Bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa du lịch

Những năm qua, cùng với việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, nhằm đưa các di sản văn hóa đó trở thành động lực, tài nguyên phục vụ du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh công tác quản lý

Quảng Ninh có gần 1.500 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đó là những sản phẩm vật chất, tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được coi là một trong những nguồn lực chính, là lợi thế bền vững, lâu dài của Quảng Ninh. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn có nhiều khởi sắc, nhiều công trình văn hóa nghệ thuật, di tích lịch sử được tu bổ, tôn tạo phục vụ cho phát triển du lịch, khiến số lượng khách du lịch đến với tỉnh Quảng Ninh tăng cao, vậy nên công tác bảo tồn các di sản văn hóa càng được chính quyền và nhân dân Quảng Ninh tỉnh chú trọng.

Ông Đỗ Khánh Tùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao (VHTT) tỉnh Quảng Ninh - cho biết, ngay từ đầu năm 2018, Sở đã được UBND tỉnh Quảng Ninh giao chủ trì, hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian được các địa phương lựa chọn kỹ càng, mang đậm tính chất vùng, miền, văn hóa đặc trưng của dân tộc để đưa vào phần hội nhiều hơn so với những năm trước, như: Tổ chức thi cờ người, các trò chơi dân gian tổ tôm điếm, hát đúm…(Lễ hội Tiên Công), đánh quay, đẩy gậy (lễ hội đình Lục Nà), nấu cơm, têm trầu, soạn lễ, bịt mắt đập niêu… (lễ hội đền Cửa Ông)…

Cùng với đó, Sở VHTT cũng thường xuyên duy trì cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động lễ hội; kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh, đảm bảo hoạt động lễ hội văn minh, khoa học.

Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về di tích, lễ hội gắn với tuyên truyền về “Năm Du lịch quốc gia năm 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh”; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, tăng cường kiểm tra các dịch vụ và chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm trong quản lý di tích, lễ hội… Quán triệt tinh thần không được để xảy ra các hiện tượng phản cảm, gây ảnh hưởng tới hình ảnh tỉnh Quảng Ninh.

Hướng tới phát triển bền vững

Theo lãnh đạo Sở VHTT Quảng Ninh, với lượng khách du lịch đến địa phương ngày càng tăng cũng đưa đến những áp lực nhất định trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản, như: Ý thức pháp luật và bảo vệ di sản của người dân còn chưa cao, tình trạng xả rác bừa bãi tại các điểm du lịch vẫn còn diễn ra, khu vệ sinh tại các lễ hội thường xuyên bị quá tải, giao thông ùn tắc, mất an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… gây khó khăn cho công tác quản lý của tỉnh Quảng Ninh nói chung và ngành VHTT nói riêng. Ngoài những yếu tố do tác động của con người thì còn có tác động biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng đối với các di tích như: Bão, lũ lụt, mưa axit, mưa đá, hỏa hoạn, cháy rừng, sản xuất...

Trong quá trình áp dụng chính sách, pháp luật về di sản vào thực tiễn tại địa phương, còn một số khó khăn do chưa có hoặc chưa cụ thể, nhiều quy định còn mang tính chung chung, phổ quát trong khi tình hình thực tiễn có nhiều vấn đề mới, mang tính đặc thù địa phương.

Để làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ tỉnh đến địa phương và mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Không ngừng triển khai các văn bản chỉ đạo và áp dụng bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 4666/QĐ-BVHTTDL, ngày 31/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm…

Bên cạnh đó, Sở VHTT cũng sẽ có những biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và du khách về bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lễ hội; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, góp phần cùng tỉnh Quảng Ninh xây dựng một hình ảnh thân thiện, văn minh và chuyên nghiệp thông qua các di sản văn hóa trên địa bàn; hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020.

Ông Đỗ Khánh Tùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh: Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cơ sở triển khai chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Bảo Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-ton-ton-vinh-cac-gia-tri-van-hoa-du-lich-112771.html