Bảo tồn trang phục truyền thống, những vấn đề đặt ra

Trang phục là một phần quan trọng trong di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, hầu hết các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta đều có trang phục truyền thống mang đậm bản sắc riêng có của mỗi dân tộc.

Tuy nhiên hiện nay tình trạng phổ biến đó là trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang bị mai một đi nhiều, ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số người sử dụng trang phục truyền thống còn rất ít, thậm chí nhiều nơi đồng bào không còn trang phục của dân tộc mình. Vì vậy việc bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số là một vấn đề hết sức cấp thiết, tuy nhiên đây cũng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Nguyên nhân của những khó khăn trong việc bảo tồn, khôi phục trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang đó là sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, sự giao lưu tiếp xúc và văn hóa ngày càng trở lên sâu rộng, các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc giao thoa dẫn đến sự thay đổi trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, trang phục, nói riêng, người dân có thể lựa chọn cho mình những trang phục khác phù hợp hơn với cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất. Bên cạnh đó là sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường, trước đây là nền sản xuất tự cung, tự cấp, do đó việc dệt may là một trong những kỹ năng của phụ nữ dân tộc thiểu số, họ phải tự may trang phục cho gia đình. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường hiện nay, người ta có thể lựa chọn nhiều loại trang phục may sẵn, thay vì bỏ công sức trồng bông, trồng đay, dệt vải, may thêu quần áo. Một nguyên nhân nữa thuộc về ý thức chủ quan của người dân, trong khi những người lớn tuổi có mong muốn giữ gìn truyền thống, thích mặc trang phục của dân tộc mình thì những người trẻ tuổi có phần hờ hững.

Chúng ta đều biết, trang phục là một trong những dấu hiệu để nhận biết tộc người, sự phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến sự giao lưu tiếp xúc văn hóa, do vậy việc bảo tồn trang phục truyền thống đối diện với nhiều thách thức. Để hạn chế sự mai một và làm cho việc bảo tồn, khôi phục trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số có hiệu quả hơn đòi hỏi phải có nhiều giải pháp khác nhau. Theo chúng tôi giải pháp quan trọng nhất chính là phải định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp, ưu tiên phát triển hỗ trợ nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dệt may, thổ cẩm. Kinh tế thị trường làm mai một văn hóa truyền thống, nhưng chính kinh tế thị trường cũng sẽ tạo ra những cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, trang phục dân tộc nói riêng khi trang phục truyền thống trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ đời sống trực tiếp của người dân hoặc trở thành sản phẩm để phát triển du lịch, dịch vụ thì người dân có nhiều cơ hội để bảo tồn, khôi phục những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Những năm gần đây du lịch cộng đồng phát triển khá mạnh ở một số địa phương trong tỉnh như Na Hang, Lâm Bình, ở các địa phương này bước đầu đã có sự gắn kết du lịch bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống. Tuy nhiên để công việc này thực sự có kết quả đòi hỏi phải có những cách làm cụ thể và phù hợp, điều quan trọng là phải xác định việc phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống là sự đầu tư cho phát triển và phải lấy người dân làm chủ thể. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để họ thấy được những nét đẹp trong di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó khơi dậy niềm tự hào về những di sản văn hóa truyền thống mà cha ông để lại, nhận thức rõ trách nhiệm phải tiếp nối truyền thống đó.

Mai Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xa-luan-vdkn/bao-ton-trang-phuc-truyen-thong-nhung-van-de-dat-ra-130164.html