Bảo tồn giống chuối Ta Pê
Không chỉ giúp đồng bào vùng cao bước qua gian khó, giống chuối Ta Pê (một giống chuối lùn của người Pa Kô) xưa kia mọc khắp vườn nhà, ngọn đồi trên địa bàn xã Tà Rụt, huyện Đakrông còn nổi tiếng dẻo thơm, ngọt lành. Lo lắng khi thấy giống chuối này mất dần, các cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Tà Rụt đã vào cuộc để bảo tồn giống cây này.
Những ngày này, không khí lao động, sản xuất của các thành viên tổ hợp tác trồng chuối lùn ở xã Tà Rụt dường như vui tươi, sôi nổi hơn. Chị em không ngờ ý tưởng bảo tồn giống chuối Ta Pê được đánh giá cao tại cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Giữa hàng trăm sự lựa chọn, dự án của những người phụ nữ người Pa Kô đã được hỗ trợ để hiện thực hóa. Tin vui ấy như tiếp thêm động lực cho thành viên tổ hợp tác trồng chuối lùn ở xã Tà Rụt chuyên tâm lao động, sản xuất.
Trở về từ lễ trao giải cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt Hồ Thị Hằng tự tin hơn vào sự thành công của dự án trồng chuối Ta Pê. Ở tuổi 37, chị Hằng đã có 15 năm gắn bó với công tác hội. Mong muốn giúp chị em thoát nghèo, chị thường xuyên về thôn bản để chuyện trò, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Cách đây không lâu, trong cuộc họp nhóm ở thôn A Đăng, chị Hằng nghe Chi hội trưởng phụ nữ thôn Hồ Thị Sở chia sẻ nỗi trăn trở về việc giống chuối Ta Pê vốn thơm ngon có tiếng ở miền sơn cước đang mất dần. Hiện nay, nhiều tiểu thương tìm mua chuối Ta Pê với giá thành cao nhưng không có. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là lời tâm sự của chị Sở cũng chính là nỗi lo lắng mà nhiều chị em ở thôn A Đăng đang mang.
Câu chuyện trong cuộc họp của phụ nữ thôn A Đăng khiến Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt Hồ Thị Hằng nhớ về tuổi thơ kham khổ. Bố mẹ đều bám rẫy nương, bảy chị em chị Hằng lớn lên, sớm đối diện với cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai. Trong tháng ngày ấy, chính cây chuối Ta Pê đã giúp cả nhà thoát khỏi cảnh bấm bụng chịu đói. Từ nhỏ, những đứa trẻ như chị Hằng sớm biết vào rừng cùng bố mẹ tìm buồng chuối đẹp về bán cho tiểu thương để có tiền mua gạo, sách vở, áo quần… Cũng như người dân bản địa, cô bé Hồ Thị Hằng rất vui khi thấy cây chuối Ta Pê sinh sôi, phát triển nhanh. Người dân xã Tà Rụt có thời từng cho rằng loại cây này là món quà mà thiên nhiên ưu ái ban tặng giúp bà con vượt qua gian khó. Không ai ngờ giống chuối dẻo thơm, ngọt lành mất dần, đặc biệt là sau những ngày bão lũ. Đến hôm nay, muốn tìm giống chuối Ta Pê, người dân xã Tà Rụt phải leo đèo cao, vào rừng sâu mới thấy. Vì thế, không ít hộ dân đã chuyển hướng sang trồng các loại chuối khác. Theo thời gian, giống chuối phương xa bám rễ ở vườn nhà, rồi leo lên nương rẫy, ngược lại chuối Ta Pê bị một số người quên lãng. Đây là nỗi trăn trở của cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Tà Rụt, trong đó có chị em ở bản A Đăng, những người một thời lớn lên nhờ chuối Ta Pê.
Để giống chuối lùn bản địa lại sinh sôi, nảy nở, cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Tà Rụt xác định không thể làm một cách tự phát. Thay vào đó, họ xây dựng dự án một cách rõ ràng, cụ thể. Mục đích được đặt ra là bảo tồn giống chuối thơm ngon của người Pa Kô gắn với việc tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho chị em. Sau quá trình tuyên truyền, vận động, Hội LHPN xã Tà Rụt quyết định chọn 15 hộ dân ở thôn A Đăng tham gia dự án, trong đó có 11 gia đình thuộc diện hộ nghèo và 4 cận nghèo. Tổ hợp tác trồng chuối lùn ở xã Tà Rụt ra đời trong niềm tin, sự hi vọng của mọi người. Khi đã tìm ra lời giải cho ý tưởng và nguồn nhân lực, Hội LHPN xã Tà Rụt nhanh chóng làm việc với lãnh đạo UBND xã xin bố trí 1,1 ha đất ở thôn A Đăng để chị em triển khai mô hình. Với sự hỗ trợ của hội cấp trên, Hội LHPN xã Tà Rụt và thành viên tổ hợp tác sớm xác định rõ hoạt động, thời gian, dự kiến kết quả đầu ra, đơn vị hoặc cá nhân thực hiện… Nhờ thế, các hoạt động như: Khảo sát nhu cầu xây dựng mô hình; tư vấn thành lập tổ liên kết và ra mắt mô hình; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm; tập huấn kĩ thuật và phương pháp chăm sóc chuối… diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Hội LHPN xã Tà Rụt, ban điều hành và các thành viên tổ hợp tác trồng chuối lùn đã nhanh chóng đi vào hoạt động nền nếp. Chị em sớm xây dựng quy chế sử dụng và phát triển nguồn vốn là tài sản chung do tổ quản lí. Các thành viên có kinh nghiệm được phân công để quản lí tài sản chung. Chị em lồng ghép mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và công tác hội vào sinh hoạt tổ. Chị Hồ Thị Hằng, cho biết: “Hiện nay, tất cả các thành viên trong tổ đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Để thúc đẩy chị em, chúng tôi yêu cầu thành viên trong tổ phải cam kết thoát nghèo, cận nghèo sau một thời gian tham gia dự án và có trách nhiệm tổ chức các hoạt động sản xuất của gia đình hiệu quả, nêu cao ý thức liên kết, hỗ trợ nhau. Yêu cầu ấy được tất cả hội viên trong tổ rất đồng tình, ủng hộ”.
Những bước đi đầu tiên khá thuận lợi, đặc biệt là kết quả đáng mừng từ cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” giúp cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Tà Rụt nói chung, thành viên tổ hợp tác nói riêng tự tin hơn với dự án bảo tồn giống chuối lùn truyền thống. Sau nhiều ngày cần mẫn tìm kiếm, đến nay, các thành viên trong tổ đã chọn được 1.800 gốc chuối chuẩn bị cho việc ươm trồng. Tình nguyện tham gia tổ hợp tác từ ngày đầu, chị Hồ Thị Lương (sinh năm 1977) là một trong những thành viên nhiệt tình nhất của tổ hợp tác. Chồng mất sớm, chị Lương phải một mình nuôi hai người con. Những khó khăn trong cuộc sống chưa bao giờ rời xa cánh cửa ngôi nhà chị. Từ ngày tham gia tổ hợp tác, đêm nào chị cũng mơ cảnh 1,1 ha đất trồng chuối của chị em phát triển xanh tốt, còn gia đình thoát cảnh hộ nghèo. “Biết trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn nhưng tôi và các chị em khác tin mình sẽ vượt qua. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có một dự án của riêng mình, hơn thế còn nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ cấp trên. Chị em đã hứa với nhau sẽ không phụ sự kì vọng của mọi người”, chị Lương bộc bạch.
Theo kế hoạch, đến tháng 7/2020, được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN xã Tà Rụt sẽ tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đó là một áp lực không nhỏ đối với thành viên tổ hợp tác trồng chuối lùn xã Tà Rụt nên các thành viên trong tổ đều nêu cao quyết tâm, nỗ lực gấp đôi trong công việc, chuẩn bị cho hoạt động sắp tới. Giấc mơ chuối Ta Pê sinh sôi, nảy nở như ngày xưa, mang lại cuộc sống no ấm chưa bao giờ gần đến thế.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143720