Bảo tồn giá trị của di tích Mỹ Sơn - Câu chuyện chưa bao giờ cũ
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) Phan Hộ chia sẻ: Tròn hai mươi năm Khu Di tích Mỹ Sơn được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận Di sản Văn hóa Thế giới (1999 - 2019), những nỗ lực để giải mã bí ẩn cũng như sức cuốn hút của di sản này vẫn là câu chuyện chưa bao giờ cũ.
Nỗ lực giải mã những kỳ bí về di tích này của cộng đồng, các nhà khoa học trong nước và quốc tế bền bỉ thực hiện trong nhiều thập kỷ qua đi liền với mục tiêu bảo tồn giá trị cốt lõi của di tích được xem là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong quá trình trùng tu di tích. Tháp cổ Mỹ Sơn từ chỗ hoang phế đã lấy lại được gần như nguyên vẹn hình hài cổ xưa của mình.
Bền bỉ với mục tiêu bảo tồn giá trị cốt lõi của di tích
Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng chia sẻ: Trong 20 năm qua, bên cạnh thuận lợi là sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự giúp đỡ của tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đối mặt với nhiều khó khăn thử thách.
Khó khăn lớn nhất là di tích nằm ở dạng phế tích, kiến trúc, khảo cổ học, chất liệu, vật liệu, kỹ thuật xây dựng còn là những bí ẩn cần tiếp tục được giải mã để đưa ra giải pháp khoa học trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của di sản.
Trong hành trình tìm lại hình hài vốn có cũng như những giá trị cổ xưa của mình, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia, cơ quan của Trung ương như, Viện Trùng tu di tích, Viện Khảo cổ, Cục di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Danh thắng Quảng Nam… thực hiện các dự án trọng điểm: Dự án của tổ chức Lerici Foundation thông qua tổ chức UNESCO tài trợ 200.000 USD (năm 1999) thực hiện chương trình thông tin địa lý (GIS) cho Khu di sản Mỹ Sơn.
Dự án hợp tác với tổ chức America Express tài trợ thông qua Quỹ Di sản thế giới 75.000 USD (năm 2002) cùng với viện Khảo cổ học tiến hành khai quật 2 đợt (2002 và 2005) khơi thông dòng suối Khe Thẻ đoạn chảy qua giữa khu A và khu BCD nhằm chống sạt lở nhóm tháp A.
Song song với nỗ lực chống xuống cấp cho di tích, hàng loạt các dự án được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực như: Dự án xây dựng Nhà trưng bày Mỹ Sơn từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản thông qua tổ chức JICA, số tiền 299 triệu yên (tương đương 43 tỉ đồng năm 2005) nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu tổng quan về Mỹ Sơn, góp phần quảng bá hình ảnh Mỹ Sơn, nâng cao nhận thức của người dân về di tích này.
Dự án hợp tác ba bên UNESCO - Việt Nam - Italy về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn” với tổng kinh phí hơn 1,3 triệu USD, góp phần quan trọng vào việc gia cố, chống xuống cấp, từng bước định hình lại nguyên trạng nhóm tháp G.
Bên cạnh sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ cấp thiết một số hạng mục thuộc khu tháp E, F trong chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó hoàn thành việc trùng tu tháp E7 (khởi công từ tháng 6/2011 và đến tháng 5/2013 hoàn thành). Dự án “Trung tâm đào tạo, bảo tồn di tích văn hóa tỉnh Quảng Nam” trùng tu tháp G4 và khai quật khảo cổ nhóm tháp L.
Đề tài khoa học cấp quốc gia “Đa dạng sinh thái rừng đặc dụng Mỹ Sơn” với nhiều hạng mục công việc liên quan như kè sinh thái suối Khe Thẻ, tái tạo hàng chục ha rừng tự nhiên, nghiên cứu thủy văn suối Khe Thẻ.
Dự án dịch thuật, chuyển ngữ văn bia Chăm được thực hiện với sự hợp tác của các chuyên gia Trung tâm văn hóa New Delhi (Ấn Độ). Đề án Quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 đã trở thành nền tảng trong việc bảo tồn và phục dựng di sản Mỹ Sơn lên tầm cao hơn...
Chính phủ Ấn Độ đang tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng kinh phí hơn 60 tỉ đồng thực hiện dự án trùng tu nhóm tháp K,H,A khu di tích Mỹ Sơn từ năm 2015 đến năm 2020. Qua đó góp phần cứu vãn các nhóm tháp K,H,A có nguy cơ sụp đổ và định dạng lại kiến trúc để tạo bền vững di tích, phát huy giá trị thu hút du khách, ông Phan Hộ chia sẻ.
Đồng lòng phát huy bền vững giá trị Di sản
Tại hội thảo “Chiến lược đào tạo và nghiên cứu nhằm bảo tồn phức hợp khảo cổ Tiểu vùng sông Mekong” do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 5/2019, với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học đến từ nhiều nước, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Bên cạnh sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới trong việc giải mã những bí ẩn, đưa Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn từ đổ nát sang giai đoạn ổn định, phát triển bền vững, công tác nghiên cứu khoa học về kiến trúc, khảo cổ học, chất liệu, vật liệu, kỹ thuật xây dựng của người xưa còn được đề cập dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Hội thảo tiếp tục làm rõ những giá trị cơ bản vốn có của Khu di tích đồng thời tìm ra giải pháp bảo tồn và phát huy vững chắc cho Khu di tích này. Cũng tại hội thảo này, Giáo sư, Tiến sĩ Mariacristina Giamnruno, Trưởng Khoa Kiến trúc và Phát triển đô thị (Đại học Bách khoa Milan - Italia) khuyến nghị: Di sản văn hóa của một quốc gia thể hiện bộ mặt của quốc gia.
Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận để Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn giữ gìn được bản sắc riêng cũng như những giá trị đích thực cho mai sau. Do đó việc đánh giá, kiểm chứng lại quy trình bảo tồn sau khi trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua và đề xuất giải pháp mới được các nhà khoa học có uy tín trên thế giới đề cập xem như sự đồng lòng của cộng đồng các nhà khoa học trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của di sản.
Cùng với sự quan tâm về văn hóa vật thể, những giá trị về văn hóa phi vật thể đã đang và tiếp tục trở thành vấn đề quan trọng cần được bảo tồn gìn giữ, phát huy. Trong 20 năm qua, giá trị nổi bật nhất của công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể là việc xây dựng thành công thương hiệu múa Chăm Mỹ Sơn.
Đội văn nghệ dân gian Chăm và ngày nay là phòng Văn hóa Nghệ thuật Dân gian Chăm không ngừng được củng cố, bổ sung chương trình biểu diễn múa dân gian độc đáo, thu hút du khách và gìn giữ, bảo tồn vốn quý văn hóa truyền thống, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch, văn hóa đặc trưng của Mỹ Sơn.
“Nỗ lực không mệt mỏi trong hành trình giải mã bí ẩn về Mỹ Sơn trong nhiều thập kỷ qua không những góp phần để công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được mở sang trang mới mà còn khẳng định thương hiệu, điểm đến di sản trên bản đồ du lịch Quảng Nam và miền Trung Việt Nam.
Hơn tám tháng năm 2019, lượng khách đến tham quan tại di sản này ước đạt gần 285 nghìn lượt người, tăng gấp hàng nghìn lần so với 20 năm trước, doanh thu ước đạt trên 40 tỉ đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương và đầu tư lại cho công tác bảo tồn di sản”- Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ chia sẻ.
Có thể nói, sau 20 năm được UNESCO vinh danh, công tác quản lý, bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng. Cơ sở pháp lý về bảo tồn di sản này ngày càng được củng cố vững chắc, sự can thiệp trực tiếp qua công tác trùng tu, tôn tạo giúp kiến trúc di tích từng bước ra khỏi tình trạng đổ nát, sang giai đoạn ổn định, bền vững.
Quá trình hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan trong nước, quốc tế đã tạo tiền đề, kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu đối với di tích kiến trúc Chăm nói chung và Mỹ Sơn nói riêng.
Di tích được gìn giữ, bảo tồn, phát huy theo hướng bền vững, góp phần khẳng định thương hiệu, điểm đến Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn trên bản đồ du lịch Quảng Nam và miền Trung Việt Nam.