Bảo tồn, phát triển nguồn gen của 3 loài lan quý hiếm khu vực Bắc Trung Bộ
Trong giới 'thạo' lan rừng, mấy ai không bị chinh phục bởi vẻ đẹp tinh tế, độc đáo của những giò Lan hài vân bắc, Lan hài lông, Lan thủy tiên hường. Tuy nhiên, việc có thể sở hữu được một trong số những giống lan quý hiếm ấy thực không phải điều dễ dàng. Bởi lẽ, hiện nay, nguồn gen của ba loài lan này trong tự nhiên rất khan hiếm, có nguy cơ bị xóa sổ.
Tin liên quan:
Chuyện nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong bảo vệ, phát triển rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên
Tăng cường quản lý, ngăn chặn việc chặt phá cây rừng tự nhiên để lấy cây phong lan
Một góc khu nhà lưới che nắng, phun sươn tự động dùng để phục vụ cho đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen Lan hài vân bắc, Lan hài lông và Lan thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung Bộ”.
Đứng trước thực trạng ngày càng khan hiếm, suy thoái nguồn gen của 3 loài lan quý hiếm: Lan hài vân bắc, Lan hài lông và Lan thủy tiên hường, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình đã triển khai thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen Lan hài vân bắc, Lan hài lông và Lan thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung Bộ”. Thời gian thực hiện đề tài là 48 tháng (từ tháng 5-2017 đến tháng 4-2021). Đây là đề tài thuộc Chương trình “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Ngọc Dương, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết: “Mục tiêu chung của đề tài hướng đến là làm sao có thể bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững nguồn gen của 3 loài lan bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế cao: Lan hài vân bắc, Lan hài lông và Lan thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung bộ”. Bên cạnh đó, khi thực hiện đề tài cũng đã đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể như: Bổ sung hiện trạng, vùng phân bố; thực trạng khai thác, kinh doanh; xác định được đặc điểm nông sinh học, sinh thái và đa dạng di truyền (mức độ hình thái và mức độ phân tử) của 3 loài lan quý hiếm, có giá trị kinh tế cao này ở khu vực Bắc Trung Bộ; xây dựng được các quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc đối với 3 loài lan được lựa chọn; xây dựng được 1 mô hình vườn giống gốc (quy mô 4.500 cây/3 loài) và 3 mô hình cây thương phẩm (quy mô 45.000 cây/3 loài).
Lan hài vân bắc - Một trong 3 loài lan bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.
Sau hơn 2 năm nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu của cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, phần lớn các mục tiêu đã đạt được, thể hiện ở những con số cụ thể: Theo dõi chăm sóc 10.000 cây lan tại vườn giống gốc và vườn nhân giống; phối hợp với Viện di truyền hoàn thiện 1 báo cáo di truyền sinh học; 2 quy trình nhân giống bằng invitro, 6 quy trình nhân giống bằng phương pháp tách mầm, trồng, chăm sóc 3 loài lan; chuyển 2.600 dò Lan thủy tiên hường nhân giống bằng invitro về chăm sóc tại vườn giống gốc... Trong thời gian tới, Khu bảo tồn sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu, ứng dụng nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất các mục tiêu đã đề ra.
Về 3 loài lan bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao này, khi trực tiếp được quan sát, tìm hiểu về chúng tại Khu nhà lưới phục vụ đề tài nghiên cứu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên mới thấy hết được vẻ đẹp, sức hấp dẫn của chúng.
Lan hài vân bắc, ở Việt Nam, người ta còn gọi chúng với cái tên hài tía hay thiết hài. Theo cuốn Phong lan Việt Nam của Trần Hiệp miêu tả: Đây là loài lan đất, thân ngắn. Lá sát đất hình bầu dục thuôn, dài 15 - 25cm, rộng 3 - 4cm, đỉnh nhọn, màu xanh đậm với các đốm màu xanh nhạt ở mặt trên, tái sinh bằng hạt. Mọc rải rác dưới tán rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa cây lá rộng ưu thế và mọc ở các vách núi đá vôi dựng đứng trên cao độ 1.000-1.500m trong các khe nứt hay hốc đá ẩm, ít đất ở các vách dựng đứng gần đỉnh núi. Mỗi cây lan hài vân bắc chỉ cho một cần bông và mỗi cần bông chỉ cho một bông hoa duy nhất, mùa hoa thường ở vào tháng 3 - 4. Cần hoa cao khoảng 30cm, có lông, màu nâu đỏ. Hoa của lan hài vân bắc lớn kích thước khá to, khoảng từ 8 - 10cm. Cánh đài lưng gần tròn hơi gấp lại, mép răn reo, màu trắng pha hồng gốc màu xanh có gân đỏ ở đỉnh. Cánh tràng chúc xuống hình giải thuôn, mép có lông, có 4 - 5 vạch màu đen nhạt trên nền xanh xám. Cánh môi dạng túi hình nón, màu nâu đỏ, gốc màu xanh nhạt, hai bên thùy cuộn lại vào trong có nhiều đốm đỏ đậm. Đây chính là nét độc đáo, hấp dẫn nhất làm nên giá trị của loài lan hài vân bắc.
Anh Nguyễn Đức Thắng - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tỉ mỉ chăm sóc từng cây lan trong khu nhà lưới.
Loài lan hài lông là loài cây mọc thành bụi nhỏ trên các hốc đá. Thân rất ngắn chìm dưới đất. Lá hình dải hẹp, màu bóng lục, đầu thót tù, dài 30 - 40cm, rộng 2 - 3cm, xếp 2 dãy. Cụm hoa dài 20cm, có 1 hoa, cuống có lông màu tím thẫm. Lá bắc 2, hình trứng rộng, có lông tơ dày. Cũng như lan hài vân bắc, vẻ đẹp của lan hài lông khiến nhiều người say sưa tìm tòi, muốn được sở hữu. Hoa của lan hài lông lớn, lá đài màu vàng nhạt đến màu xanh nhạt, màu nâu bóng lan ra đến mép; cánh hoa màu vàng nhạt, các chấm màu nâu - tía ở nửa dưới, màu hồng tía ở nửa trên; cánh môi màu vàng nhạt đến xanh nhạt, các chấm màu hồng tía; nhị lép màu vàng nhạt, các chấm màu tía ở phần gốc, màu nâu bóng ở phần giữa. Cánh hoa nằm ngang, uốn cong, hình thìa, tròn ở đỉnh, lượn sóng mạnh ở gốc, có lông. Chính vì vẻ đẹp thu hút không dễ gì cưỡng lại được như thế nên lan hài lông là một trong những nhóm lan bị săn lùng nhiều nhất vào các mục đích thương mại. Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "bị đe dọa" (T) Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 1) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Đề nghị xây dựng khu bảo tồn và nhân giống Lan trong vườn quốc gia và di chuyển một lượng cây sống có thể của loài này về khu vực bảo tồn và chăm sóc.
Cùng với việc xây dựng chế tài và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm khai thác, sử dụng các loài lan rừng vào mục đích thương mại; việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thông qua các đề tài, đề án, dự án khoa học tại các khu vực bảo tồn và chăm sóc nhằm bảo đảm và phát triển sự đa dạng sinh học là việc làm thiết thực, có ý nghĩa, cần được quan tâm đầu tư và nhân rộng hơn nữa.