Báo Trung Quốc: Nhiều nhà máy 'giả vờ phục hồi' sau dịch
Nhiều nhà máy và công ty Trung Quốc phải hoạt động cầm chừng ngay cả khi không có ai đến làm vì chịu áp lực chỉ tiêu từ chính quyền địa phương, theo tờ Caixin (Trung Quốc).
Tính đến 20 giờ 30 ngày 8-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận đại lục có 80.701 ca lây nhiễm COVID-19 và 3.098 trường hợp tử vong. Được biết đây là ngày TQ đại lục ghi nhận số ca nhiễm mới và số ca tử vong thấp nhất kể từ khi giới chức nước này bắt đầu cập nhật số liệu thống kê hằng ngày về dịch hôm 20-1.
Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết hiện đã có 57.332 người xuất viện sau khi điều trị thành công và cho kết quả âm tính, tăng 3.251 trường hợp so với ngày 7-3. Giới chuyên gia nước này kỳ vọng đến cuối tháng 3 sẽ không còn ca nhiễm mới nào bên ngoài tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Dù vậy, trong bài phóng sự mới đây của tờ báo TQ Caixin (còn gọi là báo Tài Tân),một số doanh nghiệp và quan chức ở nhiều địa phương TQ đã bị phát hiện ngụy tạo mức tiêu thụ điện và các số liệu khác để đáp ứng các chỉ tiêu trở lại làm việc trong bối cảnh số ca nhiễm ở nước này giảm mạnh.
Đèn mở không, quạt cứ chạy
Theo đó, chính quyền địa phương ở các khu vực ít bị ảnh hưởng này đã kêu gọi các văn phòng và nhà máy trở lại làm việc bằng cách giao mục tiêu cụ thể cho quan chức cấp quận, huyện. Các quan chức này sau đó sẽ phải thường xuyên đến thăm các công ty, khuyến khích họ tiếp tục sản xuất nhằm thể hiện “sự quan tâm và hỗ trợ”. Điều này tạo áp lực khiến các công ty phải mở cửa lại dù hầu như không có công nhân đến làm.
Caixin cho biết những việc làm phổ biến là để đèn và bật máy điều hòa không khí cả ngày trong các văn phòng không người, bật thiết bị, làm giả bảng chấm công hoặc thậm chí hướng dẫn công nhân nhà máy đưa sai dữ liệu khi có thanh tra đột xuất.
Tỉnh Chiết Giang ở phía đông TQ thường được ca ngợi ví dụ điển hình cho sự hồi phục của ngành công nghiệp nước này. Cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu TQ hôm 24-2 báo cáo tỉ lệ trở lại làm việc ở đây là hơn 90%.
Tuy nhiên, một cán bộ cấp quận tại TP Hàng Châu nói với Caixin rằng bắt đầu từ ngày 29-2, các nhà máy được yêu cầu phải để thiết bị hoạt động cả ngày, trong khi các văn phòng được yêu cầu bật máy tính và máy điều hòa không khí. Điều này trùng khớp với việc Bắc Kinh kiểm tra tỉ lệ người dân trở lại làm việc bằng cách đo mức tiêu thụ năng lượng.
Caixin không nêu tên quận để bảo vệ danh tính của cán bộ nói trên, song một nguồn tin nội bộ tại một công ty ở quận này đã xác nhận thông tin trên và cho biết đã nhận được nhiều chỉ thị tương tự trong nhóm thông báo của công ty. Một nhân viên khác cho biết cũng nhận được yêu cầu như vậy nhưng hoạt động sản xuất đã bắt đầu từ hơn hai tuần trước và các dây chuyền sản xuất vẫn hoạt động bình thường vào ngày 29-2.
Được biết mục tiêu của Hàng Châu là bằng mọi giá phải tăng mức tiêu thụ điện của doanh nghiệp trong ngày 29-2 bằng 75% mức ngày 8-1 và đạt ít nhất 90% vào ngày 10-3. Tỉ lệ trở lại làm việc trên thực tế tại một khu công nghiệp ở Hàng Châu vào cuối tuần trước là 40%, theo ước chừng của cán bộ cấp quận nói trên, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 75%. Cán bộ này cũng tiết lộ toàn bộ chi phí điện năng sẽ được chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ toàn bộ.
10 người được xác nhận đã thiệt mạng trong vụ sập khách sạn cách ly bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngày 7-3, Tân Hoa Xã cho hay. Đến tối 8-3, lực lượng cứu hộ đã đưa được 47 người ra ngoài, 23 người còn mắc kẹt bên trong.
Nhiều địa phương không dám mạo hiểm
Dù vậy, Chiết Giang không phải là nơi duy nhất phải chịu áp lực mở cửa lại các doanh nghiệp trong vùng. Tại Bạc Đầu, một thành phố công nghiệp nhỏ cách Bắc Kinh 230 km về phía Nam, một số nhà máy mà chính quyền địa phương tuyên bố đã hoạt động trở lại trên thực tế chỉ mở cửa trong tình trạng giống các cơ sở ở Chiết Giang.
Giám đốc một nhà máy ở đây chia sẻ với Caixin rằng chính quyền Bạc Đầu đã yêu cầu ông báo cáo sai số lượng nhân viên trở lại làm việc và thậm chí hướng dẫn công nhân cách nói dối nếu họ nhận được cuộc gọi từ thanh tra do các quan chức ở đây không dám mạo hiểm tính mạng của người dân.
“Việc ngừng sản xuất kéo dài đã dẫn đến việc mất nhiều nhân lực lành nghề và đơn đặt hàng vì một số công ty cùng ngành nghề tại các địa phương khác của TQ đã hoạt động trở lại trước chúng tôi” - ông này cho hay.
Trả lời phỏng vấn của Caixin, chính quyền Bạc Đầu cho biết ít nhất 228 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số công ty chỉ hoạt động cầm chừng vì chưa đủ nguyên liệu và nhân lực để hoạt động chính thức. Lãnh đạo ở đây cũng nói thêm mọi nhà máy đều được phép mở cửa sau khi báo cáo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để có thể thực sự bước vào sản xuất chính thức thì những nơi này phải được cơ quan chức năng xác nhận đủ điều kiện đảm bảo sức khỏe cho công nhân.
Một nguồn tin khác tại một doanh nghiệp ở Bạc Đầu nói với Caixin rằng các công ty đã được phép tiếp tục sản xuất sau khi đáp ứng các yêu cầu ngăn chặn virus nhưng vẫn gặp khó khăn trong vấn đề hậu cần vì nhiều tuyến đường vẫn bị phong tỏa. Nếu không có cách nào để vận chuyển nguyên liệu ra vào, các doanh nghiệp không thể khôi phục hoạt động sản xuất. Bản đồ trực tuyến Baidu cũng cho thấy mật độ giao thông tại Bạc Đầu cuối tuần qua vẫn chưa bằng một nửa mức trung bình của năm ngoái, sau hai tuần phục hồi dần tính từ ngày 18-2.
Chuẩn bị đóng cửa toàn bộ bệnh viện dã chiến Vũ Hán
Theo Hoàn Cầu Thời Báo ngày 8-3, chính quyền TP Vũ Hán dự kiến sẽ đóng cửa toàn bộ bệnh viện dã chiến ở đây do tình hình dịch diễn biến rất tích cực, số ca nhiễm giảm mạnh. Cùng ngày, Vũ Hán đã cho đóng cửa bệnh viện dã chiến lớn nhất ở quận Đông Tây Hồ sau khi toàn bộ 1.700 bệnh nhân được cho xuất viện.
Nhiều bình luận trên mạng xã hội phấn khởi cho biết động thái trên chứng tỏ cuộc chiến chống COVID-19 đang bước vào giai đoạn quyết định và TQ sẽ giành chiến thắng. Có cư dân mạng để lại lời nhắn: “Mau đóng cửa hết đi, mau gỡ bỏ lệnh phong tỏa đi, hết tiền đóng tiền nhà rồi”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/bao-trung-quoc-nhieu-nha-may-gia-vo-phuc-hoi-sau-dich-895071.html