Báo Trung Quốc đánh giá về RCEP: 'thiên đường' của thương mại tự do và đầu tư hiệu quả

Thời báo Hoàn cầu gần đây đã đánh giá Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) là một thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. RCEP cũng sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho thương mại và đầu tư trong khu vực.

RCEP được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 tại Hà Nội.

RCEP được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 tại Hà Nội.

"Thắng lợi lớn"

Theo Thời báo Hoàn cầu, ngày 15/11, RCEP đã được 15 quốc gia tham gia hiệp định ký kết thông qua hội nghị trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận thế giới.

Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói rằng RCEP là "một thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do". Các nhà lãnh đạo của những quốc gia khác tham gia cuộc họp cũng đưa ra những bình luận tương tự. Các cơ quan truyền thông châu Á đã ca ngợi RCEP, cho rằng thỏa thuận này sẽ cải thiện kinh tế và hợp tác khu vực.

Theo trang mạng chinatimes.net.cn ngày 13/11, RCEP bao gồm 10 nước ASEAN và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chiếm 29,7% dân số và 28,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Đồng thời, RCEP cũng bao gồm hai thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất thế giới, một là thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân và một thị trường ASEAN với hơn 600 triệu dân. Ông Chu Ân, Phó giáo sư Khoa Hành chính công thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế (Trung Quốc), cho rằng trong bối cảnh chống toàn cầu hóa hiện nay, việc ký kết RCEP chắc chắn có ý nghĩa to lớn đối với việc thúc đẩy hội nhập kinh tế và bảo vệ hệ thống thương mại đa phương.

Ngoài ra, việc ký kết hiệp định trên cũng sẽ giúp xây dựng chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong khu vực. Thứ trưởng Thương mại kiêm Phó đại diện đàm phán thương mại quốc tế của Trung Quốc Vương Thụ Văn cho rằng việc hình thành một khu thương mại tự do thống nhất trong khu vực sẽ giúp khu vực hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị dựa trên lợi thế so sánh của họ. Điều này đưa lại lợi ích vô cùng to lớn đối với dòng lưu thông hàng hóa, công nghệ, dịch vụ và vốn, bao gồm cả dòng chảy nhân lực xuyên quốc gia, hình thành hiệu ứng tạo ra thương mại.

Thúc đẩy chuỗi cung ứng

Khi 15 quốc gia hoàn thành việc ký kết RCEP, điều đó có nghĩa là khu vực chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ trở thành "thiên đường" của thương mại tự do và đầu tư hiệu quả. Điều này sẽ làm gia tăng sự ổn định của các chính sách kinh tế thương mại trong khu vực, tối ưu hóa kỳ vọng đầu tư, thúc đẩy sản xuất và niềm tin tiêu dùng, giúp kéo nền kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng tăng trưởng chậm chạp.

Học giả Chu Ân nhận định: "Các cuộc đàm phán RCEP chắc chắn sẽ đạt được những bước tiến lớn hơn trong việc giảm hàng rào thuế quan. Trong tương lai, 95% các mặt hàng chịu thuế hoặc thậm chí nhiều hơn sẽ được áp dụng mức thuế quan bằng 0. Điều này là một lợi ích chính sách lớn đối với các doanh nghiệp ngoại thương".

Theo nhật báo Yomiuri, ngày 15/11, Nhật Bản đã ký kết RCEP với 14 quốc gia khác, chiếm gần 50% tổng kim ngạch thương mại của nước này. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặc dù Ấn Độ đã rút khỏi bàn đàm phán về RCEP nhưng 15 quốc gia còn lại vẫn khẳng định họ sẵn sàng cho phép nước này tham gia vào các cuộc họp trong tương lai.

Mức độ dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với các hàng hóa Nhật Bản là 86% ở Trung Quốc, 83% ở Hàn Quốc và 86% đến 100% ở các quốc gia khác. Đáng chú ý, RCEP sẽ giúp loại bỏ thuế đối với các mặt hàng động cơ xe điện, linh kiện pin xe điện và các sản phẩm thép. Mức 6% thuế đối với các linh kiện pin xe điện xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được loại bỏ vào năm thứ 16 của hiệp định này. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các giao dịch trong các chuỗi cung ứng trải khắp châu Á.

RCEP cần phải nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 6 quốc gia ASEAN cùng với 3 trong số 5 quốc gia còn lại trước khi có hiệu lực. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ đệ trình dự luật về việc thông qua RCEP lên Quốc hội trong kỳ họp thường niên vào đầu năm 2021 với mục tiêu nhanh chóng làm cho thỏa thuận này có hiệu lực.

Theo Thời báo Hoàn cầu, việc ký kết RCEP cho thấy phần lớn các quốc gia châu Á ủng hộ một khuôn khổ thương mại tự do khu vực trên toàn châu Á, hoạt động mang lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế châu Á và coi đó là một bước ngoặt để đạt được hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn ở Đông và Đông Nam Á.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-trung-quoc-danh-gia-ve-rcep-thien-duong-cua-thuong-mai-tu-do-va-dau-tu-hieu-qua-129298.html