Bảo tồn di tích từ nguồn thu du lịch

Nhiều năm qua, chủ trương 'lấy di tích nuôi di tích' đã được thực hiện. Nguồn thu từ vé tham quan là một trong những nguồn lực tài chính quan trọng trong việc bảo tồn, trùng tu di tích, di sản. Đây là nguồn thu quan trọng nhưng để giữ gìn và bảo tồn di tích một cách tốt nhất, cần tạo thêm nguồn lực trong việc phát triển dịch vụ du lịch để giúp di tích tránh phải 'làm việc quá sức'.

Nhiều di tích tại Cố đô Huế đã thu vé đối với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Quốc.

Nhiều di tích tại Cố đô Huế đã thu vé đối với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Quốc.

Chuyện về tấm vé tham quan

Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, cũng là những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi vậy hoạt động du lịch tại các địa điểm này luôn được nhiều người quan tâm. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tổng lượt khách đến tham quan di tích tại Huế trong tháng 1, 2 năm 2023 là 315 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế là 158 nghìn và khách Việt Nam là 157 nghìn, doanh thu đạt 50 tỉ đồng. So với năm cao điểm 2019, khách quốc tế giảm 68%, nhưng trong nước tăng 42%. Hay tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, thống kê 3 tháng đầu năm 2023, khu di sản đón tiếp hơn 210 nghìn lượt khách tham quan, trong đó 20% là khách quốc tế; cùng 21.000 lượt học sinh tham gia học tập, tìm hiểu về di sản.

Với số lượng khách du lịch lớn, nguồn thu từ bán vé cũng không phải là con số nhỏ. Bởi vậy, quy định về việc bán vé cũng được các địa phương hết sức cân nhắc. Khá nhiều di tích, di sản thu phí tham quan với mức giá khá cao. Điển hình như Vịnh Hạ Long, du khách cần phải bỏ ra 290 nghìn đồng để mua vé tham quan vịnh, thêm vào đó là chi phí vé tàu giao động khoảng 150 - 200 nghìn đồng cho một lần di chuyển. Hay phí tham quan tại quần thể Di tích Cố đô Huế có giá cho mỗi địa điểm từ 100 - 200 nghìn đồng và bắt đầu từ ngày 1/4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ thu phí tham quan tại các di tích: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Cung An Định, lăng Thiệu Trị với mức 50.000 đồng/người lớn/lượt/điểm di tích khi tham quan. Đối với trẻ em dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 1,4m thì sẽ miễn phí vé tham quan.

Câu chuyện thu phí tham quan không phải là câu chuyện mới và thiết nghĩ cũng hoàn toàn hợp lý khi nhiều nơi trên thế giới cũng đang áp dụng thu phí theo những cách khác nhau. Các địa điểm du lịch di sản tại Việt Nam đều có bán vé thu lợi nhuận để phục vụ cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Nhưng gần đây, việc UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) dự định thực thi phương án về việc áp dụng yêu cầu bắt buộc mua vé tham quan trước khi vào phố cổ Hội An đối với tất cả du khách trong và ngoài nước khiến dư luận xôn xao. Giá vé áp dụng 80 nghìn đồng/vé đối với khách trong nước và 120 nghìn đồng/vé đối với khách quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó chủ tịch UBND TP Hội An việc thu phí tham quan đã được Hội An làm từ lâu và qua nhiều lần điều chỉnh. Về bản chất, chủ trương này không mới, thậm chí mỗi lần câu chuyện siết, điều chỉnh vé, phí được đề cập luôn nhận được sự phản ứng quyết liệt. Tuy nhiên xu thế áp dụng thu phí, "lấy di tích nuôi lại di tích" là việc cần làm để giữ Hội An tốt hơn.

“Hiện nay nguồn thu từ vé tham quan đang là nguồn thu ngân sách lớn của Hội An. Khoảng 50 - 70% tiền thu được dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích tập thể, tư nhân. Chi phí trùng tu di tích là rất lớn. "Rẻ" nhất cho việc trùng tu một di tích hiện nay 5 tỉ đồng thì tiền trích lại từ bán vé mỗi năm chỉ đủ trùng tu 7 - 10 căn. Trong khi hiện Hội An có khoảng 155 (chiếm 14%) di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, trong số này có hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão”, ông Lanh cho hay.

Việc TP Hội An đặt ra quy định bán vé mới cho thấy nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc xây dựng vững chắc hơn nguồn thu để bảo tồn di sản. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, cần một cách tiếp cận thận trọng để giữ gìn thương hiệu thành phố du lịch thân thiện.

Hội An là điểm đến du lịch thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế.

Hội An là điểm đến du lịch thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế.

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Nêu quan điểm về câu chuyện giá vé tại các địa điểm tham quan di sản của Việt Nam và đặc biệt là giá vé mới ở Hội An, TS Nguyễn Thu Thủy - Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQG Hà Nội cho rằng: “Hiện nay giá vé tham quan tại các điểm di sản của Việt Nam không cao so với thế giới cho nên việc chúng ta trả tiền để tham quan vẫn là điều nên thực hiện. Riêng với Hội An, lý do câu chuyện giá vé tham quan trở thành vấn đề tranh luận là bởi chúng ta chưa có cách truyền thông đầy đủ để công chúng hiểu hơn về chính sách của thành phố. Chẳng hạn như cần phải cho công chúng biết rằng khi tôi bỏ ra 80 nghìn đồng để mua vé tham quan, tôi sẽ được tham quan những địa điểm nào. Nếu đưa ra những thông tin cụ thể hơn tôi nghĩ dư luận sẽ dễ dàng chấp nhận với điều chỉnh này”.

Phân tích rõ hơn để tìm hướng giải quyết vấn đề, bà Thủy cho rằng, đô thị cổ Hội An bao gồm cả khu vực dịch vụ lẫn với di sản nên chúng ta cần phân tách rõ ràng. Ví dụ chúng ta đưa ra các gói tham quan, chẳng hạn một du khách chỉ vào để uống cafe mà không đi tham quan thì du khách đó không mất phí, còn nếu du khách vào tham quan thì phải trả cho việc tham quan đấy. Bên cạnh đó, trong khu phố cổ sẽ có khu lõi, du khách đến tham quan chắc chắn sẽ phải trả tiền. Trên thế giới cũng có cách chia giá vé cho khách du lịch và người bản địa. Mỗi đối tượng như người già, trẻ em, học sinh đều có những ưu đãi riêng. Những gói du lịch mang giá trị khác nhau sẽ dễ dàng phục vụ cho nhu cầu của nhiều đối tượng khách tham quan.

Mặc dù nguồn thu từ du lịch trong đó có nguồn thu từ bán vé là quan trọng, nhưng để bảo tồn di tích, bà Thủy nhấn mạnh: “Tôn tạo, trùng tu cần một số tiền khổng lồ vì nó liên quan đến quá khứ và lịch sử. Khoản thu được từ khách du lịch chỉ là một phần đóng góp cho việc bảo tồn nhưng để làm tốt công tác bảo tồn vẫn luôn cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp”.

Phát triển du lịch cần gắn với bảo tồn, nên việc ứng xử với các di sản “hái ra tiền” cần phải hài hòa. “Giữa bảo tồn di tích và du lịch hai bên phải hỗ trợ lẫn nhau. Du lịch mang lại một phần nguồn thu để bảo tồn di tích và di tích sẽ cung cấp giá trị cho khách du lịch thưởng ngoạn. Để giúp các di tích vừa thu hút khách du lịch, vừa đảm bảo được việc có nguồn kinh phí để bảo tồn, trùng tu, bên cạnh việc “lấy di tích nuôi di tích” cần phải có những cách làm mới để phát triển du lịch nhưng luôn phải chú trọng đến bảo tồn giá trị di sản”, bà Thủy nói.

Hội An: Lùi thời điểm phân luồng lối đi riêng dành cho người dân và du khách vào phố cổ

Ngày 8/4, ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, về phương án bắt buộc mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào phố cổ đối với tất cả du khách trong và ngoài nước từ ngày 15/5, Thành ủy đã đề nghị UBND TP Hội An trước mắt chưa thực hiện.

Theo đó, Thành ủy Hội An đã chỉ đạo UBND TP Hội An lùi thời gian thực hiện phương án nói trên. Trước mắt các hoạt động bán vé tham quan phố cổ Hội An sẽ được tổ chức như thời điểm trước dịch Covid-19; đồng thời thành phố tiếp tục lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân địa phương và dư luận để có sự điều chỉnh phù hợp trước khi ban hành chủ trương mới.

"Với nội dung liên quan đến vé tham quan phố cổ, những nội dung nào trước đây đã và đang làm lâu nay thì sẽ tiếp tục làm. Những nội dung mới trong đề án (việc phân luồng du khách và người dân - PV) dự kiến làm thì sẽ thực hiện một số khâu như họp lắng nghe ý kiến người dân trong khu vực ảnh hưởng của đề án, các công ty, hộ kinh doanh liên quan... Tiếp đó, sẽ đưa ra các giải pháp để bàn và thống nhất ý kiến trong ban lãnh đạo của thành phố. Những giải pháp nào thấy hợp lý và đạt được sự đồng thuận cao sẽ được chọn lựa; trước khi thực hiện sẽ tổ chức họp báo công khai thông tin. Việc phân luồng sẽ được tính toán thêm, lùi thời gian lại chứ không phải không thực hiện", ông Trần Ánh thông tin thêm.

PHẠM NGỌC HÀ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-ton-di-tich-tu-nguon-thu-du-lich-5714561.html