Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Từ khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về văn hóa, thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong 5 năm qua, Đảng bộ tỉnh đã triển khai và thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Việc quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và các văn bản liên quan đã tạo được sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Các cấp ủy, chính quyền đã thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp theo nghị quyết đề ra. Theo nhận định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kết quả thực hiện qua 5 năm cho thấy đời sống văn hóa của nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng lên, phát triển phong phú; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, phát huy, các chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh có bước phát triển; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, sinh hoạt tâm linh của người dân được tôn trọng; các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt; tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân tiếp tục được phát huy; việc xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, khu dân cư văn hóa… được triển khai thực hiện tích cực. Các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa tiếp tục được mở rộng. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chùa Khleang - Di tích lịch sử quốc gia và tìm hiểu dàn nhạc cụ ngũ âm độc đáo của đồng bào Khmer Nam bộ (tháng 4-2019). Ảnh: Q.K

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chùa Khleang - Di tích lịch sử quốc gia và tìm hiểu dàn nhạc cụ ngũ âm độc đáo của đồng bào Khmer Nam bộ (tháng 4-2019). Ảnh: Q.K

Nét đặc biệt là trong nhiều năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được quan tâm, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được phát huy, bảo tồn, tôn tạo. Trong giai đoạn 2014 - 2018, UBND tỉnh đã xếp hạng thêm 10 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; đến nay, tỉnh đã có 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật sân khấu rô băm của người Khmer ở Sóc Trăng; Lễ hội Nghinh Ông ở Sóc Trăng và Nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer ở Sóc Trăng. Song song đó, tỉnh đã khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, múa dân gian Khmer, nghệ thuật sân khấu dù kê, tín ngưỡng dân gian người Hoa, các giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa được khai thác hợp lý để phục vụ nhân dân, bảo tồn văn hóa, gắn với phát triển du lịch. Năm 2018, tỉnh đã tổ chức tuyển chọn và công nhận 20 sản phẩm văn nghệ đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh để phục vụ du lịch; ban hành các chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về Sóc Trăng, góp phần động viên lực lượng sáng tác, biểu diễn trong tỉnh tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm tân nhạc, cổ nhạc, múa, kịch bản thông tin, tiểu phẩm, chập cải lương, mỹ thuật; thực hiện quảng bá các tác phẩm, công trình về đề tài chiến tranh cách mạng, về lịch sử vùng đất, con người Sóc Trăng và sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ở tỉnh Sóc Trăng trong 5 năm qua vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chất lượng công nhận gia đình văn hóa, ấp, khóm văn hóa chưa cao. Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang một số nơi chưa hiệu quả, chưa tiết kiệm. Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có nhiều khu vui chơi, giải trí công cộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhất là trẻ em. Chưa khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về văn hóa đặc sắc của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong thu hút khách du lịch. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa tuy có chuyển biến nhưng không đáng kể. Ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển còn chậm. Chưa khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh giá trị di sản văn hóa trong việc thu hút du khách, phát triển du lịch của địa phương. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa còn nhiều hạn chế.

Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, lãnh đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 33 đã đề ra. Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét trong nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh; mạnh dạn đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, lạc hậu; chống các quan điểm sai trái tác động, ảnh hưởng đến xây dựng văn hóa, làm tha hóa con người. Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với những đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, có lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống lành mạnh, có khát vọng vươn lên và cống hiến. Đồng thời, quyết tâm xây dựng văn hóa lành mạnh, tạo cho Sóc Trăng một diện mạo mới, đậm đà bản sắc dân tộc.

Q.K

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-28193.html