Bảo tồn văn hóa DTTS từ nguồn lực con người
ĐBP - Ðể bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS), cùng với các đề án, chương trình có kinh phí triển khai, hỗ trợ thì con người là nguồn lực vô cùng quan trọng. Ðó là những nghệ nhân, người am hiểu văn hóa; là những chủ thể văn hóa - bản thân đồng bào DTTS, sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hóa truyền thống. Họ là những người gìn giữ, duy trì thực hành, truyền nối các nét đẹp cổ truyền của cộng đồng. Họ cần được khích lệ, động viên, tạo điều kiện để tiếp thu, phát huy, bảo tồn văn hóa các tộc người.
CLB Văn nghệ người cao tuổi phường Na Lay (TX. Mường Lay) tham gia giao lưu tại Ngày hội Văn hóa Thái năm 2019.
Chi hội Văn học - Nghệ thuật DTTS (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) có 28 hội viên, tập hợp những người yêu thích, say mê tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật truyền thống hoặc mang màu sắc, âm hưởng, viết về nét đẹp các dân tộc. Trong tháng 8 vừa rồi, Chi hội có 14 công trình sưu tầm và sáng tác gửi xem xét hỗ trợ và tham gia giải thưởng năm 2020 của Hội Văn học - Nghệ thuật các DTTS Việt Nam. Có thể kể tên một số tác phẩm như: 5 tập bản thảo sưu tầm thơ ca dân gian dân tộc Thái “Náng Cống cắm đanh” của tác giả Lò Ðặng Thếm; 5 tập thơ “Làm rể” của tác giả Tòng Văn Hân; kịch bản múa “Những cô gái trên bản Mông”, “Xuân trên nương” của tác giả Lù Thị Hiền; DVD “Cánh còn xuân, nối tiếp văn hóa truyền thống, hiện tại và tương lai” của tác giả Lò Ngọc Duyên… Mỗi tác phẩm, công trình nghiên cứu, sáng tác đều là tâm huyết, tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc. Qua các tác phẩm, văn hóa DTTS được gìn giữ, tôn vinh, phát huy những cái đẹp, đang có nguy cơ mai một.
Ngoài Chi hội Văn học - Nghệ thuật DTTS, trên địa bàn tỉnh có nhiều câu lạc bộ (CLB) về bảo tồn văn hóa như: CLB Bảo tồn tri thức bản địa tỉnh Ðiện Biên; CLB Bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc tỉnh; CLB Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Ðiện Biên… Các CLB đều hoạt động tích cực, không chỉ tổ chức sinh hoạt, thực hành văn hóa, tái hiện những nét đẹp cổ truyền mà tùy từng CLB còn truyền dạy chữ viết cổ, dân ca, điệu múa, sử dụng và chế tác nhạc cụ... Làm được điều đó, những CLB này quy tụ được nhiều người tâm huyết, am hiểu văn hóa dân tộc, trong đó có nhiều nghệ nhân ưu tú. Nghệ nhân ưu tú Mào Văn Ết, Chi hội trưởng Chi hội Văn học - Nghệ thuật DTTS, đồng thời là người sáng lập CLB Bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc, tâm sự: “Chúng tôi chia sẻ, dạy cho nhau những điều mình biết về văn hóa truyền thống. Người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người không biết. Ai cũng mong chia sẻ những tri thức, kỹ năng, nghệ thuật mình nắm giữ cho được nhiều người hơn để cùng nhau bảo tồn nét đẹp dân tộc. Tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn khi những người am hiểu ngày càng già đi, trí nhớ và sức khỏe đều giảm sút, có những người không còn nữa. Và để tìm được người trẻ thực sự yêu thích, dành thời gian học tập nghiêm túc thì rất khó. Như CLB Bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc đã hoạt động nhiều năm, tập trung vào văn hóa dân tộc Thái, Mông. Ðến khi dựng thêm được một số tiết mục múa cổ truyền dân tộc Khơ Mú, Hà Nhì có thể tham gia biểu diễn thì nghệ nhân nhạc công chính mất. Mấy năm trở lại đây, lần lượt 3 nghệ nhân ra đi. Tuổi già không đợi được nữa”. Toàn tỉnh có 28 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã được phong tặng và truy tặng danh hiệu. Hiện đang tiếp tục thực hiện các bước lấy ý kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đợt 3 cho 20 người. Ðây đều là những người có nhiều năm thực hành, truyền dạy di sản, có đóng góp lớn trong gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của tộc người.
Ngoài nghệ nhân thì chính những người con của cộng đồng DTTS đó là chủ thể văn hóa, là người duy trì, tiếp nối văn hóa. Việc thành lập các đội văn nghệ quần chúng tại cơ sở là then chốt; tổ chức các ngày hội, liên hoan, đại đoàn kết là cơ hội, điều kiện để người dân ôn lại, thực hành các nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. CLB Văn nghệ người cao tuổi phường Na Lay (TX. Mường Lay) là một trong những đội tiêu biểu, sưu tầm, dàn dựng được nhiều bài múa cổ của dân tộc Thái trắng (hơn 10 bài). Ðây đều là những bài hát múa truyền thống trên nền nhạc tính tẩu, trong đó nhiều bài múa cổ từ thời vua Thái Ðèo Văn Long, như: Múa chèo thuyền, múa quả nhạc, múa khăn, múa nón, múa chọi gà, múa quạt, múa đôi tính tẩu, múa quạt mo héo... CLB thường xuyên tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa trên địa bàn như Lễ hội Ðua thuyền đuôi én, giao lưu văn nghệ mừng năm mới, mừng các ngày lễ lớn... Và được mời tham gia giao lưu văn nghệ, giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Thái trắng tại nhiều huyện trong tỉnh và tỉnh Lai Châu. Hay như đội văn nghệ bản Him Lam 2, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) cũng thường xuyên tham gia phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm, giao lưu tại bản; hàng tháng đều tham gia biểu diễn theo chương trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ngoài ra đội còn ký hợp đồng biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống dân tộc Thái với một số nhà hàng, cơ sở lưu trú. Chị Lò Thị Hương, Ðội trưởng Ðội văn nghệ bản Him Lam 2 cho biết: “Ðội có 10 thành viên với gần 10 tiết mục múa Thái (Hương rượu xuân, Trái còn ngày xuân, Hoa rừng, Sắc thắm khăn piêu...). Mỗi chương trình đội thường diễn 3 tiết mục và dẫn dắt du khách tham gia múa xòe, nhảy sạp đặc trưng của dân tộc”.
Các đội văn nghệ dù chỉ biểu diễn ở bản hay mở rộng hơn là tham gia các chương trình giao lưu và phục vụ khách du lịch thì đều góp sức vào việc giới thiệu, lan tỏa nét đẹp truyền thống; tiếp thêm tình yêu, sự tự hào cho những người con DTTS, từ đó thúc đẩy bảo tồn văn hóa. Những năm qua đã có nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa được tổ chức, mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, nhạc cụ, chữ viết cổ. Nhưng như nghệ nhân ưu tú Mào Văn Ết - người trực tiếp giảng dạy nhiều lớp, nhận định: “Ða số người dân có ý thức tham gia học và tiếp thu tốt. Tuy nhiên sau khi lớp kết thúc thì bà con bận rộn với công việc gia đình, cơm - áo - gạo - tiền nên không ôn luyện và thực hành thường xuyên, lâu dần các kiến thức được truyền dạy cũng mờ nhạt đi. Vì vậy việc dạy và học, phát huy bản sắc các dân tộc cần phải được thực hiện quyết liệt hơn. Ðặc biệt là cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị tạo điều kiện cho các hoạt động sinh hoạt, bảo tồn văn hóa truyền thống; đồng thời động viên, khuyến khích, thu hút những người truyền dạy và người yêu thích tìm hiểu, học hỏi các nét đẹp ấy”. Chia sẻ của nghệ nhân ưu tú Mào Văn Ết cũng là lời kết mà chúng tôi muốn gửi gắm đến độc giả. Có sự quan tâm của cả cộng đồng, hệ thống chính trị thì các di sản văn hóa, các nét đẹp truyền thống DTTS mới có thể được lưu giữ cho muôn đời sau.