Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu có 87,2% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện luôn quan tâm công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, như ngôn ngữ, chữ viết, các lễ hội, nghề truyền thống, các trò chơi dân gian...

Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, huyện đã tiến hành điều tra, kiểm kê, nhận diện được 6 di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc; trong đó, 4 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc Thái, Mông, Kháng, Khơ Mú, La Ha; các lễ hội xên Pang A của người La Ha; lễ hội xên bản, xên Lẩu Nó của người Thái; lễ hội cầu mùa của người Khơ Mú. Ngoài ra, còn có các nghề truyền thống, dệt thổ cẩm, đan lát, thêu thùa, chế tác nhạc cụ dân tộc; các trò chơi dân gian đẩy gậy, kéo co, tó má lẹ, tung còn...

Đồng bào Thái ở bản Pán, xã Chiềng Ly (Thuận Châu) lưu giữ làn điệu then và nghề chế tác đàn tính.

Đồng bào Thái ở bản Pán, xã Chiềng Ly (Thuận Châu) lưu giữ làn điệu then và nghề chế tác đàn tính.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cho biết: Để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập 391 đội văn nghệ, câu lạc bộ dân ca, dân vũ tại cộng đồng, động viên, khích lệ hạt nhân văn hóa dân gian truyền dạy những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ. Đồng thời, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án của Nhà nước xây dựng 29 nhà văn hóa xã, 340 nhà văn hóa bản, tiểu khu, mua sắm trang thiết bị, đảm bảo cho các địa phương tổ chức các hoạt động, phát huy tối đa nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động văn nghệ, các đợt liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng; phối hợp với cơ quan truyền thông của tỉnh, Trung ương phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian thông qua gameshow “Về bản em” và chương trình khám phá Việt Nam.

Cùng với đó, huyện khuyến khích đồng bào người dân tộc thiểu số duy trì nói tiếng của dân tộc mình; động viên người cao tuổi, người am hiểu ngôn ngữ truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếng dân tộc, làm cho tiếng nói dân tộc thấm sâu vào đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Sơn La tổ chức lớp dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho cán bộ công chức của huyện và các xã, lực lượng vũ trang, cán bộ quản lý, viên chức ngành Giáo dục - Đào tạo hiện đang công tác tại địa bàn khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân.

Xã Liệp Tè, nơi có đông đồng bào La Ha sinh sống tập trung, thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào, huyện đã vận động bà con bảo tồn nghề truyền thống; thành lập, duy trì đội văn nghệ, tổ chức lớp truyền khẩu dạy tiếng dân tộc, hỗ trợ thiết bị nhà văn hóa bản... Ông Quàng Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Xã phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện tiến hành phục dựng lễ cúng bản (xên bản), với phần lễ là hoạt động cúng các vị thần linh canh giữ bản, thần sông, thần núi, thần thổ địa, thần cai quản ruộng nương... Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ; qua đó, giúp bà con nâng cao tình đoàn kết, khơi dậy, bảo tồn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông.

Tuy nhiên hiện nay, nhận thức của một bộ phận người dân đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số còn hạn chế. Một số lễ hội, lễ nghi phục dựng gặp nhiều khó khăn, do người chủ lễ, thầy mo, thầy cúng không còn. Môi trường văn hóa bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan, khiến một số làn điệu dân ca, điệu múa bị thất truyền. Kinh phí tổ chức, phục dựng các lễ hội chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn xã hội hóa...

Với mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân cư, huyện Thuận Châu đang tiếp tục khôi phục và phát triển một số lễ hội truyền thống lành mạnh; tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ dân ca, dân vũ; phát huy vai trò các cộng tác viên người dân tộc thiểu số, các nghệ nhân tại cơ sở trong việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa, tạo bản sắc riêng cho mỗi dân tộc.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bao-ton-phat-huy-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-39140