Bảo tồn quần thể san hô Hòn Yến - Bài cuối: Để có sinh kế bền vững
Năm 2018, quần thể Hòn Yến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia.
Việc bảo vệ môi trường sinh thái và rạn san hô ở Hòn Yến không chỉ làm đẹp thêm cho danh thắng này, mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Chính vì vậy, nhiều hoạt động mang tính chiến lược, lâu dài đang tiếp tục được tỉnh Phú Yên triển khai dưới sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP).
Bảo vệ lâu dài san hô Hòn Yến
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) đã ghi nhận có 22 loài san hô thuộc 7 họ tại Hòn Yến. Nhiều loài chỉ được ghi nhận ở vùng biển tỉnh Phú Yên. Điển hình đó là san hô mềm thuộc họ Alcyoniidae và san hô lỗ đỉnh (chi Lobophytum)... Chính vì những giá trị độc đáo này nên các chuyên gia đã có nhiều nghiên cứu để thành lập các khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái trên vùng biển tỉnh Phú Yên.
Theo Trung tá, Tiến sĩ Hoàng Thị Thùy Dương, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, hiện trạng trước đây cho thấy các rạn san hô Hòn Yến đã bị tác động do yếu tố tự nhiên (bão biển đánh gãy) và phần lớn tác động tiêu cực từ con người (ô nhiễm môi trường, dẫm đạp, khai thác thủy sản)... Dự án Hòn Yến Phú Yên được triển khai hai năm qua đã kịp thời kiềm chế được sự suy thoái này. Muốn bảo tồn được rạn san hô Hòn Yến lâu dài, cần tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ của các nhà khoa học, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Đầu tiên là phải bảo vệ san hô khỏi các tác động từ bên ngoài; tôn trọng quá trình phục hồi và phát triển tự nhiên của rạn san hô. Tiếp đến là khoanh vùng, lựa chọn những khu vực cần bảo tồn cấp bách để thiết lập khu bảo tồn san hô Hòn Yến.
Ngoài các hoạt động từ sự hỗ trợ của UNDP, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đang tích cực thực hiện việc đánh giá hệ sinh thái san hô Hòn Yến và một số khu vực trên địa bàn tỉnh để lập các phương án bảo tồn; tu bổ, tôn tạo khu danh lam thắng cảnh quần thể Hòn Yến. Phương án bảo tồn hệ sinh thái san hô Hòn Yến đã xác lập 4 vùng chức năng gồm: vùng lõi (17,69ha) được bảo vệ nghiêm ngặt hạn chế tối đa những tác động; vùng đệm B1 với (22,5ha) được xác lập là phân khu liên kết du lịch và nghiên cứu địa chất; vùng đệm B2 (khoảng 20ha) phát triển nuôi ương tôm hùm nhằm đảm bảo thu nhập cho cộng đồng dân cư; vùng đệm B3 (8,35ha) là khu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên khẳng định: Tỉnh sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ sự phát triển các hệ sinh thái tự nhiên có giá trị như san hô Hòn Yến. Việc bảo tồn môi trường tự nhiên là rất lâu dài và cần sự chung tay của cả cộng động đồng xã hội. Nếu chúng ta làm tốt việc bảo tồn thì các giá trị thiên nhiên này sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Ngược lại nếu làm nó mất đi, chúng ta sẽ rất có tội với thế hệ mai sau. Tỉnh mong muốn Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ để tỉnh Phú Yên phát triển sinh kế, phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở Hòn Yến.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Quần thể Hòn Yến với thế mạnh là một danh thắng quốc gia có hệ sinh thái san hô đẹp và đa dạng. Nhiều mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đang được chính quyền địa phương hướng dẫn người dân thực hiện. Đặc biệt là việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gần gũi với thiên nhiên.
Dự án Hòn Yến, Phú Yên đã hướng dẫn cho 30 hộ dân địa phương thực hiện một số mô hình sinh kế mới theo hướng dịch vụ du lịch cộng đồng như mô hình sản xuất nước tẩy rửa sinh học; mô hình nuôi trồng hoặc đánh bắt thủy sản tự nhiên; mô hình nuôi cấy, chăm sóc san hô...
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy Sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bảo tồn hệ sinh thái san hô của Hòn Yến có thể gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng mô hình sinh kế mới như du lịch nông thôn, du lịch làng nghề. Điều này cũng giúp chúng ta tích hợp được nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện việc bảo tồn và đa dạng sinh vật biển. Từ đây, cộng đồng dân cư có thể phát huy tối đa được các giá trị kinh tế từ hệ sinh thái rất đặc thù của địa phương. Việc bảo tồn đa dạng hệ sinh thái san hô Hòn Yến gắn với du lịch sẽ góp phần xây dựng hình ảnh địa phương và là điểm nhấn cho vẻ đẹp của biển Việt Nam.
Với định hướng phát triển bền vững, Tổ hợp tác cộng đồng quản lý và bảo vệ rạn san hô Hòn Yến đang hướng đến phát triển thành Hợp tác xã dịch vụ, du lịch cộng đồng Hòn Yến. Bước đầu, địa phương đã xác định được một số sản phẩm làng nghề có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP như mực khô, nước mắm, yến...
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, chuyên gia đánh giá độc lập của dự án Hòn Yến, Phú Yên nhận định: Hợp tác xã vừa đóng vai trò là tổ chức kinh tế hoạt động theo luật vừa đóng vai trò là tổ chức cộng đồng được giao quyền và trách nhiệm đồng quản lý bảo tồn quần thể rạn san hô. Việc bảo vệ danh thắng Hòn Yến gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, nội hàm của nó là "tăng cường năng lực của cộng đồng". Do vậy, cần có sự tham gia đông đảo của người dân. Nếu đặt Hòn Yến trong chuỗi các điểm đến du lịch văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương và làm truyền thông tốt, đây sẽ là điểm đến của nhiều du khách.