Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào S'tiêng
Nhiều năm qua, người S'tiêng ở huyện vùng biên Bù Đốp, tỉnh Bình Phước luôn nỗ lực để giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng.
Khi nói đến cồng chiêng, đồng bào S'tiêng ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp đều nhắc tới già làng Điểu C'reo. Bởi hơn 17 năm qua, già làng Điểu C’reo đã gìn giữ, bảo vệ bộ cồng chiêng của thôn gồm 5 chiếc để tiếp tục lưu truyền cho thế hệ con cháu.
Già làng Điểu C'reo tâm sự: Cồng chiêng là bản sắc của dân tộc mình. Để giữ gìn bản sắc này, già phải vận động nhân dân, vận động bà con cùng giữ gìn.
Già làng Điểu C’reo truyền đạt cách sử dụng cồng chiêng cho thế hệ kế tiếp.
Hiện nay, các nhạc cụ truyền thống đang bị “lãng quên” trong lòng giới trẻ. Tuy nhiên, về thôn Thiện Cư, phần lớn thanh niên người dân tộc S’tiêng vẫn một lòng đam mê bộ nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Nhiều thanh niên được già làng Điểu C'reo chỉ dạy giờ đã thuần thục biểu diễn cồng chiêng…
Anh Điểu Quyết chia sẻ: Trước đây, anh chưa biết về cồng chiêng. Khi lớn lên, được xem các bác, các chú luyện tập, từng nhịp cồng chiêng đã ngấm dần trong anh từ lúc nào.
“Nghệ thuật đánh cồng chiêng đã khó nhưng việc chỉnh chiêng còn khó hơn. Nó đòi hỏi phải thật sự am hiểu về cồng chiêng. Bên cạnh đó, phải sử dụng được tất cả các chiêng trong bộ cồng chiêng, từ đó mới có thể cảm âm, thẩm âm chính xác”, anh Quyết cho biết thêm.
Hòa nhịp với cuộc sống hiện đại, người S’tiêng hiện nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đời sống đã ổn định hơn. Dù rất bận rộn trong mùa điều sắp vào vụ thu hoạch nhưng họ cũng không quên tập hợp nhau lại để luyện tập đánh cồng chiêng...
Bí thư Chi đoàn thôn Thiện Cư Điểu Thị Bé cho biết, được những người đi trước truyền đạt lại, thế hệ trẻ Thiện Cư thêm hiểu, thêm yêu tiếng cồng chiêng của dân tộc.
Đồng bào S'tiêng biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội.
Hiện nay, tiếng cồng chiêng đang trở thành món ăn “đặc sản” của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người S'tiêng ở huyện Bù Đốp nói riêng.
Người S’tiêng quan niệm, giá trị của văn hóa cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật diễn tấu mà còn mang đậm ý nghĩa tâm linh. Mỗi nhịp điệu vang lên lại giúp đồng bào giao tiếp với thiên nhiên, thần linh, tổ tiên và cả chính mình.
Ông Điểu Ngọc, Trưởng thôn Thiện Cư cho biết bản sắc văn hóa truyền thống cồng chiêng trên địa bàn đang được bà con lưu giữ và phát huy. Đặc biệt, trong các dịp như đám cưới, đám hỏi ở địa phương cũng thường xuyên sử dụng tiếng cồng chiêng.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cũng tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham gia đánh cồng chiêng trong các ngày lễ hội để duy trì và phát huy bản sắc dân tộc.
Theo ông Điểu Ngọc, để văn hóa cồng chiêng không bị mai một, các ngành chức năng cần thường xuyên tổ chức các lớp, khóa đào tạo bài bản về nhạc cụ cồng chiêng cho lớp trẻ.
Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa cồng chiêng cần được làm tốt, tránh tình trạng “thương mại hóa” văn hóa cồng chiêng".