Với những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đến từ Ninh Bình, chùa Lam Sơn được xây dựng theo kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Đây là kiểu kiến trúc chùa chiền phổ biến của Đồng bằng Bắc Bộ.
Đây là ngôi chùa thuần gỗ lớn nhất xứ Nghệ và vùng Bắc Trung bộ. Chùa gồm các hạng mục nhà thờ tổ, đại hùng bảo điện (hay còn gọi là Tam Bảo), hai bên là lầu chuông và lầu trống, tả hữu hành lang, cổng tam quan và các công trình phụ trợ khác. Công trình này có tổng kinh phí 50 tỷ đồng với nguồn lực từ xã hội hóa.
Chùa được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim và gỗ sến được nhập khẩu từ châu Phi với tổng khối lượng khoảng 1.200 m3. Riêng khu nhà thờ Tổ được làm hoàn toàn bằng gỗ kiền kiền.
Trong chùa, cột gỗ cao nhất là 7,58 m, đường kính tất cả các cột là 55 cm.
Tọa giữa sân chùa là bức tượng đá Phật Di Lặc khổng lồ, được chế tác từ một khối đá nguyên Corundum sapphire nặng hơn 120 tấn. Với sự chế tác khéo léo của các nghệ nhân ở Đà Nẵng, sau hơn 6 tháng triển khai tạc hình, bức tượng đá Phật Di Lặc được hoàn thành, nặng hơn 60 tấn, cao 3,2 m. Bức tượng được đặt trên một chiếc bệ đúc từ 30 khối bê tông.
Nhiều họa tiết bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo.
Các tượng Phật được chạm khắc từ gỗ quý nguyên khối.
Chuông đồng có khối lượng 12 tấn được đúc ngay tại chùa Lam Sơn.
Hạng mục lầu chuông và lầu trống hai bên tả, hữu chùa Lam Sơn được xây dựng bằng gỗ quý rất công phu.
Ngoài tượng Phật Di Lặc và tượng Bồ Tát Quan Âm, chùa Lam Sơn còn có Bức tượng Bồ Đề Đạt Ma cao 3,8 m, rộng hơn 2 m, nặng khoảng 3,5 tấn được xác lập kỷ lục là bức tượng tạc từ nu gỗ nghiến nguyên khối lớn nhất Việt Nam, đến thời điểm hiện tại.
Chùa Lam Sơn được xây dựng từ thời kỳ Lê Trung Hưng năm 1712. Thời bình chùa là nơi che chở người tu hành, là nơi cầu an cho nhân dân nơi đây. Trong thời kỳ kháng chiến, chùa trở thành nơi diễn thuyết, tổ chức các cuộc mít tinh, kêu gọi nhân dân tham gia kháng chiến.
Chùa Lam Sơn sau khi phục dựng, tôn tạo là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương. Chùa Lam Sơn không chỉ phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ phật, là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa khi về thăm xứ Nghệ.
Cảnh Huệ