Bảo tồn Ga Hà Nội: Bài cuối: Tương lai bắt đầu từ hôm nay

Các công trình kiến trúc cổ trên địa bàn TP Hà Nội là các di sản vô giá, góp phần tạo nên diện mạo của Thủ đô. Bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình này không chỉ là nhiệm vụ , trách nhiệm của một ngành hay một đơn vị, mà phải là thái độ tôn trọng, quan tâm của các cấp, các ngành của cả nước. Phải là sự tri ân của công dân sinh sống tại 'thành phố vì hòa bình' đối với cha ông và các thế hệ đi trước.

Các công trình kiến trúc cổ trên địa bàn TP Hà Nội là các di sản vô giá, góp phần tạo nên diện mạo của Thủ đô. Bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình này không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của một ngành hay một đơn vị, mà phải là thái độ tôn trọng, quan tâm của các cấp, các ngành của cả nước. Phải là sự tri ân của công dân sinh sống tại “thành phố vì hòa bình” đối với cha ông và các thế hệ đi trước. Để cùng đồng lòng, vững bước hướng đến tương lai phồn thịnh của đất nước.

Phát huy giá trị công trình còn liên quan mật thiết đến việc tạo ra những không gian sống và làm việc sáng tạo, nơi mà người ta không chỉ cảm nhận được sự đẹp đẽ và tinh tế, mà còn được kích thích tư duy và trí tưởng tượng. Gìn giữ bảo tồn một công trình giá trị không chỉ là nhiệm vụ của các chuyên gia bảo tồn hay các nhà quản lý, mà còn là trách nhiệm chung của cộng đồng. Chúng ta cần hiểu rõ và trân trọng, để từ đó chúng ta có thể chia sẻ và bảo vệ những giá trị văn hóa quý báu này cho các thế hệ mai sau.

Cùng là những công trình giá trị từ thời Pháp, với quy hoạch giao thông chắn trục, một ví dụ điển hình về việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn thành công phải kể đến là Dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tại địa chỉ số 48-48A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đây là dự án bảo tồn công trình cổ, đảm bảo sự hài hòa sau khi khánh thành công trình trụ sở mới TANDTC tại địa chỉ số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tòa Thượng thẩm (tên gọi cũ thời Pháp thuộc), nay là Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) bắt đầu có thiết kế sơ bộ từ năm 1900, đến năm 1905 được duyệt kinh phí trên cơ sở thiết kế được chấp thuận. Công trình xây dựng từ 1906-1911, không có hàng rào bảo vệ, chỉ có cây xanh và tuyến đường đi bao quanh công trình. Năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia cho trụ sở TANDTC.

Trụ sở TANDTC

Trụ sở TANDTC

Công trình trụ sở mới TANDTC tại 43 Hai Bà Trưng với phong cách kiến trúc tân cổ điển, phù hợp với kiến trúc của Tòa nhà 48 Lý Thường Kiệt, tạo thành một quần thể thống nhất, có sự giao thoa giữa kiến trúc cũ và kiến trúc mới. Hai tòa nhà đều được thiết kế đối xứng qua trục trung tâm, tạo sự cân bằng, mặt đứng các công trình mang phong cách tân cổ điển, với tổ hợp không gian kiến trúc tiện nghi đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của công trình hiện đại mang tầm vóc, sự uy nghiêm, xứng tầm là Cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một ví dụ khác nữa là công trình Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhà hát Lớn Hà Nội nằm trên Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) được xây dựng từ năm 1901 và hoàn thành năm 1911, do hai kiến trúc sư người Pháp là Harlay và Broyer thiết kế dựa trên nguyên mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris (Pháp) nhưng nhỏ hơn, sử dụng vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đây là công trình văn hóa được xây dựng chủ yếu để phục vụ người Pháp và giới thượng lưu người Việt ở Hà Nội, đồng thời là nơi truyền bá văn hóa nghệ thuật phương Tây ở Đông Dương vào đầu thế kỷ XX.

Công trình có diện tích xây dựng 2.600m2, với chiều rộng 30m, chiều dài 87m, chiều cao 34m. Mặt tiền công trình hướng ra giao lộ lớn, nay là phố Tràng Tiền. Bố cục mặt bằng có 3 phần chính: Phía ngoài là bậc thềm, hàng hiên, sảnh đón; từ sảnh đi lên một cầu thang hình chữ T sẽ tới khán phòng; phía sau là phòng quản trị, 18 buồng cho diễn viên hóa trang, 2 phòng tập hát, thư viện và phòng họp.

Mặt bằng không gian khán phòng có hình móng ngựa với kích thước 24 x 24m, có 3 tầng với tổng số 870 ghế ngồi, trong đó tầng trên cùng được bố trí thành những ban công riêng dành cho nhóm khách VIP hay gia đình. Ở tầng 2, phía trước nhà hát có phòng khánh tiết (hay phòng Gương, vì có những tấm gương treo xen kẽ với các ô cửa), đây là nơi diễn ra các sự kiện, nghi lễ quan trọng, nơi tiếp đón những nhân vật cấp cao.

Về hình thái kiến trúc, công trình Nhà hát Lớn là sự tổng hòa nhiều phong cách, với hàng cột theo phong cách Ionic của La Mã; các đường nét điêu khắc ở ban công, vòm cửa mang nét Baroque; phần sảnh hiên ở bên lại có phong cách Art Nouveau, còn bộ mái lợp ngói đen theo kiểu Mansard...

Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát lớn Hà Nội

Trong hơn 100 năm tồn tại, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trải qua nhiều lần trùng tu, gần đây nhất là năm 1995 - 1997. Trong lần trùng tu này, nhiều hạng mục kỹ thuật được đầu tư hiện đại hơn. Nội thất khán phòng cũng được cải tạo lại, chỉ còn 598 ghế. Các hạng mục còn lại được phục chế theo nguyên bản.

Không chỉ là một công trình kiến trúc nổi tiếng của Thủ đô, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945. Đó là các sự kiện: Mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh (17/8/1945) - tiền đề cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (19/8/1945), sau đó lan rộng khắp cả nước...

Ở phòng Gương của Nhà hát Lớn vẫn lưu giữ một tấm gương có vết đạn bắn thủng. Đó là vết đạn trong những ngày mùa Đông tháng 12/1946, quân và dân Hà Nội kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Thủ đô trước khi rút lên chiến khu. Đây được coi là dấu tích lịch sử đặc biệt của Nhà hát Lớn.

Để phát huy vai trò, giá trị của công trình và góp phần phát triển du lịch, từ tháng 9/2017, Nhà hát Lớn Hà Nội mở tour tham quan trải nghiệm tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Du khách sẽ được tham quan không gian bên trong nhà hát, tìm hiểu lịch sử xây dựng, hoạt động của nhà hát, chiêm ngưỡng các bản thiết kế cách đây hơn 100 năm và các hình ảnh sự kiện gắn với công trình qua các thời kỳ... Cùng với tour tham quan, du khách sẽ được trải nghiệm thưởng thức chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc trong khán phòng.

Hiện nay, Nhà hát Lớn Hà Nội dự kiến sẽ đóng cửa trọn năm 2024 để tu bổ các hạng mục đã xuống cấp, cải tạo sân vườn

Lần tu bổ này chủ yếu tập trung vào hạng mục sân khấu, các thiết bị. Sau 25 năm hoạt động, nhiều hạng mục như rèm cửa, thảm, ghế… trong Nhà hát đã long tróc. Khuôn viên 2 bên sân vườn của Nhà hát Lớn cũng sẽ thay đổi nhiều.

Được biết, dự án tu bổ Nhà hát Lớn Hà Nội do Ban Quản lý dự án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Dự án cũng dự kiến mời kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị - người đã từng tham gia giám sát công trình tu bổ, tôn tạo Nhà hát Lớn từ năm 1995-1997 cùng tham gia.

Có thể thấy rằng, việc lựa chọn phương án bảo tồn thế nào là vô cùng quan trọng với các công trình mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, đời sống của Thủ đô. Bảo tồn ra sao để đô thị vừa gìn giữ được quỹ tài nguyên di sản có giá trị, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi từ thực tiễn. Nếu Luật Di sản văn hóa không công nhận loại hình “di sản đô thị”, e rằng việc bảo tồn theo kiểu di tích sẽ tiếp tục có nhiều hạn chế với loại hình di sản này.

Mục đích của hoạt động bảo tồn là gìn giữ tối đa các giá trị nguyên bản của di sản, đi đôi với việc khai thác giá trị di sản cho xứng tầm. Nếu như bảo tồn nguyên trạng đề cao những giá trị nguyên bản trong lưu giữ và phục hồi di sản, thì bảo tồn thích nghi (hay có người gọi là bảo tồn phát triển) ghi nhận những giá trị đổi thay của di sản, theo hướng kế thừa và phát triển.

Tuy nhiên, nên bảo tồn di sản theo hướng nào: nguyên trạng và thích nghi - là một cuộc tranh luận dài kỳ và cho đến nay vẫn chưa có hồi kết. Những người theo quan điểm bảo tồn thích nghi cho rằng, nếu bảo tồn nguyên trạng một cách cứng nhắc sẽ làm đóng băng di sản và về lâu dài dẫn đến sự xuống cấp, hủy hoại chúng. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay nên lựa chọn cách thức bảo tồn thích nghi, vừa gìn giữ được di sản vừa tạo sức sống, sinh khí mới cho di sản, gắn di sản với hoạt động du lịch nhằm khai thác tiềm năng.

Và chắc chắn với một công trình mang tính dịch chuyển rất cao như Ga Hà Nội thì bảo tồn thích nghi là hợp lý nhất. Tuy nhiên, bảo tồn thích nghi như thế nào để không khiến di tích, di sản ngày một hiện đại, mất đi hồn cốt, tính độc đáo, giá trị lịch sử của nó thì lại là bài toán xem xét kỹ lưỡng.

Cùng trao đổi về vấn đề bảo tồn Ga Hà Nội, PV Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn Chuyên gia Giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy. Ông Thủy cho hay:

“Theo cơ quan chức năng thì dù Ga Hà Nội có chuyển về đâu hoặc làm gì thì Ga Hà Nội hiện nay vẫn là đầu mối giao thông đường sắt lớn nhất cả nước. Nó là trung tâm giao thông của hàng trăm năm nay.

Ga Hà Nội là nguyên nhân để tạo ra cầu Long Biên. Có Ga Hà Nội và có đường sắt Bắc Nam thì người Pháp đã cho xây dựng cầu Long Biên và cũng là một di tích hết sức quan trọng hiện nay. Nơi đây, trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đều thể hiện vai trò của nó trong các thời kỳ này.

Trong thời kỳ chống Pháp thì người Pháp đã sử dụng Ga Hà Nội để vận chuyển tài nguyên vũ khí, họ vận chuyển xuống Hải Phòng rồi vận chuyển ra các cảng để đưa tài nguyên của Việt Nam về nước họ. Do vậy, Ga Hà Nội vẫn là một trung tâm trung chuyển, một trung tâm đầu mối đường sắt rất quan trọng. Sau năm 1945, Ga Hà Nội là nơi đưa hàng nghìn chiến sĩ Nam tiến để mà bảo vệ đất nước. Vì vậy nó cũng là một điển tích hết sức quan trọng.

Thứ ba, sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Ga Hà Nội là nơi chúng ta tập trung lực lượng để mà khắc phục và xây dựng tuyến đường sắt từ Hữu nghị quan đến Quảng Bình. Trong hòa bình thì nó là một mạch máu chính để vận chuyển hành khách và hàng hóa. Ngày đó, cả miền Bắc này chỉ có khoảng một vài trăm chiếc ô tô. Ga Hà Nội là trung tâm về vận tải hành khách và hàng hóa đường sắt của miền Bắc để chuẩn bị lực lượng, các điều kiện hậu phương để chúng ta thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vì vậy, Ga Hà Nội lại đóng vai trò hết sức quan trọng.

Đến hiện nay trong thời kì hiện đại, mặc dù ngành đường sắt chưa được đầu tư nhiều, nhưng nơi đây vẫn thể hiện vai trò trung tâm của nó, trung tâm không thể thay thế.

Tôi là người có nghiên cứu về giao thông, nếu ý tưởng của tôi phù hợp với ý kiến của cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải, của TP Hà Nội thì Ga Hà Nội vẫn tiếp tục là một trung tâm đầu mối giao thông rất quan trọng.

Phía trên là đường sắt, bên cạnh đó là các tuyến xe buýt và phía ngầm, phía dưới là các tuyến tàu điện ngầm. Trong tương lai, ga cần được nâng cao lên, dù với vai trò gì đi nữa thì vẫn có thể là nơi đón tàu cao tốc Bắc Nam, vẫn giữ vai trò cũ như một trung tâm đầu mối giao thông cực kỳ quan trọng. Mỗi ngày hàng vạn người dân đến và đi để lan tỏa khắp cả nước, quá trình vận tải vẫn rất lớn và không có một nơi nào có thể là sánh kịp, kể cả là các sân bay.

Trả lời về vấn đề có nên di chuyển địa điểm của Ga Hà Nội hay không, TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: “Khác với những ý tưởng của chúng ta, tức là cách đây 5, 7 năm thì có một số nhà báo cũng hỏi tôi là người ta có định chuyển Ga Hà Nội đi chỗ khác thì có đúng hay không, có nên hay không thì tôi trả lời rằng Ga Hà Nội vị trí đó là hợp lý nhất.

Vì đây là vị trí mang tính lịch sử nhất, văn hóa nhất, không nên thay đổi. Ga Hà Nội cũng như các bến xe, bến tàu không nên thay đổi nhiều, vì đây là nơi gặp nhau giữa phương tiện và người đi. Người ta đã quen rồi, thậm chí mang tính lịch sử rồi, thì theo tôi Ga Hà Nội vẫn ở chỗ cũ là tốt nhất và trên thế giới người ta đã làm trước chúng ta hàng thế kỉ.

Tất cả các thành phố lớn như ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc nhà ga, bến ô tô đều phải để tồn tại hàng trăm năm. Người ta coi đó là đầu mối giao thông, là nơi trung tâm và là di tích văn hóa. Và là một nơi mà trung chuyển quan trọng đối với các phương tiện giao thông.

Nhà ga King Cross London

Nhà ga King Cross London

Nhà ga Gare de Metz-Ville, Metz, nước Pháp

Nhà ga Gare de Metz-Ville, Metz, nước Pháp

Nhà ga Gare du Nord (Pháp) mở cửa vào năm 1864, là một thành tựu rực rỡ của kiến trúc

Nhà ga Gare du Nord (Pháp) mở cửa vào năm 1864, là một thành tựu rực rỡ của kiến trúc

Tôi thấy những ga lớn ở Moskva, ga Kiev hoặc những ga lớn ở thủ đô Praha của Tiệp Khắc ngày xưa, những ga lớn ở Tokyo, ở Paris (Pháp) tất cả đều đã tồn tại hàng trăm năm và có những ga tồn tại hàng trăm rưỡi, hai trăm năm. Ở London (Anh) hoặc là ở những nước nhỏ như Hungary thì cũng có những ga tồn tại hàng trăm năm. Ở các nước đó, người ta vẫn vừa đảm bảo công tác bảo tồn vừa khai thác rất hiệu quả về công năng sử dụng.

Có quan điểm cho rằng phải đưa Ga Hà Nội ra ngoài sẽ đỡ ùn tắc, đó là một cái quan điểm hoàn toàn sai. Nếu chúng ta thay đổi vị trí ga, hành khách bơ vơ biết đi đâu? Theo tôi, các phương tiện và ga càng ở gần trung tâm càng tốt. Như vậy, hành khách tiếp cận phương tiện nhanh, không gây rối loạn giao thông, không gây mất trật tự giao thông và giảm bớt thời gian tiếp cận phương tiện, nhờ đó sẽ giảm bớt những xáo trộn trong việc đi lại của người dân.

Không chỉ riêng vấn đề giao thông, mà Ga Hà Nội vẫn phải giữ gìn để bảo tồn vai trò lịch sử, văn hóa đặc biệt, độc nhất của Thủ đô. Ga Hà Nội được thể hiện lối kiến trúc Châu Âu và nó cũng là một kỷ niệm về lịch sử rất quan trọng của đất nước. Nó là ga đầu tiên, là trung tâm đầu mối đường sắt đầu tiên của đất nước.

Đến ngày nay nói đến Hà Nội thì một trong những địa điểm mọi người hướng về là Ga Hà Nội. Đó nơi phải bảo tồn không chỉ vì văn hóa, kiến trúc mà cả những ý nghĩa sâu xa về lịch sử. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có những thay đổi, có những dự án tại ga Hà Nội. Nhưng hãy lưu ý một điều, khi làm một dự án lớn, chúng ta phải quan tâm ngoài yếu tố về vấn đề hiện đại, hợp lý, khoa học thì cũng phải nghĩ đến việc cố gắng bảo tồn những gì mà chúng ta đã có.

Ngay cả khi cải tạo lại hệ thống mạng lưới đường sắt và khi có thêm đường sắt cao tốc Bắc Nam thì vẫn phải cố gắng bảo tồn những cơ sở đã có. Sử dụng ga nào, hay có thể bỏ một số ga, nhưng những kế hoạch, dự án phải hết sức cân nhắc chứ không thể bỏ tất cả đường sắt cũ. Nếu giao TP Hà Nội làm một tuyến mới thì chi phí có thể tăng lên hàng trăm nghìn tỷ.

Những việc làm này tưởng khó nhưng cũng không phải không làm được, vì chúng ta vẫn còn những hình ảnh, tư liệu cũ. Chúng ta có thể cải tạo phía bên ngoài của Ga và nhà ga, bên trong vẫn có thể thiết kế với đầy đủ tiện nghi, hiện đại. Nguyện vọng đầu tiên của tôi nếu được tôi sẽ nâng cao Ga Hà Nội để chạy trên cao. Có thể di chuyển về các hướng Ngọc Hồi để đi phía Nam. Không gian lúc đó sẽ rộng và các tàu cao tốc vẫn chạy được. Chúng ta vẫn cứ giữ vị trí rất đẹp đó, rất lịch sử đó, rất văn hóa đó.

Nếu chúng ta muốn tôn tạo lại thì chúng ta vẫn làm được. Làm được một cái phía bên ngoài, còn phía bên trong chúng ta vẫn làm theo cái thiết kế mới để phù hợp với thời đại hiện nay và những tàu cao tốc, hoặc là những phương tiện giao thông nó hiện đại...

Ngày 21/11/2023, Thành ủy Hà Nội đã phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trình bày tham luận, nêu rõ: Về trục phát triển, quy hoạch Hà Nội sẽ có nhiều trục phát triển, nhưng cần nhấn mạnh hơn với một tinh thần nhất quán với trục phát triển sông Hồng về tâm linh, môi trường, giao thông, cây xanh, mật độ xây dựng, kiến trúc, văn hóa... Theo ông, trong quy hoạch Thủ đô cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa.

Văn hóa và Di sản được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển thủ đô

Văn hóa và Di sản được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển thủ đô

“Quy hoạch Hà Nội theo hướng là thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến; Hà Nội là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa phát triển, thành phố thông minh; là điểm đến của du lịch văn hóa, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế thường niên; thành phố hiện đại nhưng thanh bình với con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà gợi ý.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh, Hà Nội đã là thành phố duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Hà Nội đang triển khai đồng thời lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013 để trình Quốc hội vào năm 2024. Đây là thời cơ, nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển Thủ đô.

Ga Hà Nội có thể sẽ chấm dứt một giai đoạn lịch sử và đảm nhận một bức tranh mới hay vai trò mới trong tương lai. Từng là một phần không thể tách rời trong sử sách, Ga Hàng Cỏ đã một thời là trung tâm của sự đổi mới, gắn liền với quá trình phát triển của cả đất nước.

Dù tên gọi của nhà ga có thay đổi, từ Hàng Cỏ xưa đến Hà Nội hiện nay và tương lai, nhưng vai trò của nó đã và sẽ tiếp tục theo đuổi sứ mệnh của sự đổi mới, hướng cho đất nước ngày càng mạnh mẽ và thịnh vượng hơn. Nhân dân Thủ đô và cả nước đều mong muốn, dù qua quá trình tái hiện, bảo tồn hay phát triển tại vị trí hiện tại của Ga Hà Nội, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và giao thông của nó đều được bảo vệ.

Di sản cần phải được tích hợp vào sự phát triển của đô thị. Ở một số quốc gia, những nhà ga tại trung tâm thành phố vẫn giữ được giá trị sử dụng. Tuy nhiên, thách thức là làm thế nào để cải tạo chúng. Bảo tồn không chỉ là để kế thừa cho thế hệ hiện tại và tương lai một phần của lịch sử, mà còn là để hiểu về quá trình phát triển của Hà Nội và Việt Nam.

Việc cải tạo ga là không thể tránh khỏi để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhưng đồng thời cũng cần đặc biệt chú trọng đến bảo vệ kiến trúc và di sản, cũng như sự hài hòa trong quy hoạch toàn cảnh. Với nhiều đặc điểm kiến trúc Pháp được giữ lại, việc cải tạo ga cần theo hướng bảo vệ toàn bộ dấu vết này. Có thể xây dựng một ga mới, hiện đại, nhưng vẫn ôm trọn những đặc điểm kiến trúc của ga chính để giữ gìn di sản.

Cần xem xét cẩn thận về vấn đề bảo tồn Ga Hà Nội trong quy hoạch, nhằm đảm bảo duy trì vững chắc giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của nó. Các cấp chinh quyền và đơn vị liên quan khi tham gia vào quá trình quyết định, cần phải có tư duy văn hóa, như Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh. Văn hóa không chỉ là nền tảng cho sự phát triển kinh tế, mà còn là nguồn động viên cho sự bền vững của đất nước... Bảo tồn kiến trúc không chỉ là việc bảo tồn vật thể. mà còn là cách kể chuyện về lịch sử phát triển của đô thị và Ga Hà Nội được coi là biểu tượng đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện điều này.

Nội dung: Tuấn Dũng - Tuyết Nhung.

Hình ảnh: Tuấn Dũng, TCT ĐSVN.

Đồ họa: Tuấn Dũng.

Tuấn Dũng - Tuyết Nhung

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bao-ton-ga-ha-noi-bai-cuoi-tuong-lai-bat-dau-tu-hom-nay-408459.html