Bảo tồn di tích văn hóa bằng công nghệ ảo

Năm 1900, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện hang Thư viện với hơn 60.000 bản thảo và di vật có niên đại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 11 tại hang động Mạc Cao - di sản văn hóa thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận ở thành phố Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc.

Đây được xem là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ 20. Trải qua hàng ngàn năm chứng kiến sự đổi thay qua các triều đại, hang Thư viện rộng chưa đầy 8m2 đã có lúc tưởng như bị lãng quên theo thời gian cùng với những kho báu giá trị của lịch sử. Đầu tháng 4 vừa qua, các chuyên gia tại Học viện Đôn Hoàng và công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Tencent đã cho ra mắt nền tảng kỹ thuật số tương tác có tên Hang Thư viện kỹ thuật số. Nền tảng sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tái tạo khung cảnh của hang Thư viện như cách đây hơn 120 năm nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu và tham quan. Với nền tảng này, du khách có thể trải nghiệm nhập vai và du hành đến các triều đại cổ xưa, tương tác với 8 nhân vật lịch sử, từ đó hòa mình vào không gian văn hóa của Đôn Hoàng. Chính phủ Trung Quốc còn đầu tư 200 triệu nhân dân tệ vào việc xây dựng “hang Mạc Cao ảo số”, có thể đưa khán giả đến với cảm giác như được tham quan hang Mạc Cao thật, xem tất cả các tác phẩm nghệ thuật như kiến trúc, tượng màu và bích họa trong hang.

Chuyên gia nêu rõ, việc xây dựng “hang Mạc Cao ảo” không những có thể tránh khỏi bích họa bị hư hỏng, mà còn xúc tiến việc ghi lại và bảo tồn của cải, kéo dài tuổi thọ của các văn vật cũng như văn hóa Đôn Hoàng. Một nền tảng kỹ thuật số tương tác của các giáp cốt (bản khắc xương tiên tri - những mẩu xương vai rùa và mai rùa được sử dụng để bói toán ở Trung Quốc cổ đại) cũng đã được ra mắt. Nền tảng do WeChat phát triển, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để chiếu hình ảnh 3D của các dòng chữ cổ khắc trên giáp cốt. Chuyên gia kỹ thuật số của Tencent, Wang Chaoyang, cho biết nền tảng ra đời nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về các giáp cốt, cũng như phục vụ nghiên cứu và bảo tồn các chữ viết đầu tiên của Trung Quốc. Những dự án như vậy phản ánh nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm tăng cường bảo vệ các di tích văn hóa, sử dụng công nghệ kỹ thuật số như một phương tiện mới để bảo tồn vĩnh viễn các di sản phi vật thể này.

Từ những năm 1980, Học viện Đôn Hoàng đã tìm cách ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các di tích văn hóa. Tháng 6-2022, Học viện Đôn Hoàng và Tencent đã thành lập một phòng thí nghiệm chung nhằm khám phá các công nghệ kỹ thuật số mới, phục vụ bảo tồn và trưng bày các di sản văn hóa. Hang Thư viện kỹ thuật số là một trong những dự án đầu tiên được thực hiện tại phòng thí nghiệm.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-ton-di-tich-van-hoa-bang-cong-nghe-ao-post700638.html