Bảo tồn di tích hướng tới cộng đồng

Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mới đây tổ chức hội thảo tổng kết kinh nghiệm bảo tồn di tích tôn giáo, tín ngưỡng.

Đối với loại di tích đặc biệt này, kinh nghiệm rút ra là việc bảo tồn phải hướng tới lợi ích của cộng đồng. Đó là điều kiện cần và đủ để cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích.

Cộng đồng và công tác bảo tồn di tích

Bảo tồn di tích (BTDT) là công việc thường xuyên. Công việc này rất đặc thù và không phải cá nhân, đơn vị, tổ chức nào cũng làm được. Tuy nhiên, thực trạng việc BTDT hiện nay đang có hai xu hướng: Một là nhu cầu cộng đồng muốn nhưng không thể làm do thiếu kiến thức; hai là di tích “muốn” nhưng không thể làm do thiếu kinh phí. Bài học từ một số di tích tín ngưỡng, tôn giáo nổi tiếng thu hút du khách dễ thấy nhu cầu mở rộng khuôn viên, xây dựng những công trình mới là rất lớn. Ở chiều ngược lại, nhiều di tích cổ có giá trị lớn thì phải “nằm khắc khoải” đợi chờ những đồng kinh phí rất có hạn của Nhà nước rót xuống cho công tác nghiên cứu, bảo tồn.

 Di tích chùa Bùi ở làng Châm Khê (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) được cộng đồng bảo tồn và sử dụng một cách có hiệu quả.

Di tích chùa Bùi ở làng Châm Khê (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) được cộng đồng bảo tồn và sử dụng một cách có hiệu quả.

Những năm gần đây, nhu cầu đi lại tham quan, du lịch của người dân khá cao. Nhiều di tích tôn giáo, tín ngưỡng luôn bị quá tải. Vấn đề này có lẽ Bắc Ninh là địa phương “thấm thía” nhất. Song, “đông khách” không hẳn là điều đáng mừng cho di tích, mà đôi khi còn khiến di tích bị hủy hoại nhanh hơn. Ngoài những cách “hủy hoại” dễ thấy như phá cũ, xây mới, mở rộng, thêm thắt khiến không gian di tích bị xáo trộn, lai căng, mất giá trị, thì còn một kiểu “hủy hoại” ngấm ngầm rất nguy hiểm, đó là tư duy sở hữu, gạt bỏ vai trò cộng đồng, bỏ ngoài tai những ý kiến của giới chuyên môn. Đặt cộng đồng vào đúng vị trí là chủ sở hữu của di sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

GS, TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, dẫn chứng ra rất nhiều di tích tôn giáo, tín ngưỡng bị làm mới theo sở thích của các vị trụ trì. Theo ông, phải khẩn trương hoàn tất việc xây dựng đề án về tổ chức, quản lý, sử dụng biên chế tại các di tích; đồng thời phải tích cực khai thác nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt này. Làm được điều này thì các cộng đồng sẽ tích cực hưởng ứng, tham gia bảo quản, phát huy giá trị di tích. Xa hơn, quá trình khai thác sẽ tạo ra nguồn kinh phí đầu tư trở lại cho di tích.

Tính từ giai đoạn 2011-2018, Bắc Ninh đã có 214 di tích được Nhà nước đầu tư để trùng tu, tu bổ với kinh phí ước tính hơn 70 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn xã hội hóa cho công tác tu bổ, khôi phục di tích ở Bắc Ninh đã thu hút tới hàng trăm tỷ đồng, có thể kể tới một số công trình được đầu tư lớn, như: Chùa Dạm, ở xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh (110 tỷ đồng); đền, đình, chùa Tướng Quốc, ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong (200 tỷ đồng). TS, KTS Hoàng Đạo Cương, Phó viện trưởng phụ trách Viện BTDT, đánh giá: “Các giải pháp tu bổ di tích ở Bắc Ninh trong vài thập niên qua có thể coi là thành công và là kinh nghiệm để nhiều địa phương học hỏi”.

Bảo tồn song song với khai thác di tích

Bên lề hội thảo, chúng tôi cũng ghi nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng ngành văn hóa đang quá chậm và cầu toàn trong việc BTDT, đặc biệt là những di tích dưới hình thức phế tích hay di tích dưới lòng đất, dẫn đến di tích chưa thể phát huy giá trị. Bài học từ nhiều nước cho thấy, họ vừa bảo tồn, vừa khai thác di tích rất hiệu quả, có thể lấy ví dụ từ các công trình khảo cổ tại các di tích: Pong Manao (Thái Lan), Dongzhao (Trung Quốc), kinh đô Nara (Nhật Bản)…

Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều di tích phải đợi khảo sát, nghiên cứu, mà quá trình nghiên cứu này lại diễn ra quá lâu, do kinh phí nhỏ giọt, năng lực có hạn. Tình trạng này dẫn đến một vòng luẩn quẩn, khách thì thiếu di tích để tham quan; di tích thì nằm chờ kinh phí để được khai quật; cộng đồng có di tích thì không thể khai thác; cộng đồng không có di tích thì “vẽ” ra những "di tích giả" để thu hút du khách. Có người nói vui, nếu Ninh Bình "đổi được" cho Bắc Ninh vài di tích thì họ sẽ khai thác được rất nhiều.

Câu chuyện xung quanh di tích chùa Dạm, năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định khai quật khảo cổ học tổng thể khu di tích này lên đến 6.000m2. Di tích này phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc của các đời: Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Trong đó, dấu tích của hai triều đại Lý và Nguyễn là rõ nhất. Từ đó đến nay, 7 năm đã trôi qua, nhiều hố khảo cổ đã được mở ra và đang phải chịu nắng gió, sự khắc nghiệt của thời tiết, nhiều phế tích có nguy cơ sạt lở, trở thành phế tích một lần nữa.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra những kiến nghị khá táo bạo đối với di tích khảo cổ ở chùa Dạm: Một là chú trọng vào di tích của triều đại Lý, bảo tồn nguyên trạng cho di tích của các triều đại còn lại để nghiên cứu sau; hai là phục dựng và tái hiện cấp nền 4 (chùa Dạm có 4 cấp nền) lấp cát, bảo tồn 3 cấp nền còn lại. Mục đích của việc này là nhằm biến di tích cũ (phế tích) cùng với quần thể kiến trúc mới (chùa Dạm mới đang hoàn thiện) thành một khu di tích lịch sử thống nhất có giá trị cao.

Với việc lấy lợi ích của cộng đồng là trọng tâm của công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, dễ thấy công tác này đã khơi được nguồn lực rất lớn từ xã hội, đồng thời phát huy được giá trị di sản của di tích một cách hiệu quả, thiết thực.

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bao-ton-di-tich-huong-toi-cong-dong-551623