Bảo tồn không gian văn hóa, bảo tồn hồn cốt của di sản

Trước hết, tôi bày tỏ sự nhất trí với những đánh giá nêu trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong đó, tôi ủng hộ những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 mà dự thảo nêu ra.

Trước hết, tôi bày tỏ sự nhất trí với những đánh giá nêu trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong đó, tôi ủng hộ những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 mà dự thảo nêu ra.

Bên cạnh đó, tôi có một vài góp ý nhỏ nhằm khơi gợi thêm giải pháp trong việc “Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội”.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của hệ thống các di tích lịch sử văn hóa là đúng đắn và thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Ở nhiều địa phương, người dân ngoài trách nhiệm bảo vệ hệ thống di tích lịch sử của cha ông còn phát huy tinh thần sáng tạo, mở mang thêm di tích, sử dụng di tích như một nguồn vốn làm giàu cho địa phương. Có thể nêu ra nhiều thí dụ như di tích cố đô Hoa Lư gắn với vùng du lịch di sản - thắng cảnh Tràng An, Bái Đính; đình Lim, đồi Lim gắn với du lịch di sản miền quan họ; hay gần đây là vùng danh thắng miền tây Yên Tử gắn với những di tích chùa La, di sản tư liệu được UNESCO công nhận tại chùa Vĩnh Nghiêm… Một số dẫn chứng để thấy rằng nếu những di sản, di tích lịch sử văn hóa được gìn giữ, bảo tồn và phát huy đúng hướng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã có nhiều di sản phát triển quá đà dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới không gian văn hóa, có nguy cơ tác động ngược khiến di sản biến dạng. Ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng các cơ sở kinh doanh lấn chiếm không gian di sản. Nhà hàng, khách sạn to hơn cả đình, đền, chùa (đối tượng chính của khách tham quan). Tình trạng này đã diễn ra ở nhiều nơi, trong nhiều năm mà các địa phương vẫn lúng túng chưa có hướng giải quyết. Qua ý kiến đóng góp này, tôi mong muốn Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đưa thêm “không gian văn hóa” vào đối tượng cần gìn giữ, bảo tồn giống như các di tích lịch sử. Trong đó, không gian văn hóa được hiểu như nét văn hóa truyền thống gắn với di tích. Thí dụ như người làng Lim quê tôi đội chiếc nón quai thao, khoác tấm áo tứ thân khi lên biểu diễn quan họ. Nếu họ mặc khác đi, không gian văn hóa sẽ thật phản cảm.

NGUYỄN NĂNG DỤ Cựu chiến binh, xã Lũng Giang, huyện Tiên Du, Bắc Ninh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/bao-ton-khong-gian-van-hoa-bao-ton-hon-cot-cua-di-san-622649/