Bão trên Thái Bình Dương tác động đến mùa mưa ở Nam Bộ
Cơn bão Vongfong ở ngoài khơi Philippines sẽ di chuyển theo hình parabol, không đi vào Biển Đông. Sự tương tác của cơn bão khiến gió tây nam được duy trì và gây mưa cho Nam Bộ.
Sáng 13/5, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản phát đi bản tin dự báo đường đi của cơn bão Vongfong được hình thành từ vùng áp thấp ngoài khơi Philippines. Hiện, tâm bão nằm ở vùng biển ngoài khơi phía nam của Philippines và có khả năng quét qua đất liền trong 2 ngày tới.
Trao đổi với Zing, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết cơn bão này có hướng di chuyển chủ yếu theo hình parabol, dọc theo ven rìa của áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương.
Những ngày tới, Vongfong di chuyển theo hướng tây bắc. Đến ngày 16/5, khi tiến vào gần phía đông đảo Luzon, cơn bão chịu ảnh hưởng của những hoàn lưu trên cao và đi lên phía bắc, sau đó quay trở ra.
"Sự đổi hướng này do tác động của rãnh áp thấp cao 6.000 m khiến cơn bão này không thể tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc mà quay trở ra. Do đó, bão ít có khả năng đi vào Biển Đông", bà Lan nhận định.
Ngoài bão Vongfong, vịnh Bengal còn một cơn bão khác có tác dụng tạo điều kiện cho dòng gió tây nam thổi về phía nam. Đây chính là cơn bão thúc đẩy sự hình thành của gió tây nam.
Trong khi cơn bão Vongfong hút gió thì cơn bão trên vịnh Bengal lại thổi gió. Sự tương tác giữa 2 cơn bão này khiến gió tây nam được duy trì và gây mưa cho các tỉnh ở khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ.
Trong các ngày 13-15/5, gió tây nam sẽ duy trì cường độ, sau đó mạnh dần lên và mang độ ẩm từ Ấn Độ Dương, nam Thái Bình Dương, vịnh Bengal, vịnh Thái Lan vào. Lúc này, mùa mưa ở Nam Bộ bắt đầu.
Cụ thể, TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ sẽ duy trì trạng thái sáng nắng, chiều có mưa dông kéo dài từ ngày 15/5 đến ngày 22/5. Tác động của gió tây nam kèm theo mây đối lưu phát triển mạnh, đặc biệt là sau những ngày oi bức khiến mưa đến có thể thể kèm theo dông lốc, gió giật mạnh.
"Một vài nơi có thể xuất hiện mưa đá nhưng kích thước hạt rất nhỏ. Ngoài ra, không loại trừ khả năng vòi rồng sẽ xuất hiện trên vùng biển Kiên Giang khi gió tây nam thổi mạnh. Tuy nhiên, vòi rồng ở Việt Nam thường xuất hiện với cường độ nhỏ", bà Lan nói.
Chuyên gia khí tượng cũng cho biết ngay cả khi bước vào mùa mưa, nhiệt độ cao nhất tại Nam Bộ vẫn ở ngưỡng 33-36 độ C. Mặc dù không còn nắng nóng gay gắt như những ngày trước đó, người dân khu vực vẫn cảm nhận được không khí oi nóng suốt cả ngày. Đến chiều tối khi mưa xuống, nền nhiệt được hạ thấp, khu vực sẽ dịu mát hơn.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong các ngày 13-15/5, ảnh hưởng của áp cao cận nhiệt đới nên nắng nóng vẫn tiếp diễn tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C kéo dài từ 11h đến 16h.
Ngoài ra, vùng áp thấp nóng phía tây cũng đang có xu hướng phát triển trở lại. Từ ngày 14/5, nắng nóng sẽ xuất hiện trên khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, cục bộ ở Tây Bắc Bộ. Ngày 15/5, nắng nóng xảy ra diện rộng ở các khu vực này.