Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng
Cao Bằng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm 95% dân số toàn tỉnh) . Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán... khác nhau. Đặc biệt, trang phục của mỗi dân tộc là một di sản văn hóa truyền thống mang nét độc đáo riêng biệt, đặc trưng rất dễ nhận biết của vùng dân tộc, chứa đựng những giá trị nghệ thuật từ màu sắc, hoa văn, chất liệu, cách thể hiện… và giá trị lịch sử của từng tộc người.
Những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của các chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được làm làm từ vải chàm, vải lanh tự dệt, tự nhuộm, khác biệt nhau về kiểu dáng, loại hình, màu sắc và hoa văn trang trí. Có những bộ trang phục truyền thống đơn giản với gam màu trầm của rừng núi, nhưng cũng có những bộ váy áo nhiều màu sắc rực rỡ, thêu hình khối, họa tiết, in hoa văn trên vải bằng sáp ong... là biểu trưng văn hóa của mỗi tộc người.
Nét riêng trong trang phục của dân tộc Mông (Mông trắng, Mông hoa, Mông đen) đó là trang phục may bằng vải lanh tự dệt có độ bền cao, có màu sắc sặc sỡ, hoa văn bắt mắt đặc trưng, phong cách tạo dáng và trang trí công phu, thêu với kiểu váy rộng và đẹp. Dù thuộc nhóm nào họ cũng đều mặc vải lanh nhuộm chàm, trừ váy của phụ nữ Mông Trắng vẫn để nguyên màu vải mộc. Bộ trang phục truyền thống của người Mông thể hiện được chiều sâu về mặt kỹ thuật, mỹ thuật cũng như bản sắc của họ, chất liệu vải lanh cùng màu sắc trên trang phục được trang trí rất sặc sỡ gồm nhiều màu kết hợp với nhau, kỹ thuật tạo hoa văn trên vải kết hợp giữa thêu, ghép vải, vẽ, in hoa văn cầu kỳ, tỉ mỉ tạo nên nét văn hóa riêng của mỗi nhóm Mông nhưng về trang phục cơ bản giống nhau. Sự kết hợp hài hòa, khéo léo trong bộ trang phục của người Mông tạo nên một sắc thái khỏe khoắn, bền bỉ, làm bừng lên sức sống mãnh liệt của những con người nơi núi rừng hoang vu. Mỗi loại trang phục của nhóm người dân tộc Mông trên vùng non nước Cao Bằng đều mang vẻ đẹp độc đáo và riêng biệt.
Trang phục của phụ nữ Mông gồm áo, váy, xà cạp (miếng vải đen dài chừng 1 sải tay gấp lại dùng để cuốn quanh bắp chân, hai đầu miếng vải có hai dây buộc thêu hoa văn sặc sỡ), xế (tấm vải che trước váy), khăn đội đầu. Áo của phụ nữ Mông, là áo bốn thân, xẻ ngực, không cài cúc, gấu áo không khâu hoặc cho vào trong váy, đường viền cổ và nẹp hai thân trước ngực thường là màu đỏ, phía sau là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn hài hòa, trang nhã và gắn đồng bạc (tạo âm thanh vui nhộn cho bộ trang phục). Hai ống tay áo được thêu hoa văn là những đường vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến cửa tay. Váy kín, có nhiều nếp gấp, xòe rộng. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc. Trên nền váy chàm, hoa văn được thêu, in và ghép từng tấm thật ấn tượng, độc đáo. Phần thêu hoa văn được thực hiện ở nửa dưới của váy. Khi mặc váy, ngoài chiếc thắt lưng vải được thêu trang trí ở đoạn giữa, chị em phụ nữ còn đeo thêm miếng xế trước váy và quấn xà cạp ở chân. Đồng bào Mông quan niệm, đeo xế và quấn xà cạp thể hiện ý tứ, sự kín đáo của người phụ nữ. Phụ nữ Mông thường để tóc dài quấn quanh đầu, có một số nhóm Mông quấn khăn trên đầu tạo thành khối. Đi kèm với bộ trang phục sặc sỡ, người phụ nữ sẽ đeo thêm khuyên tai, vòng vổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn và không thể thiếu một chiếc ô sắc màu vừa để che mưa, che nắng, vừa là vật trang sức, tạo thêm nét duyên dáng của chị em phụ nữ Mông. Lúc còn sống, phụ nữ Mông có thể đội khăn nào cũng được, nhưng khi chết phải đội đúng khăn của ngành Mông mình. Phụ nữ Mông hoa trang phục rực rỡ, tinh xảo với màu chủ đạo xanh, đỏ, trắng, vàng của chỉ tơ tằm mà họa tiết tỏa muôn sắc màu. Váy chàm thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong gồm các hình: Chữ thập, răng lược, dấu X, tam giác, hình vuông, hoa bốn cánh, hình thoi, hình tròn, hình con ngựa. Áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Tóc để dài, vấn tóc cùng tóc giả. Trang phục phụ nữ Mông trắng bằng vải lanh tự dệt, nhuộm màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay. Tóc để chỏm, đầu đội khăn rộng vành. Phụ nữ Mông đen mặc váy ngắn mầu đen xếp li, không trang trí hoa văn. Phần trang trí chủ yếu là ở cổ, nẹp cúc, tay áo, hai bên tà áo, thêu trang trí hoa văn khá cầu kỳ ở dây quấn xà cạp với các họa tiết hoa hướng dương, hoa hồi, hoa chong chóng. So với nhóm Mông trắng và Mông hoa, trang phục của nhóm Mông đen ít trang trí hoa văn nhất.
Trang phục của nam giới người Mông thường đơn giản, quần ống rộng, áo cánh ngắn ngang hoặc dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Áo có 4 túi ở phía trước nhuộm màu chàm hoặc màu đen. Áo có 2 loại 5 thân và 4 thân, quần là loại chân ngắn, ống rộng thuận tiện trong việc leo đồi, núi và dễ nhún nhẩy khi múa khèn. Bộ trang phục của nam giới còn có chiếc thắt lưng, đầu thường chít khăn hoặc đội mũ.
Phụ nữ Tày trang phục đơn giản, trang nhã, không trang trí hoa văn cầu kỳ so với một số dân tộc khác như Mông, Dao, Lô Lô… trong tỉnh Cao Bằng. Tất cả từ áo, quần, thắt lưng, túi vải đeo, đôi giày đến chiếc khăn đội đầu, khăn trùm đều được làm bằng vải chàm dệt thủ công tỉ mỉ, khéo léo. Chiếc áo chàm của phụ nữ Tày thuộc loại áo dài xẻ tà (nơi xẻ tà hai bên hông để lộ ra khoảng trắng của áo cánh màu trắng mặc bên trong), vạt áo tha thướt trùm đến khoeo chân, thân áo và tay áo bó vừa khít người, cổ áo tròn cao khoảng 1 cm. Áo được cài khuy đồng ở nách bên phải. Ngang lưng thắt dải chàm khổ 30 cm, dài khoảng 2,5 m quấn thành vòng qua eo buộc thành hai dải buông xuống đằng sau. Quần ống rộng vừa tầm người, có thắt dải rút khi mặc. Phụ nữ Tày thường đi giày vải chàm thấp cổ, đế bằng, ấm êm, có dây khuy cài tự làm lấy. Bên hông đeo bộ xà tích cũng bằng bạc trắng ngà và dắt vào dải thắt lưng trước bụng một chiếc khăn tay nhỏ gấp vuông vắn phẳng phiu để lộ ra bên ngoài. Trên đầu vấn tóc ngang, bên ngoài trùm khăn vuông hình mỏ quạ. Trang sức thường đeo là khuyên tai, vòng tay và chiếc vòng cổ bằng bạc hình tròn. Để che mưa, nắng hoặc làm duyên, chị em còn dùng chiếc nón đội đầu. Chiếc nón tha slưa rộng vành được đan bằng nan trúc chẻ nhỏ mềm mại hai mặt, bên trong lót lá và quang dầu màu vàng mật ong, nhìn rất đẹp. Phụ nữ Tày còn tự làm ra chiếc túi vải chàm đeo bên người để đựng đồ, mỗi khi đi chợ hoặc đi lễ làng.
Về trang phục nam, thuở xưa người đàn ông Tày để tóc dài búi tó, trên đầu đội khăn xếp. Khăn xếp được làm từ vải chàm có chiều dài bằng sải tay rưỡi, khổ vải rộng chừng 40 cm được gấp nhỏ lại khoảng 8 cm rồi quấn quanh đầu và mặc áo dài chớm qua đầu gối, rộng vừa khổ người, áo cổ tròn, tay áo dài đến cổ tay, cài khuy nách bên phải, bên trong là một chiếc áo cánh màu xanh hoặc tối màu. Ngoài ra, họ còn có thêm áo 4 thân, đây là loại áo xẻ ngực, không cầu vai, xẻ tà, cổ tròn cao, cài cúc vải và có hai túi nhỏ ở phía trước. Quần vải chàm đũng chéo, ống rộng vừa tầm người dài đến chấm gót chân. Quần thắt dải rút ngang hông, đi giày vải chàm mềm mại thấp cổ bằng mắt cá chân do phụ nữ may khâu từ đế đến thân giày. Theo năm tháng, nam giới Tày bỏ dần chiếc khăn quấn trên đầu.
Mỗi bộ trang phục truyền thống không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn thể hiện giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng và khát vọng cao đẹp của từng dân tộc. Chính điều đó đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa sắc màu văn hóa các dân tộc. Trước sự biến đổi của thời gian, cuộc sống ngày càng gần hơn với sự giao lưu hội nhập, để đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức, trách nhiệm, bảo tổn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn, ngày 03/3/2023 UBND tỉnh Cao Bằng ban hành kế hoạch số 430/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2023 nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh (Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ…), đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu” góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các DTTS Việt Nam.
Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng có nhiều giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống. Cụ thể: Tỉnh Cao Bằng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục truyền thống, lòng tự hào dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, lồng ghép thông qua các clip quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương. Đặc biệt chú trọng đến thế hệ trẻ, con em đồng bào DTTS nên hầu hết các trường phổ thông dân tộc nội trú, THCS trên địa bàn tỉnh đã quy định học sinh phải có ít nhất một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, phải mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ Hai hằng tuần và mặc vào những ngày lễ, những sự kiện quan trọng của trường, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức cho học sinh trình diễn trang phục dân tộc, trao giải cho các học sinh mặc trang phục truyền thống đẹp để khuyến khích các em; định kỳ tổ chức hội diễn văn hóa các DTTS, liên hoan, tổ chức các lễ hội xuân, hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc do tỉnh, khu vực tổ chức...; vận động người dân bản địa mặc những trang phục truyền thống trong các lễ hội truyền thống, các nghi lễ cổ truyền của dân tộc và coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá thôn, bản văn hóa, đưa vào hương ước của làng, xã, gia đình, dòng họ và cộng đồng…; các địa phương xây dựng trang web để giới thiệu, quảng bá về trang phục truyền thống gắn với giới thiệu, quảng bá văn hóa các DTTS; tăng cường tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống về trồng bông, trồng cây lanh, cây chàm, se sợi, dệt vải, nhuộm chàm, nghệ thuật thêu hoa văn, chế tác trang sức, thổ cẩm, may váy áo… cho đồng bào các DTTS và có chính sách đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng đối với những nghệ nhân, thợ giỏi giúp họ yên tâm gắn bó với nghề; tổ chức tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS cho các đối tượng người có uy tín, cán bộ văn hóa xã vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, rà soát, làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lĩnh vực nghề thủ công truyền thống liên quan đến chế tác trang phục truyền thống của DTTS. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào và nâng cao nhận thức về nét văn hóa giàu bản sắc trong trang phục truyền thống của các DTTS cho các thế hệ trẻ biết giữ gìn, phát huy trang phục truyền thống sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.