Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm
Chiều 27/11, tại Thiền viện Sùng Phúc, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm'.
Đây là một trong chuỗi sự kiện chào đón lễ ra mắt và đi vào hoạt động của Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời nhằm hướng tới lễ kỷ niệm 708 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308-2016).
Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm” là một trong những hoạt động nhằm góp phần nghiên cứu sự nghiệp, trước tác, tư tưởng thiền học của Trần Nhân Tông; nghiên cứu di sản cùng các giá trị văn hóa lịch sử của thiền phái Trúc Lâm và vương triều Trần (1225-1400) nói chung - một vương triều với võ công văn trị hiển hách, được đánh giá giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Hội thảo cũng nhằm giới thiệu, đánh giá các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, phân tích, làm rõ thêm giá trị của hệ thống các di tích liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, qua đó nêu lên các quan điểm và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm.
Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm bài viết của học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong số các học giả, nhà nghiên cứu có bài viết tham dự, một bộ phận không nhỏ là bài viết của các vị tăng ni, Phật tử, các sư trụ trì ở các chùa, thiền viện trong và ngoài nước. Nội dung các bài nghiên cứu cũng được đánh giá có tính chuyên sâu cao, đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau của thời đại nhà Trần như: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, văn học… Tất cả những vấn đề này đều được soi chiếu dưới lăng kính, góc nhìn của triết lý Phật học. Dù các bài nghiên cứu đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, song tất cả đều tập trung làm rõ hơn về thân thế, sự nghiệp, trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nội dung tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm. Đề xuất các quan điểm, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm.
Nhận định một cách tổng quát về những thành tựu, kết quả và tiến trình nghiên cứu về di sản của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm, các đại biểu tham gia Hội thảo đều cho rằng, từ năm 2008, kể từ sau đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày đức vua Trần Nhân Tông nhập Niết bàn tới nay, việc nghiên cứu thảo luận về Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm đã khởi sắc và xuất hiện ngày càng nhiều thành tựu, đã có sự quan tâm của các nhà nghiên cứu thuộc giới tu hành cũng như các học giả, người hâm mộ trong và ngoài nước. Số lượng bài viết ngày càng nhiều, góc độ đề cập ngày càng phong phú. Càng đi sâu vào thế giới di sản của Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm, người ta càng khám phá thêm những giá trị quý báu.
Tuy nhiên theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, các nghiên cứu này khá phân tán, tùy hứng, không tập trung. Chưa có những chuyên luận chuyên sâu, những chương trình hay dự án nghiên cứu lớn về Trần Nhân Tông và Trúc Lâm.
"Trần Nhân Tông là nhà văn hóa, tư tưởng, nhà hoạt động chính trị và tôn giáo lớn, Trúc Lâm là Thiền phái quan trọng của Phật giáo Việt Nam, nhưng nếu việc nghiên cứu thảo luận không tương xứng, không tới tầm thì không những không làm tôn các giá trị của di sản mà thậm chí còn làm sai lệch và tổn hại tới hình ảnh. Vì vậy, việc định hình một chiến lược nghiên cứu, một số tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về Trần Nhân Tông, Trúc Lâm và phát huy di sản này trong nước và quốc tế là việc hết sức cần thiết", GS. Nguyễn Kim Sơn nhận định.
GS. Vũ Minh Giang cũng khẳng định, lịch sử nhà Trần và di sản của Phật hoàng Trần Nhân Tông là vô cùng quý giá. Phật giáo là một phần của tư tưởng Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Ông là vị vua anh hùng, đã thiết kế thành công tổ chức nhà nước tập quyền thân dân. Các giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm không chỉ là tinh hoa văn hóa, Phật học đời Trần mà còn là tinh hoa văn hóa Phật học của dân tộc.
Để tổ chức nghiên cứu một cách công phu, hệ thống, bài bản có chiều sâu thực sự về di sản của Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như Phật giáo Trúc Lâm, tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1717/QĐ-TTg ngày 1/9/2016 thành lập Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo đó, Viện Trần Nhân Tông sẽ là nơi để các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước triển khai các hoạt động nghiên cứu và đào tạo không chỉ riêng về tư tưởng thiền học của Phật hoàng Trần Nhân Tông, mà còn rộng hơn, về đời Trần, về Phật học Việt Nam, Phật giáo nói chung và ảnh hưởng tới đời sống chính trị-xã hội Việt Nam.
Được biết, từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm xúc tiến bàn thảo về các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Viện, đặc biệt là các việc khởi động cho chương trình đào tạo tiến sĩ Phật học, dự kiến bắt đầu từ năm 2017. Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm” được xem là một trong những hoạt động có tính chuyên môn đầu tiên và là bước tạo đà cho các hoạt động nghiên cứu đào tạo chuyên sâu tiếp theo của Viện.