Bảo tồn và phát triển bền vững cây quế ngọc ở huyện Thường Xuân
Thực hiện Đề án 'Bảo tồn và phát triển bền vững cây quế ngọc Thường Xuân, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025', những năm qua huyện Thường Xuân đã vận động Nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trồng quế xen keo. Tuy nhiên, hiện nay đề án chỉ mới thực hiện được mục tiêu bảo tồn cây quế, chưa thực hiện được mục tiêu trồng, bổ sung làm giàu rừng và trồng cây phân tán.
Ông Nguyễn Văn Minh ở thị trấn Thường Xuân chăm sóc đồi quế của gia đình.
Theo chân cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, chúng tôi đến thăm mô hình trồng quế của nhà ông Nguyễn Văn Minh ở khu phố Chung Chính, thị trấn Thường Xuân. Chỉ tay về phía quả đồi sau nhà ngút ngàn màu xanh của cây quế, ông cho biết: Năm 1997 của thế kỷ trước, gia đình ông nhận 5 ha đất 02 của Nhà nước. Diện tích này đa phần là rừng hỗn giao, vì vậy ông cùng các thành viên trong gia đình không quản ngày đêm cải tạo diện tích đồi rừng trồng 5 ha quế. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên sau gần 20 năm, gia đình ông thu về gần 3 tỷ đồng từ cây quế. Cây quế mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các cây trồng khác vì có thể tận dụng hết các sản phẩm từ vỏ quế, lá, cành, gỗ. Sau khi thu hoạch, hiện nay gia đình ông đã trồng lại 5 ha quế 3 năm tuổi và được Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc và máy nấu tinh dầu quế cùng 2,5 triệu đồng/1 ha công chăm sóc. Cây quế từ 3 đến 5 tuổi có thể cắt tỉa những cây nhỏ, nơi có mật độ dày, cành lá để chiết xuất tinh dầu. Đặc biệt, vỏ quế bán ra thị trường rất cao, với 24.000 đồng/kg (tính theo giá năm 2021).
Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao cây quế cho thu nhập cao như vậy mà người dân trong huyện lại không mặn mà với cây quế, ông Minh cho rằng, do cây quế có chu kỳ thu hoạch dài nên đa phần người dân không dám đầu tư trồng quế mà tập trung trồng cây keo và các loại cây lâm nghiệp ngắn ngày để nhanh có thu nhập.
Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển cây quế huyện Thường Xuân, giai đoạn 2015-2020”, UBND huyện Thường Xuân đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như bảo tồn cây giống; trồng mới, xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho cây quế; tập huấn khoa học - kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ phát triển cơ sở chiết xuất tinh dầu. Sau 6 năm thực hiện đề án, đến nay người dân trên địa bàn huyện Thường Xuân đã trồng được 1.479 ha quế xen keo (với tỷ lệ từ 20 đến 50% là cây quế) và 15 ha quế bố mẹ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Tuy nhiên, keo là cây sinh trưởng nhanh, lấn át dinh dưỡng của cây quế, cộng với việc không được người dân quan tâm đầu tư chăm sóc, nên tỷ lệ sống của cây quế sau khi trồng là rất thấp. Diện tích quế trồng mới trên địa bàn huyện chỉ đạt gần 200 ha nhưng phân tán, không tập trung. Bên cạnh đó, do chu kỳ cây quế dài (từ 10 đến 20 năm) mới cho thu hoạch, trong khi đa phần các hộ trồng rừng ở các xã còn khó khăn về kinh tế nên không mạnh dạn đầu tư trồng cây quế mà chỉ tập trung trồng cây keo. Bên cạnh đó, huyện chưa có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến tiêu thụ các sản phẩm từ cây quế; chưa bố trí đủ nguồn lực về vốn, quỹ đất; các hộ trồng quế chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng; mô hình sản xuất quế có giá trị cao chưa được xây dựng để người dân tham gia học tập...
Để bảo tồn và phát triển cây quế ngọc ở Thường Xuân, hiện nay Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đang phối hợp với Viện Nghiên cứu lâm sinh triển khai đề tài cấp Nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen quế Thanh Hóa (Cinamomun cassia) có năng suất, chất lượng tinh dầu cao”; Dự án nông thôn miền núi “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến tinh dầu Quế Ngọc gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa”. Hy vọng với những giải pháp trên, cây quế ngọc ở Thường Xuân sẽ dần được khôi phục và không chỉ là cây thoát nghèo mà trở thành cây làm giàu cho người dân Thường Xuân.