Bão Vamco vào Hà Tĩnh - Quảng Bình
Chiều 15/11, bão Vamco đổ bộ vào khu vực nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình khiến hàng loạt cây xanh bật gốc, nhiều nhà dân và trường học tốc mái.
Vị trí tâm bão: 13h ngày 15/11, bão đổ bộ khu vực phía khu vực bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh.
Sức gió : Cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.
Hướng đi: Tây tây bắc với vận tốc 15 km/h. Bão đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
23:48 14/11
06:10 15/11
Sáng 15/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 6h, tâm bão số 13 nằm ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Bão đã giảm 4 cấp so với thời điểm mạnh nhất, hiện còn cấp 8-9, giật cấp 11.
Ảnh hưởng của bão số 13, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10.
Trên đất liền ven biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Khu vực Trung Trung Bộ đã có mưa to lớn với lượng phổ biến 100-150 mm.
Những giờ tới, bão đi theo hướng tây tây bắc, vận tốc 15 km/h và đi vào đất liền các tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Hình thái này sau đó sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Chiều 15/11, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực thượng Lào.
Dự báo đường đi của bão số 13 chuẩn bị đổ bộ đất liền. Ảnh: VNDMS.
06:18 15/11
Cơ quan khí tượng cảnh báo gió mạnh, sóng lớn xảy ra trên biển và nguy cơ nước dâng do bão vùng ven biển. Cụ thể, vùng hiển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao 4-5 m, biển động rất mạnh.
Phía bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10. Sóng biển cao 2-4 m. Ngập úng nguy cơ xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.
Trên đất liền từ phía nam Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13 cũng gây một đợt mưa lớn từ ngày 15/11 đến 16/11. Trong đợt này, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị hứng lượng mưa 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Vùng nguy hiểm do bão trên biển nằm từ vĩ tuyến 14 đến 19 độ vĩ bắc và phía tây kinh tuyến 109 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Biển Quảng Ngãi xuất hiện những cột sóng cao 4-6 m. Ảnh: Minh Hoàng.
06:36 15/11
Hôm nay, mực nước trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) sẽ lên, mực nước trên sông Hương tiếp tục lên, các sông Quảng Nam xuống chậm.
Đến trưa nay (15/11), mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 4,0 m, dưới BĐ3 0,5 m; sông Hương tại Kim Long lên mức 2,8 m, dưới BĐ3 0,7 m. Đến sáng sớm mai (16/11), mực nước tại Kim Long xuống mức 2,6 m, trên BĐ2 0,6 m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn lên mức BĐ1, còn các sông Quảng Nam dao động ở mức BĐ1 và trên BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện: Đắkrông, Hướng Hóa (Quảng Trị), A Lưới, Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà, Hương Thủy (Thừa Thiên- Huế) Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà (Đà Nẵng), Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành (Quảng Nam). Ảnh chụp cảnh sạt lở ở huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: Minh Hoàng)
06:58 15/11
Bão số 13 đang manh cấp 8, giật cấp 11, đang áp sát khu vực Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế. Trả lời phỏng vấn của VTV1, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lý giải nguyên nhân bão Vamco giảm cường độ nhanh vào sáng nay.
Theo ông Khiêm, cơn bão số 13 có cường độ rất mạnh khi ở trên Biển Đông. Tuy nhiên, từ chiều tối 14/11, khi vào vùng biển miền Trung, do tương tác với khối không khí lạnh và khô, đồng thời, do bề mặt nước biển thấp nên cường độ giảm rất nhanh, khoảng 5 đến 6 cấp. Đêm 14/11, theo số liệu quan trắc, khu vực Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Hiện, cơn bão số 13 đang nằm ngay trên vùng bờ biển, áp sát đất liền khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, xoáy bão đang trong bán kính khoảng 30-40 km. Theo nhận định của cơ quan dự báo, cường độ của cơn bão hiện nay khoảng cuối cấp 8.
Trong sáng nay, bão sẽ đi vào đất liền khu vực Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình với cường độ cấp 7-8, giật cấp 11. Với ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, trong ngày và đêm nay có thể gây ra mưa lớn diện rộng với lượng mưa khoảng 100-150 mm ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.
Ảnh: Bão liên tục giảm cấp trước khi đổ bộ đất liền. Ảnh: NCHMF.
07:08 15/11
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ảnh hưởng bão số 13, từ chiều hôm qua, nơi đây có gió cấp 9, cấp 10, giật mạnh cấp 11-12, sóng cao 4-6 m.
Để đảm bảo an toàn, ngành điện lực đã cúp điện toàn huyện đảo. Đến 21h ngày 14/11, một số khu vực nơi đây đã có điện trở lại. Sáng nay, địa phương vẫn khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà đề phòng hoàn lưu bão số 13 gây gió lớn trở lại.
"Gió giật mạnh nhiều giờ gây hư hỏng tàu thuyền và một số khu vực có nhà dân tốc mái. Chúng tôi đang rà soát, kiểm kê thiệt hại do bão số 13 gây ra", ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, nói.
Khu vực ven biển là nơi chịu nguy cơ ảnh hưởng lớn của bão. Ảnh: Minh Hoàng.
07:20 15/11
Gần 7h ngày 15/11, trao đổi với Zing, ông Phan Duy Vĩnh, Phó bí thư Thường trực thị ủy Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cho biết từ khoảng 2h sáng cùng ngày, trên địa bàn có gió giật cấp 7.
“Hiện mưa đang nhỏ hạt, mưa vừa. Địa phương chưa ghi nhận thiệt hại”, ông Vĩnh nói.
Cũng theo ông, đến 20h tối qua (14/11), thị xã Kỳ Anh – vùng phía nam Hà Tĩnh, đã hoàn thành việc di dời gần 1.000 hộ dân với số lượng khoảng 3.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Chính quyền thị xã cũng đã phân công các lực lượng đến nơi xung yếu để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Lực lượng công an, chính quyền ở Kỳ Anh giúp người dân di chuyển ngư lưới cụ lên bờ tránh thiệt hại. Ảnh: Nguyễn Dương.
07:23 15/11
Tại Quảng Ngãi, sáng nay, trời đã ngớt mưa và gió nhưng bầu trời vẫn âm u. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo những hộ dân vùng sạt lở núi, sạt lở ven sông, suối, vùng nguy cơ ảnh hưởng triều cường ven biển trong diện sơ tán chưa được về nhà.
Trao đổi với Zing sáng 15/11, ông Đinh Quang Ven, quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho hay nỗi lo lớn nhất hiện nay là hoàn lưu bão số 13 gây mưa lớn, tiếp tục làm sạt lở núi nghiêm trọng.
"Mưa lớn kéo dài làm xuất hiện hàng chục điểm sạt lở núi nghiêm trọng ở các xã Sơn Long, Sơn Bua, Sơn Màu, Sơn Tinh, Sơn Liên (huyện Sơn Tây) gây xáo trộn lớn cuộc sống người dân. Hiện, hơn 3.000 người dân vùng nguy hiểm sạt lở núi phải đi sơ tán vẫn chưa thể trở về nhà. Hơn 60.000 m3 đất đá, bùn nhão sạt lở, vùi lấp, gây tê liệt tuyến đường Trường Sơn Đông nối các tỉnh Tây Nguyên, đoạn qua thôn RaPân, xã Sơn Long vẫn chưa thể khắc phục được", ông Ven thông tin.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 13, hôm nay, Quảng Ngãi xuất hiện đợt mưa lớn trên diện rộng từ 50 đến 120 mm, có nơi trên 150 mm. Các địa phương cần đề phòng lũ lên nhanh trên các sông, đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi, sạt lở vùng cửa sông, cửa biển. Cảnh báo cấp độ rủi ro trong thiên tai do bão ở cấp 3.
Lở núi có thể gây sập nhà và uy hiếp tính mạng nhiều người dân ở huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Hoàng.
08:03 15/11
Sáng nay, khu vực Đà Nẵng đã tạnh mưa. Đêm qua, do mưa kéo dài, một số tuyến đường tại Đà Nẵng như đường Như Nguyệt (quận Hải Châu) bị ngập. Hiện, nước đã rút và làm lộ ra hàng chục mét vỉa hè của con đường này bị bong tróc, hư hỏng.
Trong đêm qua, bão Vàm Cỏ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, về phía khu vực Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Do đó, khu vực Đà Nẵng không còn chịu nhiều ảnh hưởng của bão.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, tính đến 19h ngày 14/11, Đà Nẵng đã sơ tán gần 99.500 người để bảo đảm an toàn trước bão.
Để đảm bảo an toàn, ngày 14/11, Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết các cầu Thuận Phước, Trần Thị Lý, cầu Sông Hàn, tầng 3 cầu vượt ngã ba Huế đã được các lực lượng dựng rào chắn để ngăn người dân đi lại. Đồng thời, sở cũng theo dõi hệ thống bơm nước hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ, nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn để không xảy ra tình trạng ngập úng.
Vỉa hè tại đường Như Nguyệt (quận Hải Châu) bị bong tróc. Ảnh: Đoàn Nguyên.
08:17 15/11
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, lúc 7h ngày 15/11, vị trí tâm bão Vamco nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.
Sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.
Tại rốn lũ Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nhiều ngày qua, người dân ở khu vực có nguy cơ ngập lụt đã di tản đến nơi an toàn. Nhiều người tỏ ra mệt mỏi khi việc khắc phục hậu quả trận lụt mới đây chưa xong, nay họ phải tiếp tục chạy bão.
“Mưa lũ đã trôi hết không còn thứ gì, nhà cửa còn chưa kịp dọn xong thì nay bão lại vào. Chỉ mong bão sớm tan để trở về dựng lại chỗ ở, bà con đã không còn gì để mất nữa rồi”, bà Đỗ Thị Mỹ (51 tuổi, ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) nói.
Ảnh: Người dân Quảng Bình lo sợ bão Vamco tiếp tục gây thiệt hại. (Ảnh: Việt Linh)
08:20 15/11
Theo cập nhật mới nhất lúc 8h15 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngay lúc này, tâm bão đang nằm trên đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Vị trí tâm bão ở tọa độ 17,1 độ vĩ bắc, 107,4 độ kinh đông. Sức gió duy trì cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Tâm bão hiện đang trên vùng ven bờ biển Quảng Bình - Quảng Trị, cách Quảng Bình - Quảng Trị khoảng 25 km. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 15-20 km/h và khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay khi đi vào đất liền.
Dự báo tâm bão sẽ đi vào đất liền Quảng Bình - Quảng Trị trong khoảng 9-12h hôm nay với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7-8 giật cấp 9-10.
Vị trí tâm bão thời điểm 8h sáng nay. Ảnh: NCHMF.
08:25 15/11
Theo Báo Thừa Thiên Huế, rạng sáng 15/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh này gió đã lặng. Tại TP Huế, các lực lượng chức năng bắt đầu đi kiểm tra thiệt hại, tạm thời khắc phục những hậu quả mà bão gây ra.
Huế không có thiệt hại đáng kể. Một số tuyến đường trung tâm, chỉ một số ít cây xanh gãy đổ, bật gốc. Một số tuyến đường bị cây xanh gãy đổ chắn ngang nên việc lưu thông qua lại gặp khó khăn.
Nhiều biển, bảng quảng cáo bị gió cuốn phăng xuống dưới mặt đường… Xe máy của người dân cũng bị gió quật đổ. Tuy nhiên, do người dân đã chủ động đề phòng, nên không có thiệt hại lớn về tài sản.
“Bão vào ban đêm. Nhưng rất may sáng ra vẫn thấy mọi thứ yên ổn. Hy vọng sẽ không có thiệt hại gì nặng nề”, một người dân dọn dẹp bão trên đường Hùng Vương sáng 15/11 nói.
Còn tại Thuận An, huyện Phú Vang, bão khiến một số nhà dân và trường học bị tốc mái, có tàu đã chìm dưới mặt nước.
Cây cối bật gốc và nhiều xe cộ ngã đổ tại Huế. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.
08:26 15/11
8h ngày 15/11, vùng biển huyện Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị) có sóng lớn, gió giật cấp 8-9. Nhiều nơi ở địa bàn này đã mất điện. Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, công tác ứng phó với bão đã được triển khai.
Còn tại huyện đảo Cồn Cỏ, mọi liên lạc hiện bị cắt đứt do mưa bão. Trước đó, gần 200 người dân và lực lượng vũ trang được di chuyển xuống hầm tránh bão số 13.
08:37 15/11
8h sáng, tại TP Huế, mưa vẫn nặng hạt nhưng gió đã giảm so với đêm qua.
Dù đường phố vẫn thưa vắng, người dân đã bắt đầu di chuyển trở lại sau khi thực hiện khuyến cáo của UBND TP về việc không ra ngoài sau 12h trưa 14/11.
Đêm qua là khoảng thời gian Huế hứng chịu gió mạnh và mưa lớn nhất do hoàn lưu bão gây ra. Sức gió mạnh nhất có lúc lên đến cấp 7-8 đã quật đổ nhiều cây xanh, làm bung nóc mái tôn.
Cây cối gãy đổ và mái tôn bị gió thổi văng xuống đường tại TP Huế. Ảnh: Mỹ Hà.
08:55 15/11
Tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) xuất hiện mưa lớn, gió giật mạnh từ sáng nay. Đường phố vắng người qua lại, chỉ có một số xe tải và xe khách di chuyển trên đường. Một số người dân vẫn bất chấp mưa lớn và gió buôn bán ở chợ cóc và một số cửa hàng kinh doanh.
Nước sông Nhật Lệ dâng nhanh, một số khu vực nhà dân, bờ kè, nước đã ngấp nghé tràn vào nhà. Ảnh: Việt Linh.
08:58 15/11
Nhiều nhà dân, trường học, bệnh viện ở Thừa Thiên - Huế hư hại sau 4 giờ chịu ảnh hưởng của bão số 13.
Theo chính quyền xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), bão số 13 khiến Trường Tiểu học số 1 Phú Thuận bị tốc mái do gió mạnh. Bệnh viện Quân y 268 (Huế) cũng bị tốc mái một phần do ảnh hưởng của bão. Nhiều nhà dân chịu ảnh hưởng tương tự. Chính quyền đang thống kê thiệt hại sau bão.
Trường Tiểu học số 1 Phú Thuận và Bệnh viện Quân y 268 bị tốc mái do ảnh hưởng của bão. Ảnh: Điền Quang.
09:04 15/11
Do ảnh hưởng của bão số 13, nhiều kè biển tại Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng như kè biển Mân Thái (quận Sơn Trà), kè biển Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà)...
Ông Nguyễn Văn Đạt, trú phường Mân Thái (quận Sơn Trà), cho biết bão số 13 khiến sóng biển cao 4-5 m đập vào bờ kè, gây sạt lở. Theo người dân, từ khi bão số 9, đoạn kè Mân Thái đã hư hỏng khoảng 70 m. "Đến bão số 13, có thêm khoảng 60 m bờ kè bị sạt lở thêm", ông tự đánh giá.
Kè biển nhiều khu vực tại Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Đoàn Nguyên.
09:17 15/11
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão lúc 9h chỉ còn cách Quảng Bình - Quảng Trị 15 km. Hiện, tâm bão ở tọa độ khoảng 17,2 độ vĩ bắc, 107,2 độ kinh đông. Sức gió duy trì cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Bão vẫn di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 15-20 km/h và tiếp tục suy yếu khi càng tiến sát đất liền. Dự báo tâm bão sẽ đi vào đất liền Quảng Bình - Quảng Trị trong khoảng 10-12h hôm nay.
Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao 4-5 m, biển động rất mạnh. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.
Ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-1,0 m. Nguy cơ ngập úng xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.
Trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.
Từ 15/11 đến 16/11, từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80 mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở cấp 3.
Vị trí tâm bão lúc 9h sáng nay. Ảnh: NCHMF.
09:26 15/11
Sáng 15/11, dù mưa to, gió lón, nhiều tiểu thương ở chợ Đồng Hới (TP Đồng Hới) vẫn mặc áo mưa bán hàng trong ngày bão đổ bộ.
Khoảng 9h20, bà Hòa, tiểu thương bán hoa quả ở chợ Đồng Hới, cho biết nghe tin bão 10h sẽ đổ bộ nên bà chuẩn bị dọn hàng ra về. Nhiều tiểu thương khác cũng rục rịch dọn hàng khi biết bão sắp đổ bộ.
Dù một số tiểu thương vẫn cố gắng kinh doanh, hầu hết hoạt động buôn bán ở chợ đều tạm dừng hoạt động, ít khách mua sắm.
Tiểu thương tại chợ Đồng Hới vẫn mua bán trước giờ bão đổ bộ. Ảnh: Việt Linh.
09:27 15/11
09:46 15/11
Tại Huế, nhiều nhà dân bị tốc mái do ảnh hưởng của bão.
Nhà bà Nguyễn Thị Hạnh (82 tuổi), ngụ phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, TP Huế, bị tốc mái toàn bộ phần phía trước và công trình phụ phía sau. Nhà chỉ có 2 ông bà, con cái đi làm ăn xa. "Gió to quá, hai người già không ngủ được, thức trắng cả đêm", bà Hạnh nói.
Căn nhà của gia đình bà Hạnh tan hoang sau bão. Ảnh: Mỹ Hà.
10:04 15/11
Từ 9h30, Đà Nẵng tạnh mưa. Trên các tuyến đường ven biển như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa ngổn ngang rác, cây cối gãy đổ. Lực lượng chức năng đang huy động hàng chục công nhân dọn dẹp vệ sinh cho thành phố.
Đường phố Đà Nẵng ngổn ngang do ảnh hưởng của bão. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Tại Huế, các đơn vị cũng đang tiến hành khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão.
Nhân viên công ty cây xanh và môi trường ở Huế đang nhanh chóng cắt tỉa cây xanh và dọn dẹp các cành cây đã gãy đổ do ảnh hưởng của bão.
Bà Trần Thị Mai, một nhân viên vệ sinh, cho biết bình thường bà chỉ làm ca chiều nhưng do lượng cây cối gãy đổ nhiều, nhiều tuyến đường cần dọn dẹp nên nhân viên vệ sinh được huy động tối đa để đảm bảo tiến độ công việc.
Công nhân dọn dẹp đường phố sau bão. Ảnh: Mỹ Hà.
10:11 15/11
Vị trí tâm bão lúc 10h ở sát vùng ven bờ biển Quảng Bình. Hiện, tâm bão ở tọa độ 13,7 độ vĩ bắc, 107 độ kinh đông. Bão vẫn di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 15-20 km/h và khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay khi đi vào đất liền.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tâm bão sẽ ở sát dọc ven biển Quảng Bình, sau đó đổ bộ vào Quảng Bình vào khoảng 11-13h hôm nay. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 giật cấp 9-10.
Vị trí tâm bão lúc 10h. Ảnh: NCHMF.
10:42 15/11
Theo báo cáo của các địa phương, 5 người bị thương do chằng chống nhà cửa chống bão Vamco (Quảng Trị 2, Quảng Nam 3).
Tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã di dời gần 94.000 hộ dân với hơn 324.000 người đến nơi an toàn.
TP Đồng Hới, Quảng Bình vắng vẻ trước giờ bão đổ bộ. Ảnh: Việt Linh.
11:08 15/11
Sáng nay, bão số 13 đi qua đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, gây ra mưa to và gió mạnh. Mưa bão khiến khu vực này bị cắt đứt liên lạc. Video: Văn Phương
11:21 15/11
Theo bản tin lúc 11h của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tâm bão vẫn đang ở sát vùng ven bờ biển Quảng Bình, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 15-20 km/h. Vị trí tâm bão hiện khoảng 17,4 độ vĩ bắc, 106,9 độ kinh đông.
Dự báo, tâm bão sẽ đổ bộ vào phía bắc của tỉnh Quảng Bình và phía nam của tỉnh Hà Tĩnh vào khoảng 13-14h hôm nay. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Bão có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay khi đi vào đất liền.
Tiểu thương chợ Đồng Hới (Quảng Bình) thu dọn trước giờ bão đổ bộ. Ảnh: Việt Linh.
12:08 15/11
Bão số 13 làm hỏng nhiều ngôi nhà, đường sá ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế.
Tuyến đường đang thi công ven đầm Lập An cũng bị hư hại nghiêm trọng do sóng nước dâng cao. “Chúng tôi đang đi kiểm tra thực tế thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà dân nhưng chưa có con số cụ thể”, ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, nói.
12:13 15/11
Hiện, tâm bão Vàm Cỏ đang ở sát vùng ven bờ biển Quảng Bình, ngang với TP Đồng Hới. Sức gió duy trì cấp 9, giật cấp 11-12.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo mưa gió ở Quảng Trị - Huế sẽ giảm nhanh. Tại Quảng Bình, gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10, sẽ còn duy trì trong 2-3h giờ tới. Sau đó, mưa gió cũng sẽ giảm nhanh.
Trong khi đó, gió mạnh sẽ dịch lên Hà Tĩnh và nam Nghệ An, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, trong chiều nay. Riêng vùng ven biển Hà Tĩnh, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.
Dự báo tâm bão sẽ ở dọc ven biển Quảng Bình, sau đó đổ bộ vào phía bắc Quảng Bình và nam Hà Tĩnh trong khoảng 13-15h hôm nay. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.
Vị trí tâm bão lúc 12h tại Quảng Bình. Ảnh: NCHMF.
12:39 15/11
Theo ghi nhận, trưa 15/11, nhiều khu vực tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xảy ra mưa lớn kèm gió giật mạnh.
Trao đổi với Zing, ông Phan Duy Vĩnh, Phó bí thư Thường trực thị ủy Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cho biết thời tiết thay đổi so với thời điểm tối và sáng nay.
“Tuy nhiên, địa phương chưa ghi nhận thiệt hại lớn. Các lực lượng chức năng vẫn đang ứng trực ở các nơi xung yếu để xử lý tình huống xấu xảy ra”, ông Vĩnh nói.
Theo Trạm Khí tượng hải văn môi trường Hoành Sơn (Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh), hơn 11h cùng ngày, sức gió đo được tại thị xã Kỳ Anh là cấp 8, giật cấp 9, tăng 2 cấp so với thời điểm sáng sớm. Lượng mưa đo được cao nhất tại phường Kỳ Thịnh là 147,8 mm.
Công tác xả tràn tại các hồ chứa vẫn đang được tiếp tục. Cụ thể, hồ chứa Kim Sơn đang xả với lưu lượng 5 m3/giây; hồ thượng nguồn Sông Trí xả tràn lưu lượng từ 30 m3/giây đến 200 m3/giây; hồ Tàu Voi với lưu lượng từ 5 m3/giây đến 20 m3/giây. Các hồ chứa còn lại hiện đã đầy và đang chảy tự do qua tràn.
13:06 15/11
Đến trưa 15/11, nhiều địa phương thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế như thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền, huyện Phong Điền vẫn còn ngập sâu trong nước. Tình trạng ngập lũ kéo dài khiến đời sống, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.
“Hơn tháng nay, mưa bão liên tục khiến nhà tôi bị ngập sâu trong nước, ảnh hưởng nhiều đến công việc của tôi. Muốn đi đâu cũng phải lội bộ hoặc đi thuyền vì xe máy không qua được những điểm ngập nước”, anh Nguyễn Thành (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà) chia sẻ.
Nhiều khu vực tại xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà bị ngập nước. Ảnh: Điền Quang.
13:12 15/11
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 13h hôm nay, tâm bão số 13 đã chính thức đổ bộ lên khu vực phía bắc Quảng Bình, tâm bão nằm một nửa trên đất liền và một nửa trên biển. Gió suy yếu xuống còn cấp 8, giật cấp 10-11.
Hiện, tâm bão đang ở tọa độ 17,7 độ vĩ bắc, 106,5 độ kinh đông, trên vùng ven bờ Quảng Bình, phía bắc TP Đồng Hới. Hướng di chuyển Tây Tây Bắc với vận tốc 15-20 km/h và khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong 1-2h tới.
Dự báo tâm bão sẽ đi sâu vào đất liền Quảng Bình - Hà Tĩnh rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng thấp trên khu vực biên giới Việt - Lào.
Dự báo mưa gió ở Quảng Trị - Huế sẽ giảm nhanh, tại Quảng Bình gió mạnh cấp 6-8 giật cấp 9-10 sẽ còn duy trì trong 1-2h giờ tới (tập trung ở phía bắc của tỉnh), sau đó mưa gió cũng sẽ giảm nhanh. Trong khi đó, gió mạnh sẽ dịch lên Hà Tĩnh và nam Nghệ An, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, trong chiều nay. Riêng vùng ven biển Hà Tĩnh, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8 giật cấp 9-10.
Vị trí tâm bão lúc 13h. Ảnh: NCHMF.
13:29 15/11
Theo Công ty Điện lực Quảng Trị, do ảnh hưởng của bão số 13, hiện Quảng Trị có 55 xã, phường, thị trấn ở các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông và một phần của thành phố Đông Hà đã xảy ra các sự cố gián đoạn cung cấp điện. Như vậy, hơn 40% địa phương tại Quảng Trị đang bị mất điện do ảnh hưởng của bão số 13 (55/136 xã, phường, thị trấn mất điện).
Toàn tỉnh đã có 16 sự cố gây mất điện, đến nay còn 13 sự cố chưa thể khôi phục. Có 55 xã, thị trấn với 636 trạm biến áp chưa khôi phục được.
Đặc biệt là có 2 vị trí cột đường dây 22 KV đoạn Quảng Xá, Vĩnh Linh bị đổ nghiêng; hai vị trí cột 22 Kv đoạn Thành Cổ rẽ Đại An Khê (Hải Lăng) bị gãy do cây đổ vào. Hiện nay, ngành điện Quảng Trị đang nỗ lực để kịp thời khắc phục đảm bảo khôi phục điện trở lại cho người dân.
Nhiều nhà dân tại Quảng Trị bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của bão. Ảnh: V.P.
13:30 15/11
Bão số 13 gây sóng to kết hợp với triều cường đã làm sạt lở khoảng 250 m đoạn bờ kè đang thi công tuyến bờ biển xã Giang Hải (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã chỉ đạo địa phương và đơn vị thi công huy động các lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác gia cố đê kè nhằm giảm thiểu sạt lở bờ biển. Những đợt bão lũ liên tiếp vừa qua gây sạt lở hơn 10 km bờ biển tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Khu vực sạt lở tập trung ở bờ biển tại các xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) sạt lở hơn 4 km, xói sâu đến khu vực dân cư.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đi thị sát bờ kè bị sạt lở tại xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc. Ảnh: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
14:08 15/11
Lúc 13h40, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát đi thông báo cho biết 13h trưa nay, vùng tâm bão số 13 đã đi vào đất liền khu vực thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo người dân cần hết sức thận trọng, chưa nên ra khỏi nhà thời điểm này bởi sau một lúc lặng gió, hoàn lưu sau cơn bão vẫn sẽ gây gió mạnh cho các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Trên các vùng biển, người dân vẫn cần lưu ý sóng lớn.
14:27 15/11
Trao đổi với Zing, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết bão số 13 đổ bộ không gây nhiều thiệt hại. "Địa phương đang mưa nhỏ, gió đã ngừng rít. Huyện chưa ghi nhận thiệt hại về người và các công trình giao thông. Chỉ một đường điện gặp sự cố nhưng đang được khắc phục", ông Tình nói.
Còn ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, cho biết nước sông Kiến Giang đang lên chậm, còn cách mặt đường vài chục cm.
Tại TP Đồng Hới, một số khu vực bị mất điện. Dọc đường Lý Thường Kiệt, nhiều tấm tôn bị thổi bay ra đường. Còn tại bãi biển Bảo Ninh (TP Đồng Hới), sau khi bão tan, nhiều người ra xem sóng biển. Khu vực này gió nhẹ, đã ngớt mưa.
Hình ảnh TP Đồng Hới sau khi cơn bão số 13 đi qua. Ảnh: Phạm Trường, Việt Linh.
14:38 15/11
Theo người dân địa phương, bão số 13 gây sóng cao gần 6 m nên bờ biển Cửa Đại, TP Hội An, sạt lở nghiêm trọng.
Hàng chục nhà hàng, quán nhậu của người dân ven biển Hội An bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Thành, chủ một nhà hàng, cho biết hôm qua bão vào, gió giật mạnh nên nhà hàng của ông bị tốc mái, hư hỏng.
Ảnh: Đoàn Nguyên.
14:41 15/11
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết sau khi đổ bộ vào khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình, bão Vamco suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 19h ngày 15/11, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Chiều và tối nay, vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11; sóng biển cao 3-5 m, biển động mạnh.
Vùng biển bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4 m; biển động mạnh. Còn trên đất liền từ phía nam Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11.
Từ chiều nay (15/11) đến sáng mai (16/11), từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm; khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 40-80 mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3. Ảnh: Việt Linh.
14:42 15/11
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo khi đổ bộ vào đất liền, bão số 13 có xu hướng giảm cấp nhưng Hà Tĩnh tuyệt đối không được chủ quan và phải tăng cường cảnh giác hơn nữa bởi hoàn lưu bão gây mưa lớn, nước sông lên nhanh gây ra các nguy cơ cao như ngập lụt, lũ ống, sạt lở đất.
Bộ trưởng cũng yêu cầu sau đợt mưa bão, Hà Tĩnh cần rà soát kết cấu hạ tầng các khu dân cư vùng thấp trũng, nhất là 3 địa phương bị ngập sâu sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua là Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà để có nhóm giải pháp ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay; kiểm tra lại lưu vực sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố trước sự biến đổi khí hậu.
Với hồ Kẻ Gỗ, Bộ trưởng cho biết sẽ cử đoàn cán bộ khoa học, thủy lợi vào cùng tỉnh đánh giá lại toàn bộ công năng, sức chứa, yếu tố thượng nguồn để đưa ra một quy trình vận hành phù hợp trong tình hình mới.
Đoàn công tác của Bộ trưởng kiểm tra quy trình vận hành hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: H.D.
14:52 15/11
Mưa lớn kéo dài khi bão đổ bộ khiến đoạn quốc lộ 1 qua tổ dân phố Hưng Thịnh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ngập sâu khoảng 60 cm, gây chia cắt giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông phải đặt biển cảnh báo và điều tiết các phương tiện di chuyển qua hướng đường tránh 1B để đảm bảo lưu thông.
Ảnh: H.D.
15:02 15/11
Theo thống kê ban đầu, bão số 13 khiến hơn 1.200 ngôi nhà ở Thừa Thiên - Huế bị tốc mái, nhiều trường học bị hư hại, tốc mái. Hiện, hàng nghìn nhà dân ở các địa phương thấp trũng ngập sâu trong nước.
Bão số 13 khiến tàu cá đang neo đậu ở thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) bị sóng đánh đứt dây buộc, đè sập nhà bà Lê Thị Xuyên. Ngoài ra, 14 tàu thuyền khác bị sóng đánh chìm, mắc cạn ở huyện Phú Vang và Phú Lộc.
Nước biển dâng tràn vào nhà dân khoảng 0,2 m tại khu vực xã Lộc Vĩnh và xã Giang Hải, huyện Phú Lộc; xã Hải Dương, thị xã Hương Trà. 92/145 phường, xã ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị mất điện sau bão. Quốc lộ 49B có nhiều điểm bị ngập sâu từ 0,2-0,7 m.
Quốc lộ 49A bị sạt lở taluy dương đoạn xã Hồng Hạ, Hương nguyên (huyện A Lưới) bị sạt lở một số điểm. Riêng huyện Nam Đông có 6 cầu, cống bị xói lở, 20 điểm tuyến giao thông bị sạt lở.
Triều cường, sóng lớn, nước dâng do ảnh hưởng của bão đã làm cho bờ biển Thừa Thiên - Huế tiếp tục bị xói lở nặng hơn 14 km, tập trung ở xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), xã Phú Thuận (huyện Phú Vang).
Nhiều khu vực tại Huế ngập sâu do ảnh hưởng của bão. Ảnh: Đoàn Nguyên.
16:00 15/11
Tại Hội An, thời tiết đã tạnh nhưng dọc tuyến ven biển vẫn gió to, sóng cao từ 2-4 m. Sóng biển xâm thực khiến nhiều km bờ biển bị sạt lở. Nhiều người tranh thủ lúc trời tạnh ra ngắm sóng biển. Còn chủ các nhà hàng, khách sạn thì thẫn thờ vì quán sá, nhà hàng bị hư hỏng. Ảnh: Đoàn Nguyên.
16:23 15/11
Chiều 15/11, trong khu phố cổ Hội An, nước đã rút. Người dân nơi đây bắt đầu dọn dẹp vệ sinh và buôn bán trở lại. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-vamco-vao-ha-tinh-quang-binh-post1153193.html