Bảo vật Quốc gia thời đại Hùng Vương trên Đất Tổ

Hội tụ dấu ấn lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu và có giá trị đặc biệt của đất nước, những bảo vật Quốc gia (BVQG) gắn với thời đại Hùng Vương được lưu giữ đã và đang phát huy giá trị nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc; đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan của đông đảo Nhân dân và du khách khi về với Đất Tổ.

Bảo vật Quốc gia tượng Mẫu Âu Cơ được lưu giữ, phụng thờ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.

Bảo vật Quốc gia tượng Mẫu Âu Cơ được lưu giữ, phụng thờ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.

Tỉnh Phú Thọ hiện đang lưu giữ 4 BVQG gắn với thời đại Hùng Vương gồm: Tượng Mẫu Âu Cơ, Trống đồng Đền Hùng, Bộ khóa lưng bằng đồng và Sưu tập Nha Chương. Những bảo vật trên là các di sản vô cùng quý hiếm trên đất nước Việt Nam.

Được ví như hồn cốt của văn hóa lịch sử cả nghìn năm, khi nhắc đến bảo vật gắn với thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ không thể không nhắc tới báu vật đặc biệt đó là Sưu tập Nha Chương. Trong lịch sử, Nha Chương là biểu trưng cho quyền lực của vị thủ lĩnh, được làm bằng đá ngọc, sử dụng các kỹ thuật chế tác như: Ghè, đẽo, khoan, cưa, tạo các rãnh nhỏ đối xứng nhau, tạo các lỗ thủng xuyên tâm rất tinh xảo; bên cạnh đó là kỹ thuật mài nhẵn, đánh bóng, mài vát hình chữ V, hình đuôi cá, đạt trình độ thẩm mỹ cao. Việc lựa chọn chất liệu đá ngọc và sử dụng kỹ thuật chế tác đá tương thích, đã làm nên nét độc đáo của Nha chương. Đến nay, Sưu tập Nha Chương duy nhất chỉ được phát hiện tại Phú Thọ - Kinh đô đầu tiên của Nhà nước Văn Lang.

Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Ngàn - Phó Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: “Bảo vật Sưu tập Nha Chương tại Bảo tàng là hiện vật gốc độc bản, có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc. Đặc biệt, những năm gần ađây, giá trị BVQG ngày càng được khẳng định khi nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, công chúng, những người yêu mến cổ vật và du khách đến với Đất Tổ”.

Bảo vật Quốc gia Trống đồng Đền Hùng được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Bảo vật Quốc gia Trống đồng Đền Hùng được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Trống đồng Đền Hùng được tìm thấy năm 1990 tại đồi Phân Ngùi, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Với kỹ thuật đúc đồng, trang trí đỉnh cao, những hoa văn tinh xảo, khá phong phú và cách điệu cao trên trống đồng đã phản ánh được tư duy và cuộc sống của con người thời đại Hùng Vương.

Trống có đường kính mặt 93cm, đường kính đáy 94cm, cao 66cm, trọng lượng 90kg, làm bằng chất liệu đồng thau, thuộc loại Hêgơ I, nhóm C. Đây là trống Đông Sơn có kích thước lớn nhất trong tổng số trống Đông Sơn đã biết ở Việt Nam và Đông Nam Á. Mặt trống được đúc dày, chính giữa là đĩa mặt trời, viền quanh đĩa mặt trời là 3 đường chỉ nối tạo thành 3 đường tròn đồng tâm, tạo ra 2 ô khoảng không ngăn cách với 9 vòng hoa văn trang trí.

Thân trống được chia làm 3 phần, gồm: Tang trống tiếp giáp với mặt trống phình ra có đường kính 1m, cao 18,5cm, được trang trí bằng hình những hoa văn cách điệu nằm trong một vành hoa văn gồm 5 vành nhỏ theo thứ tự từ trên xuống. Lưng trống cao 27cm, đường kính 80cm, có 8 khung hình chữ nhật là những hình hóa trang cách điệu xen kẽ với các vành thẳng đứng. Chân đế phình hơn phần thắt, đường kính 98cm, phần tiếp giáp với phần thắt là 2cm, không có trang trí, rồi đến các vành tròn đồng tâm.

Bảo vật Quốc gia bộ khóa đai lưng bằng đồng.

Bảo vật Quốc gia bộ khóa đai lưng bằng đồng.

Được khai quật vào năm 1976 tại Di chỉ khảo cổ học Làng Cả, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, BVQG Bộ khóa đai lưng bằng đồng là hiện vật độc bản đầu tiên và duy nhất đến nay được tìm thấy tại Phú Thọ. Bộ khóa đai lưng dài 21cm, rộng 5,5cm, nặng 380gr được làm từ chất liệu đồng thau, gồm có tám con rùa móc lại với nhau.

Theo nghiên cứu của các nhà lịch sử, khoa học, người đeo bộ khóa đai lưng bằng đồng này là các thủ lĩnh. Cùng với giá trị chứng minh lịch sử, bộ khóa đai lưng bằng đồng còn thể hiện trình độ luyện kim đồng thau tinh xảo, tư duy thẩm mỹ cao của tổ tiên chúng ta thời Hùng Vương. Đặc biệt, nghệ thuật trang trí rất tinh tế và có tính biểu tượng cao với việc tạo hình mặt ngoài của mỗi bộ phận trong đai lưng là hình bốn con rùa xen lẫn với các hoa văn xoắn ốc hình chữ S. Hình rùa chạm trên mặt đai lưng cũng đã được cách điệu độc đáo.

Bảo vật Quốc gia Sưu tập Nha Chương (hiện vật thật) được trưng bày, bảo quản và thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan, các nhà nghiên cứu nước ngoài.

Bảo vật Quốc gia Sưu tập Nha Chương (hiện vật thật) được trưng bày, bảo quản và thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan, các nhà nghiên cứu nước ngoài.

Mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị mỹ thuật đặc sắc qua mỗi thời kỳ lịch sử, BVQG không chỉ khẳng định sự giàu có về văn hóa mà còn hội tụ những tinh hoa trí tuệ. Được công nhận là BVQG năm 2020, Tượng Mẫu Âu Cơ hiện được thờ trong hậu cung tòa chính điện Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Tượng Mẫu là hiện vật gốc, độc bản, họa tiết hoa văn đầy đủ, sắc nét chứa đựng nhiều yếu tố mỹ thuật cung đình của triều nhà Nguyễn. Tượng được tạc trên chất liệu gỗ mít, sơn son thếp vàng, có chiều cao tổng thể 149cm, chiều dày nhất 39cm, chiều rộng nhất 44cm. Tượng ngồi trên bệ kỳ lân, hai tay đặt trên gối với các ngón tay trong thế kết ấn được đặt trong lòng ngai.

Tượng Mẫu Âu Cơ mang phong thái hiền thục nhưng rất uy nghi, đường bệ, đúng với tư chất của bậc Quốc Mẫu. Khuôn mặt thánh thiện với vầng trán cao, sống mũi nhỏ, tai chảy, cổ cao ba ngấn, đầu đội vương miện. Tượng có thân hình thon thả khoác hai lớp áo được trang trí hoa văn chạm khắc tinh xảo. Áo khoác buông phủ tới mũi hài, đặt trên bệ kỳ lân nằm phủ phục.

Bốn BVQG gắn với thời đại Hùng Vương không chỉ có giá trị về thẩm mỹ, nghệ thuật, mà còn là chứng nhân của những câu chuyện về lịch sử, về văn hóa cũng như nhiều khía cạnh trong xã hội của rất nhiều thời đại đã qua. Nhờ thực hiện công tác quản lý, bảo quản, các BVQG đã và đang phát huy giá trị lịch sử, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, ý thức bảo tồn, tiếp nối những giá trị của dân tộc, đồng thời, đảm bảo quyền hưởng thụ văn hóa của người dân.

Ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều chương trình trưng bày giới thiệu về di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh, trong đó có BVQG; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên quảng bá hình ảnh hiện vật và BVQG trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Đặc biệt là đưa thông tin và giá trị các hiện vật, BVQG vào chương trình Giáo dục trải nghiệm di sản giúp học sinh, sinh viên hiểu biết về nguồn gốc lịch sử, giá trị của bảo vật, để các em có ý thức gìn giữ góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị của bảo vật.

Thu Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/bao-vat-quoc-gia-thoi-dai-hung-vuong-tren-dat-to-230556.htm