Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của lễ hội
Lễ hội là loại hình di sản văn hóa phi vật thể phản ánh rõ nét đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội, trong đó hầu hết là lễ hội dân gian còn lưu giữ những phong tục, tập quán đặc trưng của các vùng, miền. Việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội truyền thống trong đời sống hiện đại mang ý nghĩa quan trọng, bởi đó là cách đúng đắn để bảo vệ mạch nguồn văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế.
Lễ rước trong hội Gióng ở Phù Đổng. Ảnh: Linh Tâm
Câu hỏi từ cuộc sống
Việt Nam sở hữu kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian vô cùng phong phú, đa dạng, trong đó tiêu biểu và đặc sắc nhất phải kể đến loại hình lễ hội. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm khoảng 90%, còn lại là lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài...
Các nghiên cứu cho thấy, lễ hội dân gian có quá trình hình thành từ lâu đời. Bên cạnh đó, có những lễ hội được hình thành do nhu cầu của đời sống hiện đại, góp phần làm phong phú, sinh động thêm cho loại hình di sản độc đáo này.
Theo giới nghiên cứu, lễ hội được hình thành do nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần và niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng. Từ những lễ hội nhỏ ở làng, xã đến lễ hội có quy mô cấp vùng, liên vùng đều thể hiện niềm tin sâu sắc của người dân vào các vị thần, các nhân vật trong truyền thuyết, lịch sử - điểm tựa tâm linh mang tính thiêng.
Lễ hội ở Việt Nam phần lớn diễn ra vào dịp đầu xuân, thời điểm ghi dấu sự chuyển mình của trời đất và vạn vật. Đó là dịp để người dân xích lại gần nhau trong sự cộng cảm, cùng chia sẻ niềm vui sau một năm lao động vất vả để hướng tới một năm mới với những điều tốt đẹp. Và không gian thờ các vị thần là nơi để họ bày tỏ mong ước thông qua các nghi lễ, hình thức diễn xướng dân gian. Nói một cách khác, lễ hội như cây cầu nối quá khứ với hiện tại và dẫn tới tương lai.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng hiện có không ít lễ hội đã bị mai một, bị biến dạng, yếu tố truyền thống bị xóa nhòa và bản sắc nhạt phai. Dễ thấy nhất là gần đây, vào mỗi dịp đầu xuân, dư luận lại “nóng” lên trước những hành vi phản cảm tại một số lễ hội như cướp lộc, cướp phết, cướp hoa tre, cướp ấn dẫn đến cảnh chen lấn, giẫm đạp, ẩu đả. Không ít tục lệ được cho là không còn phù hợp với cuộc sống đương đại như tục chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), tục đập đầu trâu tại lễ hội Cầu trâu (Phú Thọ) hay lễ rước “tàng thinh” trong lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn)...
Vấn đề là chúng ta ứng xử như thế nào trước thực tế nói trên. Đưa ra sự điều chỉnh để tiếp tục bảo tồn, hay thẳng tay loại bỏ những nghi thức, tục lệ vốn được trao truyền qua nhiều thế hệ và là “phần hồn” của lễ hội được nhiều người quan tâm? Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội VNDG Hà Nội nêu ý kiến: “Ở một khía cạnh nào đó, những nghi thức có tính “phản cảm” là ánh xạ văn hóa và phong tục độc đáo của các tộc người thời xa xưa. Những tục lệ ấy có nguồn gốc lịch sử của nó, và có giá trị không hề nhỏ đối với khoa học bởi qua đó các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy cội nguồn của rất nhiều tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, tục hèm... Vì vậy, cần tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi lên án, tránh sự áp đặt lên cộng đồng hay người dân địa phương”.
Và đó cũng là nguyên tắc bảo tồn mà UNESCO luôn khuyến nghị các quốc gia thực hiện nhằm bảo đảm tính đa dạng, đặc trưng của các di sản văn hóa phi vật thể.
Chung tay bảo tồn lễ hội
Màn múa rắn trong lễ hội làng Trường Lâm (quận Long Biên). Ảnh: Linh Tâm
Những phân tích nói trên cho thấy bài toán bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa nói chung đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương không ít thách thức. Làm sao để vừa tránh làm tổn thương đến cộng đồng, vừa bảo tồn tính đa dạng, nét đặc trưng của di sản?
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: Đôi khi lễ hội có thể được sáng tạo thêm dựa trên nền tảng của truyền thống để tạo nên dấu ấn văn hóa của thế hệ mới, nhưng như thế không có nghĩa là “vay mượn” những điều không phù hợp, xa lạ với nếp cũ bởi đó chính là làm sai lệch lễ hội truyền thống. Hơn ai hết, chủ thể - cộng đồng dân cư ở nơi sở hữu lễ hội hiểu rõ về nhân vật mà mình thờ cúng, về nghi thức cần có và quy trình thực hành... Cũng chính vì vậy mà cộng đồng chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho lễ hội diễn ra đúng bài bản mà vẫn an toàn.
Lấy ví dụ về hội Gióng ở Phù Đổng (Gia Lâm) như một bài học điển hình của việc sáng tạo trên cơ sở truyền thống để bảo tồn di sản một cách tốt nhất, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý cho biết: Năm 2011, sau khi hội Gióng ở Phù Đổng xảy ra cảnh ẩu đả giữa các thanh niên dự hội, giới nghiên cứu đã đồng hành cùng cộng đồng tìm ra cách để hội Gióng giữ được nét truyền thống mà vẫn bảo đảm an toàn cho người dự hội. Đó là, bên cạnh biện pháp tuyên truyền bằng các poster tại mỗi gia đình để người dân “ngấm” ý nghĩa của di sản cũng như trách nhiệm tham gia gìn giữ vốn quý, cộng đồng và chính quyền địa phương cùng đồng thuận thay đổi cách tổ chức lễ hội cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. Thay vì diễn lại cảnh ông Gióng đánh trận trên triền đê, nghi thức này diễn ra tại một khu đất trống được bao bọc bởi hào nước xung quanh. Đó chính là ranh giới an toàn, phân chia không gian dành cho người dự hội và những người trực tiếp tham gia thực hiện nghi thức truyền thống. Từ đó, hội Gióng không còn cảnh chen chúc, ẩu đả mà vẫn bảo đảm quy trình hành lễ cần thiết. “Đó là một cách sáng tạo dựa trên nền tảng truyền thống mà không làm cho lễ hội bị biến dạng, hoàn toàn phù hợp với bối cảnh đương đại”, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý chia sẻ.
Hà Nội là địa phương sở hữu 1.206 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội đã vượt qua quy mô của một làng, thu hút nhiều người tham dự. Một trong số đó là lễ hội Tản Viên Sơn Thánh ở cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ (huyện Ba Vì) - lễ hội cấp vùng hiện còn giữ được gần như nguyên vẹn nét đẹp vốn có. Không trống hội rền vang, không lễ rước hoành tráng, nhưng cả không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí lễ hội bởi màn trình diễn cồng chiêng hào hùng, khỏe khoắn của các chàng trai, cô gái bản Mường, bởi tiếng reo hò của hàng nghìn người tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy... Rõ ràng là chính cộng đồng và du khách, bằng cách ứng xử phù hợp đã góp phần vào thành công của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, Ba Vì hiện có hơn 100 di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh. Đây là tín ngưỡng lâu đời, mang nét đặc trưng của người dân Ba Vì nói riêng và xứ Đoài nói chung. Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, năm nay, nghi lễ rước kiệu liên vùng từ đền Lăng Sương (Phú Thọ) qua cầu Đông Quang về đền Hạ (Ba Vì, Hà Nội) sẽ được phục dựng sau nhiều năm gián đoạn. “Việc phục dựng nghi lễ quan trọng này sẽ góp phần nâng tầm lễ hội, giúp bà con thấy được giá trị quý báu của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động lễ hội và thu hút khách du lịch đến Ba Vì ngày một nhiều hơn. Sự hiểu biết của người dân là rất quan trọng”, ông Đỗ Mạnh Hưng nói.
Nhận định của giới nghiên cứu và chính quyền địa phương sở hữu lễ hội cho thấy: Để bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống, cần có sự chung tay giữa cơ quan quản lý nhà nước - nhà nghiên cứu - cộng đồng chủ thể. Song song với đó, cần làm tốt công tác nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện di sản, tăng cường tuyên truyền nhằm giúp cộng đồng tự nhận thức về trách nhiệm của mình. Thực tế cho thấy, lễ hội sẽ luôn được giữ gìn và trao truyền nếu cộng đồng chủ thể hiểu rõ và yêu di sản. Đó chính là yếu tố cơ bản cần có để mạch nguồn truyền thống chảy mãi theo thời gian.
Để quản lý tốt lễ hội, không nên coi đó là nhiệm vụ chỉ của ngành Văn hóa, mà là công việc chung của toàn xã hội. Muốn tiếp nối truyền thống thì phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, bởi một xã hội không có sự kế thừa sẽ không thể phát triển đúng hướng. Ở đây là sự kế thừa văn hóa truyền thống, tiếp nhận văn minh để tạo ra sự dung hòa, phù hợp với hiện tại và hướng tới tương lai. Dòng chảy văn hóa luôn chuyển động không ngừng, lễ hội cũng không nằm ngoài vòng quay ấy. Thực tế đó đòi hỏi tư duy của các nhà quản lý cũng phải vận động theo để có những cách xử lý phù hợp với quy luật phát triển.
Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn:
Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) năm nay tiếp tục duy trì những nghi lễ truyền thống bên cạnh những điểm đổi mới trong công tác tổ chức đã cho thấy hiệu quả từ những năm trước như: Không tổ chức lễ rước giò hoa tre và trầu cau xuống đền Hạ, đền Mẫu; bỏ tục tán lộc; lễ vật được đưa vào đền Thượng và tổ chức phát lộc cho du khách dưới sự kiểm soát của Ban tổ chức. Tất cả nhằm bảo đảm an toàn cho sự tham gia của cộng đồng và du khách. Lễ hội sẽ có các trò chơi dân gian như: Đi cà kheo, bịt mắt đập niêu, thi nấu cơm... bên cạnh các nội dung thi đấu thể thao như vật, bóng chuyền, cờ tướng...