Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Kể từ khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25-11-2005 đến nay, các tỉnh ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân địa phương, văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk đã và đang được bảo tồn hiệu quả.
Kể từ khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25-11-2005 đến nay, các tỉnh ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân địa phương, văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk đã và đang được bảo tồn hiệu quả.
Buôn làng rộn rã tiếng cồng chiêng
Ngày đầu năm mới 2021, chúng tôi theo dòng người từ khắp nơi đổ về buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar để dự lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Xê Đăng. Trong tiếng cồng chiêng ngân vang, nhìn dân làng cùng du khách tay trong tay nhảy múa, trò chuyện rôm rả, buôn trưởng buôn Kon H’ring A Nít vui mừng cho biết: Mừng lúa mới là lễ hội tâm linh quan trọng của đồng bào Xê Đăng ở buôn Kon H’ring được tổ chức đúng vào ngày đầu tiên của năm mới, cầu xin trời đất, thần linh cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng ấm no, mạnh khỏe. Ngoài lễ hội này, đồng bào Xê Đăng ở buôn Kon H’ring còn phục dựng, bảo tồn được nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống khác như: lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, nghi lễ cúng sức khỏe… gắn với văn hóa cồng chiêng. Buôn hiện có hai đội chiêng, đội lớn tuổi và đội chiêng trẻ, thường xuyên tham gia diễn tấu trong các lễ hội. Về với buôn Kon H’ring vào những ngày lễ hội trong năm, tiếng cồng chiêng luôn ngân vang như sợi dây kết nối tình đoàn kết cộng đồng.
Chia tay với bà con buôn Kon H’ring, chúng tôi ngược lên xã vùng sâu Cư Đrăm, huyện Krông Bông, đây là vùng căn cứ cách mạng và có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống bao đời nay. Theo giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Văn Tho ở buôn Chàm A, người đã đứng ra mở lớp và bỏ tiền mời nghệ nhân về truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho các thanh, thiếu niên ngay tại nhà mình. Những ngày này, khi mùa màng đã kết thúc, trong ngôi nhà dài của gia đình ông luôn rộn ràng tiếng cồng chiêng. Ông Tho chia sẻ: "Tôi lấy vợ là người dân tộc Ê Đê và sinh sống ở buôn Chàm A đã hơn 30 năm nay cho nên được tham gia nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào. Không biết từ khi nào tôi đã yêu văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê đến vậy, nhất là văn hóa cồng chiêng. Tuy nhiên, sợ sau này con cháu không còn biết văn hóa cồng chiêng của cha ông mình như thế nào cho nên tôi đứng ra mở các lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho các cháu nhỏ trong buôn. Thấy các cháu ham học, tôi đã tự bỏ tiền ra thuê các nghệ nhân về truyền dạy". Còn nghệ nhân Y Jut Êban, người truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho các thanh, thiếu niên ở đây cho biết: "Hơn một năm qua, tôi đã đem hết tâm huyết và công sức của mình cùng với ông Tho truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho các thanh, thiếu niên trong buôn, trong xã với mong muốn di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trường tồn".
Chỉ sau hơn một năm, ông Tho và nghệ nhân Y Jut đã xây dựng được đội chiêng trẻ ở buôn Chàm A gồm chín thành viên từ 12 đến 17 tuổi. Nhìn đội chiêng trẻ diễn tấu nhuần nhuyễn các bài chiêng cơ bản như Đón khách, Mời rượu... cả hai ông đều "ưng cái bụng" tin rằng, đội chiêng trẻ này sẽ tiếp tục truyền lửa để nhịp chiêng ở các buôn làng Cư Đrăm nối dài đến mai sau. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông Phạm Đình Tấn cho biết: Trong những năm qua, mặc dù kinh phí phục vụ công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành văn hóa đã phối hợp UBND các xã tổ chức được 12 lớp truyền dạy đánh chiêng cho 143 học viên là con em đồng bào DTTS ở các buôn làng, đồng thời phục dựng, trình diễn nhiều lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào. Đến nay toàn huyện có khoảng 400 nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng, 95 bộ chiêng, 24 đội chiêng trẻ, 44 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng và một câu lạc bộ cồng chiêng tại xã Dang Cang. Các nghệ nhân, đội chiêng trong huyện không chỉ tham gia diễn tấu cồng chiêng trong các hoạt động văn hóa do huyện, xã và các buôn làng tổ chức mà còn được mời tham gia diễn tấu tại nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, thành phố và đất nước.
Không chỉ các buôn làng ở vùng sâu, vùng xa mà ngay các buôn làng ở TP Buôn Ma Thuột, mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và tác động của nhiều loại hình văn hóa hiện đại, nhưng văn hóa cồng chiêng ở đây vẫn được bảo tồn và hòa nhịp với cuộc sống đương đại. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Buôn Ma Thuột Võ Tiến Dũng cho biết: Toàn thành phố hiện có 33 buôn đồng bào DTTS nhưng có đến 273 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, 42 nghệ nhân biết truyền dạy đánh chiêng, 23 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 131 nghệ nhân biết chơi nhạc cụ truyền thống và 97 bộ chiêng. Từ năm 2016 đến nay, TP Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ hơn 251 triệu đồng để mở 11 lớp truyền dạy đánh chiêng cho con em các buôn DTTS. Bên cạnh đó, các trường dân tộc nội trú, Trường đại học Tây Nguyên mở các lớp truyền dạy đánh chiêng cho các học sinh, sinh viên DTTS. Tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột, đã 5 năm nay định kỳ một tháng hai lần, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức chương trình diễn tấu cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách. Chương trình này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn văn hóa cồng chiêng mà còn tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, khi giữa phố thị đông đúc, nhộn nhịp người và xe cộ nhưng tiếng cồng chiêng vẫn ngân vang. Già làng Y Blah Êban ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột trải lòng: Đã nhiều năm nay ở buôn Akô Dhông cũng như nhiều buôn làng, khu du lịch ở TP Buôn Ma Thuột, trong bất cứ lễ hội hay các hoạt động phục vụ du lịch cộng đồng đều diễn tấu cồng chiêng. Điều này cho thấy, văn hóa cồng chiêng đang được phát huy và thu hút ngày càng nhiều du khách đến với đại ngàn Tây Nguyên.
Nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà cho biết: Để có được kết quả đáng mừng nêu trên, ngay sau khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25-11-2005, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chủ trương, giải pháp để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng. Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 13-7-2007 và Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND ngày 6-7-2012 về "Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2007-2015". Trên cơ sở kết quả đạt được của hai nghị quyết này, ngày 30-8-2016, HĐND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục ban hành Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về "Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk" giai đoạn 2016-2020 với nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO... Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, từ năm 2007 đến năm 2020, tỉnh đã cấp ngân sách mua và cấp 154 bộ chiêng cho những đội chiêng tiêu biểu ở các buôn trong tỉnh, trong đó giai đoạn 2016-2020 cấp được 26 bộ chiêng, 358 bộ trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ ở các buôn. Sở VHTTDL và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức được 124 lớp truyền dạy đánh chiêng cho hàng trăm thanh thiếu niên, học sinh là con em đồng bào DTTS các buôn làng và các trường học trong tỉnh; phục dựng được 136 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại trung tâm văn hóa tỉnh… với tổng kinh phí hơn 12,7 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ thiết thực đó, văn hóa cồng chiêng đang "sống lại" trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk. Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào tháng 9-2020 cho thấy, toàn tỉnh hiện có 2.098 bộ chiêng, 5.116 nghệ nhân biết đánh chiêng, 311 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 1.366 nghệ nhân biết chơi các nhạc cụ truyền thống… Những nghệ nhân này là lực lượng nòng cốt giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng ở các buôn làng Đắk Lắk.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk, Thái Hồng Hà cũng cho biết, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, ở Đắk Lắk nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức do quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội, tín ngưỡng… làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của lối sống hiện đại, tác động tiêu cực bởi mặt trái của kinh tế thị trường; quá trình đô thị hóa nhanh và sự ảnh hưởng của tôn giáo; đồng thời những người biết văn hóa cồng chiêng ngày càng ít dần, lớp trẻ không mặn mà với văn hóa cồng chiêng, rừng bị tàn phá, không gian canh tác nương rẫy bị thu hẹp, bến nước bị khô hạn, nhà dài truyền thống đang bị thay thế bằng nhà bê-tông… khiến cho văn hóa cồng chiêng đang bị mai một dần. Ở nhiều địa phương, buôn làng cồng chiêng không còn ý nghĩa linh thiêng, cuộc sống của một bộ phận đồng bào còn gặp khó khăn dẫn đến đem cồng chiêng đi bán, trao đổi, phục vụ cho các mục đích khác… Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa 9 vào đầu tháng 12-2020 vừa qua đã thông qua nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025. Với chủ trương này, Đắk Lắk không ngừng nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk cũng như đại ngàn Tây Nguyên. Và chỉ khi du lịch cộng đồng phát triển thì văn hóa cồng chiêng mới được bảo tồn bền vững cho hôm nay và mai sau.