Bảo tồn nhà cổ trong xây dựng đời sống văn hóa
Nhà ở - như khẳng định của các nhà nghiên cứu văn hóa - không đơn thuần là một mô hình kiến trúc hay kết cấu vật chất; mà sâu xa hơn, nó là một dạng thức văn hóa vật chất giàu giá trị, có khả năng phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, xã hội và thẩm mỹ.
Làng cổ Đông Sơn.
Làng cổ Đông Sơn được bao bọc bên trong những cánh núi thấp và sông Mã quyến luyến, thầm thì lời đồng vọng ngàn năm. Sâu bên trong những bức tường rêu cũ, những con ngõ nhỏ hẹp chạy dọc ngang, dường như vẫn lẩn khuất dấu tích của những tháng năm oằn mình dưới đạn bom. Và nơi cánh cổng bạc màu thời gian vẫn khép hờ của những ngôi nhà cổ, dường như vẫn lắng đọng vô số trầm tích của lịch sử, của văn hóa và của đời người. Những con người đã sinh ra, lớn lên và không ít đã đi ra, thoát ly khỏi cánh cổng làng. Để khi đã chồn chân mỏi gối với những ước vọng, những lo toan, những hơn thua, thì có người lại mơ trở về dưới mái hiên nhà, nơi tấm bình phong đan bằng tre giản dị mà chứa đựng cả quan niệm về nhân sinh, về thế giới của cha ông mình.
Nằm trong lòng thành phố trẻ năng động, làng cổ Đông Sơn như một nét bút trầm mặc trên bức tranh sáng màu. Thế nhưng, phía sau vẻ bình yên ấy, làng cổ cũng đang phải đối mặt với không ít câu chuyện đời sống, về an sinh và cả những nghịch lý giữa bảo tồn vốn cổ với xây dựng cái mới. Đó cũng là vấn đề đang đặt ra trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi nhà cổ có lịch sử hàng trăm năm. Bởi, chỉ khi con người thỏa mãn được các nhu cầu vật chất, thì khi ấy người ta mới có thời gian, tâm thế, mong muốn và khả năng để chăm lo đời sống văn hóa – tinh thần. Với bảo tồn nhà cổ cũng vậy, thật khó để yêu cầu vài ba thế hệ cùng sinh sống dưới một mái nhà chật hẹp và không mấy phù hợp với lối sống của người trẻ. Rồi sự lạc lõng của những ngôi nhà cổ giữa những kiểu kiến trúc mới, chẳng khác nào một bức tranh kiến trúc chắp vá cũ - mới, khiến người nhìn không khỏi nhức mắt. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề cương đề án Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa (tại Quyết định số 1980/QĐ-UBND ngày 2-6-2020). Hy vọng, đây sẽ là một bước tiến mới và thực sự hữu hiệu trong việc bảo tồn, bảo vệ làng cổ Đông Sơn, đặc biệt là những ngôi nhà cổ - một phức hợp văn hóa giàu giá trị.
Trong sự phát triển nói chung, văn hóa có vị thế vô cùng quan trọng. Bởi vậy, sự mất cân đối sẽ xảy ra nếu đặt mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa. Chính vì lẽ đó, mà “linh hồn” của nền văn hóa Việt Nam hiện nay là “nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Không gian văn hóa làng Việt truyền thống được “mặc định” bằng tín hiệu lấp lánh - giản dị và thân thuộc – với cây đa, giếng nước, sân đình, rặng tre, hàng râm bụt... Và tất yếu, không thể thiếu bóng dáng những nếp nhà với mảnh vườn xanh mướt. Nhà cổ, với ý nghĩa của nó trong đời sống làng xã và những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đã được khẳng định, theo đó, càng cần được bảo vệ, gìn giữ như cách ta đang nỗ lực để giữ lại cái phần tinh hoa của văn hóa cổ truyền làng xã – cội nguồn văn hóa dân tộc.
Trên mảnh đất xứ Thanh, bất kể là miền xuôi hay miền ngược, người Việt hay người Mường, Thái đều ít nhiều gìn giữ được những dấu tích từ thuở dựng làng, lập bản gắn liền với những khúc đoạn thăng trầm trong lịch sử hình thành và phát triển tộc người. Ở đó, những ngôi nhà cổ ví như một “bảo tàng thu nhỏ” của văn hóa với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cách thức sinh hoạt, kiến trúc, mỹ thuật... vốn được gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác dưới những nếp nhà. Nói cách khác, nhà cổ là không gian văn hóa, nơi hưởng thụ và sản sinh văn hóa. Bởi từ quá trình lao động, sinh hoạt con người đã góp nhặt, lựa chọn, dưỡng nuôi và bồi đắp nên các chuẩn mực đạo đức, hành vi, lối sống, trách nhiệm cho mỗi cá nhân, để từ đó cố kết thành một cộng đồng bền chặt.
Con số hàng nghìn ngôi nhà cổ được xây dựng từ thời Nguyễn trở về trước, trong đó có khoảng 400 ngôi nhà có tuổi thọ vài trăm năm, thiết nghĩ cũng là minh chứng sống động cho sự hình thành và phát triển của các dân tộc trên mảnh đất này. Trong đó, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Đông Sơn... là những địa phương còn tồn tại khá nhiều nhà cổ trăm tuổi. Điển hình là ngôi nhà của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc). Ngôi nhà được xây dựng từ thời Nguyễn này được đánh giá là có lối kiến trúc độc đáo, hiếm có. Mặc dù đã trải qua hơn 200 năm tồn tại, nó vẫn được gìn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc truyền thống cũng như sự tinh xảo của hoa văn.
Tuy nhiên, không phải ngôi nhà cổ nào cũng được bảo vệ, gìn giữ như ngôi nhà của ông Phạm Ngọc Tùng. Bởi thực tế, đa phần các ngôi nhà cổ đều thuộc quyền sở hữu và sử dụng của các hộ gia đình. Điều này là không dễ cho việc quản lý và bảo tồn, khi mà họ vẫn đang sống dưới nếp nhà ấy nên khó tránh việc làm ảnh hưởng hay hư hao đi các giá trị kiến trúc, nghệ thuật của nó. Đó là chưa kể, không phải ai cũng có thể nắm bắt được các quy định về việc bảo tồn di sản để làm cho đúng; đồng thời, không phải ai cũng có mong muốn, kinh nghiệm và nhất là kinh phí để thực hiện việc bảo tồn. Vậy nên, thực trạng không ít nhà cổ - vô tình hoặc hữu ý – bị xâm hại, xuống cấp, thậm chí là bị phá bỏ, thiết nghĩ là điều có thể lý giải được.
Hiện đại hóa diện mạo đời sống khu vực nông thôn là một quá trình đang diễn ra và là một đòi hỏi tất yếu hiện nay. Song, cũng bởi sự thay đổi chóng vánh của cuộc sống hiện đại, đã và đang đặt không ít nếp nhà cổ trước câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”. Và để có câu trả lời cho vấn đề này, thiết nghĩ, các ngành có liên quan và các địa phương cần chủ động và trách nhiệm trong việc kiểm kê, đánh giá, phân loại và có phương án bảo vệ. Nếu không, rất có thể chẳng bao lâu nữa, các nếp nhà cổ sẽ dần biến mất khỏi không gian văn hóa làng quê.