Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trong xu thế hội nhập

Không còn 'đóng khung' với những sản phẩm truyền thống quen thuộc, các nghệ nhân đan lát không ngừng học hỏi để sáng tạo nhiều mẫu mã mới, hữu dụng. Việc thay đổi cách làm để thích ứng với thời hội nhập đã tạo thêm cơ hội cho sản phẩm truyền thống.

Khác với các nghệ nhân cao tuổi, thế hệ kế thừa đã không ngừng nỗ lực đổi mới sáng tạo sản phẩm với khát vọng phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập. Họ không còn “đóng khung” những sản phẩm truyền thống như rổ, rá, thúng, mủng, gùi… mà sáng tạo thêm mẫu mã mới như vật đựng trà cụ kiêm bàn trà, giỏ xách, va li, biến thể của những chiếc gùi…

Kết quả này có được sau thời gian sàng lọc của thị trường, đúc rút quy luật cung cầu để tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Nghệ nhân Si (làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Chư Sê) không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra các sản phẩm mới với mong muốn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Ảnh: M.C

Nghệ nhân Si (làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Chư Sê) không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra các sản phẩm mới với mong muốn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Ảnh: M.C

Tư duy đổi mới giúp nghệ nhân Si (làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang) làm ra một số sản phẩm mới như giỏ xách, bàn đựng trà cụ kiêm uống trà, nón đội đầu… Các sản phẩm của anh như một làn gió mới trong gian hàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các sự kiện văn hóa-du lịch, hội chợ từ cấp huyện đến cấp tỉnh, được nhiều khách hàng yêu thích.

Anh Si dự định kết hợp cùng nghệ nhân dệt của làng đưa chất liệu thổ cẩm vào trong túi xách mây tre đan để tăng tính ứng dụng và thẩm mỹ cho người sử dụng.

Không chỉ đổi mới mẫu mã, từ làm thủ công hoàn toàn, anh còn đầu tư máy vót nan để giải phóng sức lao động, rút ngắn công đoạn để hạ giá thành sản phẩm. Lần đầu tiên “trình làng”, các sản phẩm mới của anh có mức giá từ 700 ngàn đến hơn 1 triệu đồng, hiện giá đã giảm 1/3.

Anh Si cho biết: “Máy vót nan mình đầu tư có giá 3 triệu đồng, nhưng công suất bằng 3-5 lần vót thủ công. Trước đây, để làm 1 cái bàn trà phải mất 3 ngày công nhưng nay chỉ 1 ngày. Đó là lý do sản phẩm hạ giá nhiều như vậy”.

Sử dụng chiếc máy chuốt nan giúp nghệ nhân Si hạ giá thành cho sản phẩm đan lát từ truyền thống. Ảnh: Minh Châu

Sử dụng chiếc máy chuốt nan giúp nghệ nhân Si hạ giá thành cho sản phẩm đan lát từ truyền thống. Ảnh: Minh Châu

Sinh ra từ làng nghề đan lát nổi tiếng nhất tỉnh, anh Rinh (làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) cho biết: Mặc dù sản phẩm đan lát của làng có chỗ đứng vững chắc, đầu ra ổn định nhưng anh vẫn trăn trở để đổi mới, sáng tạo nhằm tìm thêm khách hàng, mở rộng thị trường, thúc đẩy làng nghề phát triển hơn nữa. Mới đây, anh cho ra mắt sản phẩm mới, là biến thể của chiếc gùi truyền thống.

“Nhiều năm qua, nghệ nhân trong làng nổi tiếng với nghề đan gùi và một số sản phẩm thủ công truyền thống quen thuộc. Sau một thời gian quan sát nhu cầu của khách hàng, mình thấy chiếc gùi truyền thống chỉ phù hợp với đời sống lao động, nương rẫy và với một lượng khách hàng nhất định.

Do đó, mình tạo ra chiếc gùi mới với miệng rộng hơn, thân thấp hơn, dễ đựng và dễ lấy đồ. Với vật dụng này, người mua có thể ứng dụng vào nhiều mục đích trong cuộc sống”-anh Rinh nói. Ngay khi sản phẩm được anh đăng tải giới thiệu trên Facebook, một số khách hàng đã vào hỏi mua. Đây là động lực để nghệ nhân giữ nghề và tiếp tục đổi mới, sáng tạo.

Nghệ nhân Si dự định kết hợp với nghệ nhân dệt đưa thổ cẩm vào giỏ xách từ mây tre đan để tăng tính ứng dụng cho sản phẩm. Ảnh: Minh Châu

Nghệ nhân Si dự định kết hợp với nghệ nhân dệt đưa thổ cẩm vào giỏ xách từ mây tre đan để tăng tính ứng dụng cho sản phẩm. Ảnh: Minh Châu

Theo nhiều nghệ nhân, đầu ra cho sản phẩm đan lát thủ công rất đa dạng. Nhiều năm qua, nghề truyền thống đã mang lại cho các nghệ nhân làng Ngơm Thung và một số nơi nguồn thu nhập khá ổn định.

Nghệ nhân Rinh chia sẻ: “Mình quan sát sản phẩm đan lát của các dân tộc khác như Ê Đê, Hrê, Xơ Đăng, Giẻ Triêng… và tìm hiểu cách họ thực hiện để rút ra kinh nghiệm cần thiết áp dụng vào sản phẩm của mình.

Mỗi dân tộc có bản sắc riêng nhưng đều hướng đến phục vụ nhu cầu cuộc sống. Nếu mình chắt lọc mẫu mã thiết kế, tính năng đồ dùng thủ công để tạo ra những sản phẩm mới có tính ứng dụng cao thì chắc chắn tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, nghề truyền thống không phải lo mai một khi nghệ nhân sống được bằng nghề”.

Các sản phẩm đan lát có sự đổi mới sáng tạo của các nghệ nhân bước đầu đã tìm được những tệp khách hàng phù hợp, mang theo bao khát vọng phát triển nghề truyền thống. Những trăn trở, lo lắng về sự mai một nghề truyền thống nói chung, nghề đan lát nói riêng có nguyên nhân là do thiếu hụt đội ngũ kế thừa, đặc biệt là khó khăn khi tìm đầu ra cho sản phẩm. Hai yếu tố này liên quan mật thiết với nhau.

Điều cốt lõi, trước hết và trên hết, đó là sự đổi mới của chính các nghệ nhân cho các sản phẩm truyền thống trước xu thế hội nhập. Bên cạnh chính sách, họ phải tự thân đổi mới sáng tạo sản phẩm để đáp ứng thị hiếu khách hàng, quy luật cung cầu của thị trường. Mọi sự hỗ trợ đều dựa vào cái đã có, từ giá trị cốt lõi này.

Chính quyền địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ, quảng bá sản phẩm mới thông qua các hội chợ, diễn đàn kết nối sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, các sự kiện văn hóa-du lịch… để nghệ nhân yên tâm đổi mới sáng tạo, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trong xu thế hội nhập.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bao-ton-va-phat-trien-nghe-truyen-thong-trong-xu-the-hoi-nhap-post293216.html