'Bão trắng' quét qua bản làng trên đỉnh Pù Hu
Ly tán, nghèo, mồ côi, thất học… là những điều dễ thấy nhất khi đến với Tà Cóm - bản vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa).
Nơi đây ma túy làm tan nát nhiều gia đình, cướp đi sinh mạng hàng chục người, để lại những nỗi buồn dai dẳng…
Những đứa trẻ mờ mịt tương lai…
Bản Tà Cóm nằm dọc sông Mã, được bao bọc bởi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và lòng hồ thủy điện Trung Sơn, gần như biệt lập với bên ngoài.
Cách thị trấn Mường Lát khoảng 54 cây số, để đến được Tà Cóm, lối đi dễ nhất qua là xã Mường Lý. Sau đó lên đò vượt sông Mã, đoạn qua lòng hồ thủy điện Trung Sơn rồi đi thêm chừng vài cây số đường đất.
Từ nhiều năm nay, Tà Cóm vẫn luôn giữ vững được “danh hiệu” “nghèo bền vững”. Nguyên nhân đầu tiên được kể đến đó chính là do ma túy.
Mặc dù đến nay, bản Tà Cóm thuộc xã Trung Lý được xác định là không còn điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, song những hệ lụy khi cơn “bão trắng” đi qua vẫn đang còn đeo đẳng mãi về sau. Cả bản có tới hơn 97% hộ nghèo, nhiều gia đình ly tán; đáng thương hơn là tương lai của nhiều trẻ thơ lớn lên giữa vùng ma túy vẫn mờ mịt, không tìm thấy lối thoát.
Đang chơi với các bạn cùng lớp, thế nhưng khi nhắc về người bố bị nghiện, Sùng Vàng Chay (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trung Lý 2) ôm mặt khóc nức nở. Chay ám ảnh cảnh mỗi lần bố ngồi bên bàn đèn vật vã với cơn đói thuốc. Nhiều năm có bố là người nghiện, Chay nhận ra những lúc bố lên cơn vật thuốc thì không nên lại gần, dễ bị mắng chửi và lúc ấy, người cha trong mắt cậu bé vô cùng đáng sợ.
Nhiều năm bố sống chung với nghiện ngập, thế nhưng Chay cũng không thấy mẹ dám mở miệng khuyên bố nửa lời, chỉ lầm lũi kéo con ra ngoài, lầm lũi lên nương một mình, hái măng một mình, nấu rượu, sửa nhà, chăm con một mình. Ngoài nỗi cơ cực, buồn tủi, cậu bé luôn mơ hồ một nỗi sợ là một ngày không còn được đến trường nữa.
Không may mắn như Chay, Hờ Thị Xanh dù còn cả bố và mẹ nhưng em trở thành trẻ mồ côi khi bố đi tù, mẹ đi cai nghiện rồi không trở về. Thuốc phiện đưa bố Xanh vào tù, mẹ biệt tích cũng là lúc Xanh bị đẩy vào con đường mù chữ.
Xanh phải ở cùng với gia đình anh họ, mỗi ngày đi nhặt củi trên rừng và trông em. Cô bé không nhớ tuổi của mình, điều duy nhất Xanh nhớ là sự học của em đã kết thúc vào năm học lớp 6. Dù học đến lớp 6 nhưng Xanh vẫn không viết nổi tên mình. Trò chuyện với cô bé, cũng như lúc nói chuyện với Chay, luôn phải có người phiên dịch vì không biết tiếng Kinh.
Mặc cảm, tự ti vì gia đình không trọn vẹn, Xanh không dám nhìn thẳng vào người đối diện, thậm chí tìm cách trốn tránh khi thấy người lạ. Cô bé không còn muốn trở lại trường học, điều ước duy nhất là một ngày, dưới chân đồi kia, nhìn thấy bóng dáng mẹ trở về.
Nơi này, có 2 điểm trường của mầm non và tiểu học. Điểm trường tiểu học có 77 học sinh, thì hơn 10 học sinh có phụ huynh vướng vào nghiện ngập, còn điểm trường mầm non có gần 70 học sinh thì khoảng 20 trẻ có gia đình liên quan đến ma túy.
…và những tổ ấm “lạnh”
Năm 18 tuổi, Sung Cá Dua lấy chồng ở bản Tà Cóm. Khi về nhà chồng Dua mới biết cả bố mẹ chồng đều nghiện ma túy. Vợ chồng Dua ở cùng mẹ chồng, còn bố chồng đã đi cai nghiện.
Căn nhà trống huơ trống hoác, chẳng có gì ngoài mấy chiếc giường, những chiếc nồi mòn vẹt đế vứt lăn lóc bên bếp củi tàn bởi cứ có gì giá trị, mẹ chồng sẽ mang đi bán hết. Sung Cá Dua cùng với chị dâu là Sùng Thị Sáng cũng thường khuyên mẹ chồng đi cai nghiện nhưng chẳng thành. Những lúc bà lên cơn vật thuốc, Dua lầm lũi đi tránh ra bên ngoài.
Theo Trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự, nhiều gia đình cả vợ và chồng đều dính vào ma túy. Hờ A Su B nghiện trước, sau đó, vợ là Thào Thị Chu cũng nghiện theo. Hai vợ chồng vật vờ đi làm thuê, được đồng nào mua thuốc đốt hết; Sùng A Dơ cùng vợ Thào Thị Dợ cũng mắc nghiện; rồi Phàng An Chỉnh và vợ Hạng Thị Xua đều nghiện ma túy… Những đứa trẻ sinh ra thì bữa đói, bữa no, đói cả cái bụng, đói cả con chữ.
“Mặc dù đã được tuyên truyền nhiều nhưng do địa bàn xa trung tâm xã, trình độ hiểu biết của bà con hạn chế nên số người dính đến ma túy vẫn còn nhiều. Nhiều gia đình, bố mẹ nghiện ngập khiến con cái thất học, mà thất học thì mù chữ, nghèo cứ thế không thoát được”, anh Thào A Sự chia sẻ.
Cũng theo Trưởng bản Tà Cóm, cả bản hiện có khoảng 10 đối tượng nghiện, 16 đối tượng thuộc diện quản lý sau cai nghiện, 23 đối tượng đang thi hành án phạt tù…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-trang-quet-qua-ban-lang-tren-dinh-pu-hu-post686087.html