Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm triển khai các thành phần dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.
Một trong số đó là Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6).
Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 284 ngày 15/8/2022 triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao đã tham mưu triển khai Dự án 6, đây là 1 trong 10 thành phần dự án nằm trong kế hoạch.
Thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch vùng cao, kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các địa phương. Đề xuất xây dựng phóng sự quảng bá về du lịch cộng đồng của Lào Cai phát trên internet, các nền tảng mạng xã hội; sản xuất video clip về du lịch cộng đồng (xây dựng nhân vật trải nghiệm); tổ chức đoàn khảo sát du lịch chuyên đề “hành trình khám phá cung đường di sản danh thắng quốc gia ruộng bậc thang” thuộc vùng dân tộc thiểu số và tổ chức đoàn khảo sát tour du lịch check in bản làng gắn với chợ phiên.
Ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết: Sở phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã cụ thể hóa Dự án 6. Sở đã cử nhiều lượt cán bộ chuyên môn xuống cơ sở trực tiếp hướng dẫn xây dựng kế hoạch cụ thể, đặc biệt là thắt chặt công tác quản lý nhà nước về văn hóa.
Sở cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái văn hóa dân tộc Tày thôn Nặm Cằm, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên); triển khai tổ chức bảo tồn lễ hội xuống đồng dân tộc Tày (Sa Pa), lễ hội Gầu tào dân tộc Mông và lễ hội Cầu mùa của cộng đồng người Hà Nhì (Bát Xát)…
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, do vậy nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có xu hướng “mở”, không bó hẹp trong không gian thôn, bản mà tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Đến với lễ hội, du khách không đơn thuần thưởng thức các món ăn đặc trưng vùng cao, mà còn được trực tiếp quan sát các nghi lễ truyền thống, tham gia các phần hội. Điều đó đáp ứng xu thế du lịch trải nghiệm, du khách đi sâu vào khám phá các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, bản sắc văn hóa của từng địa phương, từng dân tộc thiểu số.
Trong năm 2022, Sở Văn hóa - Thể thao tham mưu xây dựng chính sách và hỗ trợ 29 nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Đồng thời, hỗ trợ các nghệ nhân tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy văn hóa phi vật thể tại 9 địa phương của tỉnh.
Trong thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao tiếp tục tham mưu xây dựng các điểm đến tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai nhận diện thương hiệu du lịch các địa phương và thực hiện bảo tồn 5 lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang - thiết bị để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho cộng đồng dân tộc thiểu số và gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bao-ton-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-post368884.html