Bảo tồn giống mận bản địa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngoài lê Tai-nung, mận tam hoa, thì mận Tả Van là một trong những giống cây ăn quả bản địa đang được ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát triển diện tích trồng theo hướng bền vững tại vùng cao biên giới Si Ma Cai. Đây là địa phương của tỉnh Lào Cai có thế mạnh về trồng các loại cây ăn quả ôn đới bản địa.

Mận Tả Van đang được phát triển theo hướng bền vững tại vùng cao biên giới Si Ma Cai. Ảnh: Thanh Cường

Mận Tả Van đang được phát triển theo hướng bền vững tại vùng cao biên giới Si Ma Cai. Ảnh: Thanh Cường

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 2.267ha mận Tả Van, trồng tập trung chủ yếu tại 2 huyện Si Ma Cai và Bắc Hà, năng suất quả đạt 35,1 tạ/ha, sản lượng đạt 2.574 tấn quả. Mận Tả Van lâu nay đã được đánh giá là một trong những giống mận ngon của địa phương, quả mận ăn giòn, có vị ngọt đậm, thơm. Nhiều khách hàng ưa chuộng mận Tả Van đã đặt tên gọi ví như quả “cherry Việt Nam”. Do đó, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Lào Cai đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, định hướng cho người nông dân Si Ma Cai đưa cây mận Tả Van vào cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tại huyện Si Ma Cai, nơi được xem là “thủ phủ” của giống mận Tả Van đã được ngành Nông nghiệp tỉnh chọn làm địa phương có giống mận chủ lực của tỉnh. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai, tính đến nay, toàn huyện có gần 1.500ha cây ăn quả ôn đới, trong đó, có trên 500ha mận Tả Van (trên 300ha đã cho thu hoạch quả). Năng suất bình quân đạt 60tạ/ha, sản lượng hằng năm 1.878 tấn. Huyện Si Ma Cai đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Mận Tả Van Si Ma Cai”.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai: "Từ canh tác mận Tả Van, nhiều hộ trồng mận đã có thu nhập ổn định, thậm chí có thu nhập khá từ loại quả đặc hữu của vùng cao biên giới này. Đặc biệt, những năm gần đây, nông dân tại Si Ma Cai đã có “của ăn của để” từ trồng và chăm sóc giống mận bản địa này. Nhiều thương lái cũng đã có thêm thu nhập khi là kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm mận Tả Van của địa phương".

Với mong muốn giúp người nông dân phát triển kinh tế hiệu quả từ thế mạnh trồng cây ăn quả ôn đới, nhất là bà con đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, từ tháng 3/2022, ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai, trực tiếp là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học và hữu cơ khoáng, tổ chức sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao giá trị mận Tả Van ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai”, đã thêm cơ hội cho cây mận Tả Van phát triển một cách bền vững, hiệu quả hơn.

Nông dân tại Si Ma Cai đã có “của ăn, của để” từ trồng và chăm sóc giống mận bản địa Tả Van. Ảnh: Thanh Cường

Nông dân tại Si Ma Cai đã có “của ăn, của để” từ trồng và chăm sóc giống mận bản địa Tả Van. Ảnh: Thanh Cường

Thạc sĩ Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Đề tài tập trung nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật bón phân hữu cơ cho mận Tả Van tại 2 thôn: Chu Liền Chải (xã Quan Hồ Thẩn), Seng Sui (xã Lùng Thẩn); xây dựng tài liệu hướng dẫn, đào tạo tập huấn cho nông dân và cán bộ khuyến nông xã, thôn bản về kỹ thuật thâm canh mận Tả Van theo quy trình VIETGAP/hữu cơ. Cùng với đó, quá trình thực hiện nghiên cứu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã xây dựng thành công mô hình thâm canh tổng hợp 20ha mận Tả Van và chứng nhận 5ha mận Tả Van đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia, 15ha đạt tiêu chuẩn VIETGAP; xây dựng mối liên kết giữa hộ sản xuất mận - tổ hợp tác - hợp tác xã - doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mận quả. Mô hình thâm canh tổng hợp mận Tả Van tại Si Ma Cai được ứng dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật: đốn tỉa tạo tán, sử dụng phân bón hữu cơ, vôi bột, sử dụng bẫy bả sinh học, chế phẩm vi sinh để chăm sóc phòng trừ sâu bệnh... đã góp phần tăng năng suất và cải thiện rõ rệt chất lượng sản phẩm quả mận Tả Van.

Cũng theo báo cáo đánh giá kết quả nghiên cứu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, việc đốn tỉa, tạo tán là biện pháp tích cực làm cho bộ tán của cây mận Tả Van phát triển đồng đều, cân đối, tạo độ thoáng giúp cây mận tăng khả năng quang hợp, giúp cây khỏe, quang hợp tốt, năng suất cao, cải thiện chất lượng. Biện pháp vít cành có tác dụng hạn chế chiều cao cây, định hình bộ khung tán, kích thích các mầm, chồi mang quả phát triển. Nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật bón phân hữu cơ, tỉa cành, nên chất lượng quả được cải thiện rõ rệt, quả chín đều, ngọt đậm, mẫu mã đẹp...

Quá trình thực hiện đề tài, đã thành lập được 2 tổ liên kết sản xuất, đồng thời, liên kết với Hợp tác xã Mản Thẩn, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp, dịch vụ, thương mại và dược liệu xã Nàn Sín tiêu thụ mận cho bà con nông dân. Niên vụ mận Tả Van năm nay, huyện Si Ma Cai cũng đã mạnh dạn kết nối giới thiệu sản phẩm giống mận bản địa này tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh; bước đầu liên kết với doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất rượu vang từ mận Tả Van, mở ra triển vọng mới cho vùng trồng cây ăn quả ôn đới tại địa bàn biên giới tỉnh Lào Cai.

Hoàng Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ton-giong-man-ban-dia-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post478184.html