Bảo tồn nhà cổ ở Cao Đà
Với những nơi có nghề mộc nổi tiếng như Cao Đà (xã Nhân Mỹ, Lý Nhân), ngôi nhà là nơi con người gửi gắm nhiều khát vọng, hoài bão và thể hiện rõ nhất trình độ tay nghề của người thợ. Trải qua những biến cố của thời gian, những nhà cổ sót lại ở Cao Đà đã mang trong nó nhiều giai thoại đáng nói bởi sự tác động của thiên nhiên, hoàn cảnh sống và con người... Với những giá trị văn hóa được lưu truyền, việc bảo tồn nhà cổ ở Cao Đà thực sự cần thiết.
Mỗi ngôi nhà, một số phận
Cách đây hơn 10 năm, khi theo một số cán bộ Bảo tàng Hà Nam về thăm các công trình kiến trúc cổ ở xã Nhân Mỹ, chúng tôi đã có dịp ghé thăm nhà ông Trần Văn Thất. Căn nhà nằm ven quốc lộ 38 là một trong số hơn hai chục ngôi nhà cổ được gìn giữ đến thời điểm đó có tuổi đời trên dưới một trăm năm. Chủ căn nhà trước đây là một người thợ mộc ở Cao Đà có tiếng. Ông Thất lúc bấy giờ ngoài 80 tuổi kể, căn nhà được xây dựng đúng năm ông chào đời. Cũng như số phận một con người, ngôi nhà gỗ với phong cách kiến trúc dân gian tiêu biểu của nhà cổ vùng châu thổ sông Hồng đã trải qua những biến cố khôn lường. Nó tồn tại cùng sự lên xuống của cuộc sống chủ nhân.
Ông Thất nói: “Thật ra, căn nhà này xưa kia được xây dựng trên một nền đất khác. Tôi đã cố bảo vệ nó khi chính quyền có kế hoạch di dân làm đường”. Bao nhiêu người yêu mến đồ cổ đã tìm đến để thương lượng mua lại toàn bộ phần gỗ của ngôi nhà. Họ không tiếc tiền để có thể mua được nó. Nhưng tôi không bán và cố gắng bảo vệ nó cho đến khi gia đình tìm được một khu đất mới. Vì lẽ, ngôi nhà là thứ duy nhất mà cha ông, người thợ mộc Cao Đà tài hoa năm xưa để lại cho con với những ký thác tâm sự về nghề nghiệp và cuộc sống tương lai. Đi cùng với nó là một số đồ vật cổ, như: đĩa bát, tủ, sập...
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Trần Quang Châm ở thôn Cao Đà, xã Nhân Mỹ hiện nay là ngôi nhà cổ đẹp nhất được chủ nhân gìn giữ cẩn thận.
Ảnh: Giang Nam
Mặc dù, những ngôi nhà cổ nằm sát đường đi mang lại nhiều cảm quan tốt đẹp cho mọi người khi đến thăm làng mộc Cao Đà. Nhưng cũng thật phiền phức cho chủ nhân mỗi lần tiếp khách. Để vào được ngôi nhà này lúc đó, chúng tôi đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Nói chuyện với chủ nhân ngôi nhà cổ mới biết tại sao lại có sự e dè đến thế. Đó là nạn trộm cắp đồ cổ của các gia đình khi lợi dụng chuyện thăm nom để chiếm đoạt.
Một buổi chiều muộn đầu tháng Tư năm 2024, chúng tôi trở lại Cao Đà, đến thăm ngôi nhà của gia đình ông Trần Quang Châm. Căn nhà thực sự độc đáo với toàn bộ kết cấu và kiến trúc chạm khắc. Nó được xây dựng cách nay hơn một trăm năm, trong ấy còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những bức hoành phi, câu đối, cuốn thư và ban thờ cổ, mang giá trị văn hóa sâu sắc.
Ông Châm kể rằng, người làm ngôi nhà này là cụ Trần Công Hào và cụ bà Vũ Thị Đặng (ông bà ngoại của ông Châm). Cụ Hào là một cai thợ mộc của làng xưa kia, còn cụ Đặng là một cô gái Huế. “Sống trong một gia đình khá giả nên yêu cầu với ngôi nhà cũng khác với nhiều hộ dân khác. Chỉ nhìn vào những chi tiết trong ngôi nhà cũng như cách bài trí đồ đạc cũng đủ thấy phong cách và thẩm mỹ của ông bà tôi” – ông Châm tự hào. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất cố đô nên cụ bà Vũ Thị Đặng đã mang theo cốt cách kinh kỳ về nhà chồng. Bà đã cùng với cụ ông Trần Văn Hào tạo dựng một ngôi nhà vừa mang dáng vóc kiến trúc dân dã, vừa mang phong cách quý phái của tầng lớp trung lưu thời phong kiến.
Khi nhà cổ được coi là di sản cần được bảo tồn
Ở Nhân Mỹ, những ngôi nhà cổ còn giữ được đến hôm nay, chủ yếu là nhà dân. Vì thế, kiến trúc và kiểu dáng những ngôi nhà này khá gần gũi và giản dị với cuộc sống dân thường. Tuy nhiên, khác với những nơi khác, nhà cổ ở đây có những giá trị nghệ thuật riêng trong kiến trúc và xây dựng. Mỗi ngôi nhà không chỉ là nơi ở của các hộ gia đình, ở đó còn là nơi gửi gắm nhiều lẽ sống và sự sáng tạo nghề nghiệp của những người thợ mộc Cao Đà.
Hầu hết những ngôi nhà cổ đều là nhà gỗ năm gian, được xây dựng từ năm 1942-1943 trở về trước. Quy mô kiến trúc không hoành tráng, nhưng khá cô đọng trong tâm thức con người bởi khả năng tư duy và óc thẩm mỹ của con người trong xây dựng nhà gỗ truyền thống. Hà Nam vốn là vùng đất trũng, thời tiết ẩm thấp nên trong suy nghĩ của người dân khi làm nhà thường chọn nơi đất cao ráo.
Vật liệu để dựng nhà cũng là những loại gỗ quý, bền bỉ với thời gian và chịu được thử thách khắc nghiệt của thời tiết, như: gỗ lim, gỗ táu, vàng tâm... Cột nhà được kê bằng những tảng đá vuông hoặc tròn để tránh cho chân cột khỏi bị mục, mối. Ngói lợp những ngôi nhà này là ngói âm dương, ngói mấu. Trước cửa nhà treo mành hoặc kê những tấm dại được đan bằng tre vót mỏng, tạo không khí mát mẻ trong nhà… Tùy vào tuổi tác của chủ nhà mà hướng nhà được định đoạt.
Những người thợ Cao Đà cũng đã khá am hiểu về thuật phong thủy nên chọn hướng nhà phù hợp với thời tiết, khí hậu và tuổi tác của mình. Nhiều ngôi nhà được làm theo hướng Nam vì đó là hướng sinh khí, hướng hưng thịnh, hướng cho gió nồm mát mẻ về mùa hè. Hướng Đông là hướng của thần linh, nơi có ánh bình minh chiếu vào mỗi buổi sáng làm cho không khí ngôi nhà quang sạch...
Nội thất trong căn nhà cổ của gia đình ông Trần Quang Châm.
Ảnh: Chu Nam
Rất hiểu về nghề mộc của cha ông, ông Trần Quang Châm lý giải cụ thể về ý nghĩa kiến trúc từng kiểu dáng nhà cổ ở đây. Dường như các nhà đều còn nguyên hệ thống cửa bức bàn làm bằng gỗ lim. Ngưỡng cửa cao 40cm, có vai trò giữ cho bộ khung ngôi nhà vững chãi hơn và phân biệt rõ ràng không gian bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Người xưa làm cửa kiểu này với ý thức bất kể ai khi bước chân vào nhà đều phải dừng lại và cúi xuống, bước qua. Ấy là khoảnh khắc con người tĩnh tâm và nhún mình trước các bậc tiền nhân được thờ ngay gian chính giữa. Khi dừng lại để cúi đầu bước qua cũng là lúc con người cần hiểu gia đạo, tục lệ của gia đình này ra sao. Thế mới có câu: Nhập gia tùy tục là vậy...
Cửa nhà dù được làm bằng gỗ lim, nhưng mục đích sử dụng của người xưa khá đơn giản. Hầu như chủ nhà không đặt tính sang trọng của loại gỗ này lên đầu, mà chỉ nghĩ đơn giản, dùng gỗ lim cho bền cho vững chãi. Cách thiết kế cửa bức bàn giúp cho chủ nhà có thể linh hoạt sử dụng cánh cửa làm sập ngồi mỗi khi có việc lớn. Chỉ cần tháo các cánh cửa và kê vào liễng là có thể tạo thành những sập gỗ dài cho nhiều người ngồi lên. Cửa sổ được thiết kế theo kiểu cửa dịch hay còn gọi là cửa dồn.
Việc bảo tồn nhà cổ ở Cao Đà nói riêng, xã Nhân Mỹ nói chung đang là việc cần được chính quyền địa phương quan tâm. Bởi, bảo tồn được nhà cổ sẽ góp phần giúp cho Lý Nhân phát triển du lịch nông thôn bền vững, Nhân Mỹ trở thành điểm kết nối thuận lợi với nhiều khu, điểm du lịch văn hóa khác, như Khu tưởng niệm Nhà văn Nam Cao, đền Trần Thương, đền Bà Vũ và các làng nghề truyền thống tiêu biểu.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/bao-ton-nha-co-o-cao-da-122047.html