Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Những di sản văn hóa phi vật thể như: Tập quán xã hội, lễ hội, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn… phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần của một cộng đồng. Di sản chỉ tồn tại khi cộng đồng thực hành. Bởi vậy, để gìn giữ di sản, cần những biện pháp đặc biệt, đồng bộ, bắt nguồn từ cộng đồng. Với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể các loại, TP Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn một cách bền vững.

Những di sản văn hóa phi vật thể như: Tập quán xã hội, lễ hội, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn… phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần của một cộng đồng. Di sản chỉ tồn tại khi cộng đồng thực hành. Bởi vậy, để gìn giữ di sản, cần những biện pháp đặc biệt, đồng bộ, bắt nguồn từ cộng đồng. Với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể các loại, TP Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn một cách bền vững.

Bài 1: Bảo tồn lâu dài bằng cách tư liệu hóa

Di sản văn hóa phi vật thể rất dễ bị biến đổi và mai một khi cuộc sống đổi thay. Do đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tư liệu hóa bằng văn bản, ghi âm, ghi hình… với những di sản có giá trị đặc sắc, di sản có nguy cơ mai một. Bằng hình thức này, nếu chẳng may di sản bị mai một hoặc biến mất, tư liệu sẽ là cơ sở để các thế hệ tương lai khôi phục sát nguyên gốc.

Những ngày cuối năm 2020, cán bộ Phòng Quản lý di sản - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tất bật với công việc khảo sát, tư liệu hóa di sản múa rối tại các địa phương có nghệ thuật múa rối dân gian. Theo thống kê, Hà Nội hiện có bốn phường rối nước, gồm: Đào Thục (huyện Đông Anh), Bình Phú, Chàng Sơn, Thạch Xá (huyện Thạch Thất) và một phường rối cạn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức). Một bộ tài liệu chuẩn về múa rối nước phải bao gồm các thông tin như: Phiếu phỏng vấn nghệ nhân, hình ảnh về hoạt động, ghi âm tư liệu, ghi hình các hoạt động chuẩn bị, trình diễn… Trong đó, riêng việc phỏng vấn nghệ nhân đã tốn rất nhiều công sức, bởi tại mỗi đơn vị, những người làm tư liệu phải phỏng vấn hàng chục nghệ nhân. Nội dung mỗi phiếu phỏng vấn gồm: Lịch sử làng nghề, những tri thức dân gian mà nghệ nhân đó nắm giữ. Bên cạnh đó, cần có khảo tả kỹ lưỡng về những nét đặc trưng của làng nghề, những tích trò của phường rối; chưa kể, phải ghi hình tất cả các tích trò.

Là người trực tiếp đến các phường rối thực hiện tư liệu hóa, chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, cán bộ Phòng Quản lý di sản cho biết: “Quá trình tư liệu hóa thường gặp không ít khó khăn như không cùng lúc gặp được nhiều nghệ nhân, không bố trí được nghệ nhân trình diễn để ghi hình… nên thường phải đến các làng nghề nhiều lần. Những nghệ nhân cao tuổi không còn nhớ nhiều, nghệ nhân trẻ tuổi lại chưa có nhiều kiến thức về chính loại hình di sản mình đang nắm giữ. Điều này càng cho thấy việc cần thiết phải xây dựng tư liệu đầy đủ về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể”.

Để bảo tồn di sản văn hóa, năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã hoàn thành Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Đây là một đề án lớn, giúp cơ quan chuyên môn nắm vững hệ thống di sản trên địa bàn. Mỗi bộ hồ sơ trong đề án Tổng kiểm kê gồm nhiều thông tin khảo tả về di sản, nhưng nhìn chung còn mang tính khái quát. Trong khi đó, có nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một, biến đổi theo thời gian. “Quá trình tư liệu hóa khác với khi kiểm kê, chúng tôi xây dựng một kho dữ liệu đầy đủ nhất về tất cả các khía cạnh của di sản vào thời điểm được làm tư liệu, gồm cả tư liệu văn bản lẫn ghi âm, ghi hình; tổng hợp những tri thức của nghệ nhân. Lấy thí dụ như ca trù Lỗ Khê ở Đông Anh, ngoài những thông tin chung, chúng tôi làm tư liệu về những thể cách đặc sắc nhất, những bài ca trù điển hình, những khác biệt của Lỗ Khê với các địa phương khác; tương tự là tiếng lóng ở Đa Chất (huyện Phú Xuyên) hay tri thức thuốc nam của người Dao ở Ba Vì. Tư liệu này vừa được lưu trữ, vừa được in thành sách để lưu trữ, quảng bá và đưa trở lại cho cộng đồng. Giả sử, nếu sau này di sản có bị mất đi, thì thế hệ sau chỉ cần căn cứ vào bộ tư liệu này là có thể khôi phục lại di sản cơ bản như nguyên gốc”, Trưởng phòng Quản lý Di sản Phạm Thị Lan Anh cho biết.

Hà Nội hiện có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình. Trong đó, lễ hội chiếm hơn 1.000. Cùng với đó, một số di sản đang được bảo tồn, phát huy giá trị khá tốt như: tín ngưỡng thờ mẫu, tri thức làng nghề. Tuy nhiên, nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, tri thức dân gian, tập quán xã hội… đang gặp khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một. Do số lượng di sản quá lớn, cho nên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai tư liệu hóa trên cơ sở ưu tiên những di sản có tính độc đáo, đặc sắc của văn hóa Hà Nội, di sản có nguy cơ mai một và làm theo hình thức “cuốn chiếu”. Đến thời điểm hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao đã tư liệu hóa, in thành sách gần 30 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có những di sản thuộc diện “của hiếm”, hoặc đã được ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như các di sản: Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (quận Long Biên), kéo mỏ ở Xuân Thu (huyện Sóc Sơn), tiếng lóng ở Đa Chất (huyện Phú Xuyên), hát múa Ải Lao (quận Long Biên)… Trong số này, tiếng lóng ở Đa Chất là một tập quán xã hội hết sức đặc biệt. Tiếng lóng vốn được những người thợ đóng cối xay lúa ở Đa Chất sử dụng để giữ bí mật trong nghề nghiệp, bí mật trong giao tiếp rồi được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Do nghề đóng cối không còn, xã hội thay đổi nên tiếng lóng có nguy cơ biến mất. Việc tư liệu hóa đã giúp giới khoa học có cái nhìn toàn diện, hình thành một từ điển về tiếng lóng Đa Chất, là công cụ hữu ích cho bảo tồn.

Năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao tập trung hoàn thiện toàn bộ hồ sơ về di sản múa rối. Trong đó, dự kiến đề nghị đưa múa rối cạn ở Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mặc dù việc tư liệu hóa là hết sức cần thiết, song, vấn đề hiện nay là số lượng di sản văn hóa phi vật thể quá lớn, kinh phí lại hạn chế. Điều này đòi hỏi các địa phương phải tích cực phối hợp với ngành văn hóa để có giải pháp gìn giữ hiệu quả các di sản vô giá này cho các thế hệ mai sau.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/bao-ton-va-phat-huy-di-san-van-hoa-phi-vat-the-623860/