phong trào bảo vệ di sản đô thị.
Tại TPHCM, nhóm các bạn trẻ liên quan đến kiến trúc về di sản đã xuất bản được sách. Họ có kiến thức và tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Còn có những nhóm trẻ khác liên quan đến môi trường, du lịch cùng nhau tổ chức tham quan ở những di sản đô thị khắp thành phố, được đông đảo các bạn trẻ tham gia hưởng ứng. Điều đó cho thấy, nhận thức của thế hệ trẻ về giá trị của di sản đô thị thông qua giáo dục, đào tạo và các hoạt động truyền thông đã có những phản hồi tích cực.
Nguyễn Phan Bảo Toàn, 21 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn chia sẻ, sinh ra và lớn lên tại TPHCM, em nhận thức được trách nhiệm người trẻ và khám phá được nhiều vai trò mới của thế hệ trẻ trong việc tìm ra hướng đi khoa học hơn trong vấn đề bảo tồn di sản đô thị của thành phố.
“Phát triển không mâu thuẫn với bảo tồn mà luôn song hành cùng nhau. Người trẻ nói chung và sinh viên ngành du lịch nói riêng cần hiểu rõ quan điểm bảo tồn và phát triển di sản đô thị, từ đó làm cơ sở, tự nâng cấp kiến thức để vận dụng vào thực tiễn, phục vụ ngành nghề sau khi ra trường. Kết nối di sản đô thị với tiềm năng du lịch là cầu nối giữa bảo tồn giữ gìn quá khứ hào hùng và phát huy cho tương lai phát triển tươi sáng”, Toàn nói.
“Di sản văn hóa đô thị cần được coi là tài sản, nguồn vốn xã hội quan trọng và lâu dài chứ không phải là một ‘gánh nặng’ do phải bảo tồn, trùng tu hay là sự cản trở quá trình hiện đại hóa do không thể lấy vị trí của di sản để xây công trình mới. Kinh nghiệm của thế giới cho biết lợi nhuận từ di sản sẽ đạt được bằng cả kinh tế và văn hóa, lợi nhuận ấy là bền vững và sẽ tích lũy theo giá trị lịch sử của di sản” - TS Nguyễn Thị Hậu.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-ton-di-san-trong-con-loc-do-thi-hoa-post682242.html