Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh
Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An là nơi thu thập, lưu giữ các hiện vật, tư liệu, tàn tích,... qua các thời kỳ lịch sử, phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn những giá trị văn hóa. Bảo tàng - Thư viện tỉnh hiện lưu giữ, trưng bày 2 bảo vật quốc gia là bộ sưu tập hiện vật vàng và tượng thần Visnu bằng đá thuộc nền văn hóa Óc Eo.
Bảo tàng - Thư viện tỉnh hiện trưng bày những hiện vật qua các thời kỳ từ cổ đại cho đến tác phẩm nghệ thuật đương đại. Đến tham quan, chúng tôi được tìm hiểu về những nền văn hóa khác nhau, trong đó, ấn tượng nhất là bộ sưu tập hiện vật vàng. Đây là bộ sưu tập thuộc thế kỷ thứ IX sau Công nguyên, được phát hiện vào năm 1987 trong đợt khai quật di chỉ Gò Xoài, ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa.
Bộ sưu tập hiện vật vàng có 26 hiện vật, gồm: 8 lá vàng chạm hình voi, 1 lá vàng hình rùa, 1 lá vàng chạm hình người (phụ nữ đứng lệch hông), 3 lá vàng hình hoa sen, 6 lá vàng trơn, 4 nhẫn nạm hạt, 1 trang sức hình lá đề, 1 lá vàng hình rắn và 1 lá vàng khắc minh văn chữ Phạn. Những hiện vật này phần nào cho chúng ta biết thêm về cuộc sống con người thời kỳ văn hóa Óc Eo.
Một bảo vật quốc gia nữa được trưng bày tại Bảo tàng là tượng thần Visnu. Bảo vật này được xác định có từ thế kỷ thứ VII-VIII sau Công nguyên, phát hiện vào năm 1987 tại di tích Gò Trâm Quỳ, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa.
Tượng thần Visnu là 1 trong 3 vị thần chính của Ấn Độ giáo (Shiva, Visnu, Brahma). Tượng được tạo hình cân đối, hài hòa, có tư thế đứng thẳng trên bệ (cao 0,355m tính cả bệ), tạo hình đặc trưng của một vị thần đại diện cho sự bảo tồn. Tượng thuộc loại tượng tròn, được tạc từ đá sa thạch mịn màu xám, mặt vuông, môi dày, thùy tai dài, đội mũ ống vuông, mình trần, mặc quần ngắn đến gối, còn khá nguyên vẹn chỉ bị vỡ mất phần sống mũi và phần chốt nhọn phía dưới.
Tượng có 4 tay: 2 tay trước buông xuống ngang hông, bàn tay phải để ngửa cầm một vật hình cầu, mu bàn tay đặt trên đầu gậy hình trụ chống trên bệ; bàn tay trái tựa trên đầu cây gậy khác cũng chống trên bệ. Hai tay sau đưa cao ngang mặt, 2 ngón tay cái và tay trỏ bên phải cầm con ốc, bên trái cầm vật hình bánh xe, đưa thẳng lên cao ngang đầu, 3 ngón còn lại co vào lồng bàn tay. Tại đây, tượng được bảo quản, lưu giữ theo chế độ đặc biệt, phục vụ khách tham quan, giới nghiên cứu khoa học.
Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Thị Sáu cho biết: “Việc bảo tồn bảo vật quốc gia là nhiệm vụ quan trọng nhằm truyền lại những giá trị di sản văn hóa quý báu cho thế hệ mai sau, góp phần nghiên cứu, tái hiện lịch sử, văn hóa của cư dân Óc Eo trên đất Long An…”.
Bảo vật quốc gia là di sản văn hóa quý hiếm cần được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng địa phương và cả nước. Điều này giúp bảo đảm rằng di sản văn hóa không bị mất đi và có thể được truyền lại cho thế hệ tương lai./.
Theo Điều 41, Luật Di sản Văn hóa năm 2013 quy định Bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí: Là hiện vật gốc độc bản; là hiện vật có hình thức độc đáo; là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
Thảo Mi
-----------------------------------------
Tài liệu tham khảo: Sách Khảo cổ học Long An những thế kỷ đầu công nguyên (Sở Văn hóa Thông tin Long An - Bảo tàng Long An)
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bao-vat-quoc-gia-tai-bao-tang-thu-vien-tinh-a160325.html