Theo trang Sina của Trung Quốc, Su-57 Felon được không quân Nga dự định sẽ thay thế hoàn toàn cho dòng Su-27 Flanker trong tương lai, đối thủ chính của nó là tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 do Mỹ sản xuất.
Tiêm kích Su-57 theo đánh giá có khả năng cơ động cực tốt và sở hữu khoang chứa vũ khí rộng rãi, kết hợp ưu thế của cả hai loại máy bay chiến đấu là Su-27 và F-22, nó thực sự là phương tiện tác chiến rất đáng gờm.
Tuy vậy sau khi phân tích những hình ảnh từ nhà máy lắp ráp tiêm kích Su-57, các chuyên gia của Sina nhận xét điều đã cho thấy sự kém phát triển về công nghệ mà Nga đang áp dụng, thể hiện rõ nhất ở cấu trúc khung thân máy bay.
Một đặc điểm nổi bật của máy bay chiến đấu Nga là việc chia khung thành hai phần được thống nhất bằng các chốt: khung ngang màu đen và khung dọc màu vàng, đảm nhiệm chịu lực và các vai trò khác nhau.
Dễ nhận thấy các bộ phận khung thân được làm bằng titan và hợp kim nhôm, vật liệu này được sử dụng để tạo ra lớp vỏ bên ngoài và bên trong của khe hút gió, gần như hoàn toàn dựa trên thiết kế truyền thống của máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba.
Nhưng điều cần nhấn mạnh đó à việc sử dụng hợp kim nhôm mềm làm vật liệu lót cửa hút gió, cũng như sự hiện diện của quá nhiều đinh tán cho thấy khoảng cách lên đến cả thế hệ giữa các máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ.
Trong máy bay chiến đấu thế hệ năm, đinh tán không được sử dụng trong cấu tạo cửa hút gió vì chúng có thể rơi ra ngoài và làm hỏng cánh động cơ. Giải pháp cho vấn đề này là sợi carbon và làm cho các bức tường bên trong trơn tru, nhằm loại bỏ hoàn toàn đinh tán.
Theo Sina, yêu cầu như vậy chỉ có thể được thực hiện bằng vật liệu composite, công nghệ sản xuất nói trên đang nằm trong tay Mỹ, Nhật Bản, một số nước châu Âu và nhiều công ty đến từ Trung Quốc.
"Nhìn thấy Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc có thể thiết kế và chế tạo cửa hút gió tiên tiến, người Nga chỉ có thể 'ngước nhìn' trong bất lực", chuyên gia Sina đã lên tiếng về sự lạc hậu của Nga trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vật liệu sáng tạo.
Trước những lời chê trách từ Sina, chuyên gia Nga đáp trả rằng sẽ rất thú vị khi được biết thành phần chính của phi đội máy bay chiến đấu không quân Trung Quốc lại bao gồm các phi cơ có liên quan trực tiếp đến thiết kế của Su-27.
"Quân đội và các nhà thiết kế hàng không Trung Quốc liệu có thực sự kém hiểu biết về kết cấu của máy bay chiến đấu hay không? Trình độ của họ có hơn những công trình sư hàng đầu của Nga"?
Chuyên gia quân sự Nga còn không khỏi thắc mắc tại sao trước “công nghệ tiên tiến” của Trung Quốc và Mỹ, các nước này vẫn tiếp tục nhập khẩu, ví dụ như động cơ máy bay và tên lửa của Nga.
Nhưng bất chấp những luận điểm trên, có lẽ phía Nga quên rằng Trung Quốc hiện không còn nhập khẩu động cơ máy bay từ Moskva nữa, động cơ chuẩn thế hệ năm WS-15 của họ dành cho tiêm kích tàng hình J-20 cũng đã sắp hoàn thành và có tính năng cao hơn Izdeliye-30 của Nga.
Trong khi đó tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ đã bay hơn 20 năm trên bầu trời, F-35 đang sản xuất hàng loạt và đã giao hàng trên 500 chiếc với tính năng đầy đủ, còn Su-57 dự kiến sau năm 2025 mới có động cơ giai đoạn hai.
Việt Dũng