Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại vịnh Xuân Đài

Người dân nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài. Ảnh: THÁI HÀ

Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu cùng với hoạt động của con người khiến cho nguồn lợi thủy sản tại vịnh Xuân Đài ngày càng cạn kiệt, nhiều loài có giá trị kinh tế đang dần biến mất. Thực trạng này đe dọa nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái, gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân làm nghề đánh bắt và khai thác trên vịnh.

Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Trường đại học Khoa học, Đại học Huế thực hiện đề tài “Điều tra, đánh giá bổ sung tài nguyên sinh vật biển ở vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên phục vụ quản lý tổng hợp và phát triển bền vững kinh tế, xã hội”.

Vấn đề cấp thiết

Theo TS Hoàng Đình Trung, giảng viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế - chủ nhiệm thực hiện đề tài, đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu. Với những ý nghĩa to lớn đó, công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hiện nay được các địa phương rất quan tâm.

Triển khai từ tháng 5/2017-12/2019, đề tài “Điều tra, đánh giá bổ sung tài nguyên sinh vật biển ở vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên phục vụ quản lý tổng hợp và phát triển bền vững kinh tế, xã hội” đã đạt được các mục tiêu và nội dung đề ra. Nhóm tác giả đã thu thập, tổng hợp và phân tích có hệ thống các thông tin tư liệu, số liệu về tình hình kinh tế - xã hội Phú Yên; nghiên cứu đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học thực vật phù du, động vật đáy, cá ở vịnh Xuân Đài; đánh giá hoạt động nuôi trồng thủy sản liên quan đến nguồn lợi và môi trường vịnh Xuân Đài; nghiên cứu đề xuất mô hình nuôi vẹm xanh có giá trị kinh tế; đề xuất các giải pháp khai thác bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

Theo đó, đề tài đã đạt được một số kết quả cụ thể như: xác định được 181 loài thực vật phù du; 144 loài động vật đáy; bổ sung khu hệ động vật đáy ở vịnh Xuân Đài gồm 26 loài, 11 giống và 13 họ của 5 lớp, thuộc 2 ngành da gai và thân mềm; nguồn lợi cá xác định được 209 loài. Đề tài cũng đã xác định được đối tượng nuôi trên vịnh Xuân Đài gồm tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá biển, tôm hùm và các loại nhuyễn thể, rong câu…

Theo ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trong vịnh là nguồn thu nhập quan trọng đối với người dân sinh sống ven vịnh Xuân Đài. Tuy nhiên, do áp lực dân số gia tăng (dẫn đến khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, không đảm bảo cho việc tái tạo lại) cộng với việc phát triển nuôi thủy sản ồ ạt, không theo quy hoạch gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ tính toàn vẹn của vịnh Xuân Đài. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá giá trị tài nguyên vịnh Xuân Đài để có hướng khai thác, sử dụng hợp lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi, tránh suy giảm tài nguyên vốn có.

Bảo tồn vì tương lai

Thiên nhiên mang lại một loạt sản phẩm thiết yếu cho con người như: nước sạch, thực phẩm, dược phẩm; cung cấp oxi, hấp thụ khí carbon… Tuy nhiên, một vấn đề mang tính đe dọa hiện nay chính là thiên nhiên đang bị tàn phá khiến cho môi trường sống của các loài ngày càng bị mất dần do con người chạy theo các lợi ích ngắn hạn. Vì thế, nếu không có giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, chính con người sẽ phải nhận lấy hậu quả.

Để quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên vịnh Xuân Đài, nhóm tác giả thực hiện đề tài đã đưa ra đồng loạt nhiều giải pháp như: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư ven đầm về biến đổi khí hậu và các kỹ năng thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu; nâng cao hiểu biết và hình thành ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng, khai thác hợp lý tài nguyên trong vịnh; vận động ngư dân không khai thác thủy sản trong các vùng cấm, không đánh bắt các loài thuộc danh mục cấm khai thác…

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần quy hoạch không gian vịnh Xuân Đài một cách hài hòa đảm bảo cân bằng giữa giá trị hệ sinh thái tự nhiên, truyền thống văn hóa bản địa, cùng sự tiện nghi, hiện đại để phục vụ du lịch…

Trăn trở với việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên vịnh Xuân Đài, ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho rằng, nhóm tác giả đã đưa ra rất nhiều giải pháp mang tính khả thi để bảo vệ sự toàn vẹn của vịnh Xuân Đài; tuy nhiên, để công tác bảo tồn mang tính bền vững, địa phương cần giao quyền sử dụng mặt nước cho người dân quản lý.

Việc giao quyền sử dụng mặt nước sẽ giúp tăng cường trách nhiệm của người dân đối với việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phát triển nuôi thủy sản không theo quy hoạch, giúp bảo vệ nguồn lợi, đa dạng sinh học.

Nhận thức được vai trò và ý nghĩa to lớn của đa dạng sinh học, thời gian qua, Phú Yên đã có nhiều nỗ lực nhằm duy trì, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh nói chung, trên vịnh Xuân Đài nói riêng. Tuy nhiên, tính bền vững của công tác bảo tồn đa dạng sinh học chỉ được bảo đảm khi nào người dân địa phương thực sự tham gia vào các hoạt động bảo tồn và nhìn thấy được các hoạt động bảo tồn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng xung quanh.

Ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/233310/bao-ton-va-phat-trien-da-dang-sinh-hoc-tai-vinh-xuan-dai.html