Bảo vệ bản quyền sách - 'cuộc chiến' gian nan

Khi công nghệ ngày càng phát triển, các nhà xuất bản ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm ra cách hiệu quả để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến. Trong đó, sách nói là loại hình ấn phẩm có tỷ lệ vi phạm bản quyền ở mức đáng lo ngại nhất.

Bảo vệ bản quyền đang là một "cuộc chiến" đối với các tác giả.

Theo Tiến sĩ người Mỹ Gini Graham Scott, tác giả cuốn “Đánh cắp bản quyền sách trên nền tảng trực tuyến: Cuộc chiến bảo vệ các tác giả, nhà xuất bản và nền văn hóa của chúng ta”, tình trạng xâm phạm bản quyền đang ngày càng trở nên phức tạp, nhất là khi sách nói đang ngày càng mở rộng thị phần và gia tăng số lượng độc giả. Tuy nhiên, rất nhiều ấn phẩm sách nói lại sao chép nội dung từ những cuốn sách đã có bản quyền. Công sức lao động của các tác giả đang bị khai thác trái phép và họ không thể làm gì được.

Tại Mỹ, dù đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ (DMCA) ra đời từ năm 1998, quy định trách nhiệm bản quyền trên internet, cho phép tác giả, nhà xuất bản và chủ sở hữu bản quyền gửi thông báo gỡ xuống để phản ứng lại vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, các trang web hoặc kênh YouTube vi phạm bản quyền thường có trụ sở hoạt động bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Trong khi đó, các vụ kiện bản quyền thường phức tạp, tốn kém, đòi hỏi luật sư tốn rất nhiều công sức để đưa ra ánh sáng danh tính những kẻ đánh cắp bản quyền trên không gian ảo.

Một trong những vụ việc đình đám gần đây là các Nhà xuất bản Học thuật Elsevier Ltd, Wily Pvt Ltd và Hiệp hội Hóa học Mỹ đã kiện các trang web SciHub và Library Genesis, còn được gọi là LibGen, vì vi phạm bản quyền, đồng thời yêu cầu chặn các trang web này vĩnh viễn ở Ấn Độ. Theo các nguyên đơn phía Mỹ, LibGen đã đánh cắp nội dung những bài viết mang tính học thuật và nghiên cứu trên trang web của Elsevier và cho khai thác miễn phí tại Ấn Độ. Trong khi để được cấp quyền đọc những bài viết này, độc giả của Elsevier phải trả phí truy cập. Alexandra Elbakyan, chủ nhân của trang web SciHub đã nhận phán quyết phải bồi thường cho các nguyên đơn 15 triệu USD. Tuy nhiên, Alexandra Elbakyan không phải công dân Mỹ nên việc yêu cầu ông ta thi hành án gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì hiệu quả các vụ khiếu kiện không cao, kết quả là ngành công nghiệp xuất bản tiếp tục phải chịu cảnh hàng tỷ doanh thu bị thất thoát mỗi năm và hàng triệu tiền bản quyền bị tước đoạt.

Tại Indonesia, theo một bài viết đăng trên báo Bưu điện Jakarta, việc tìm kiếm các phiên bản sách lậu ở nước này rất dễ dàng. Độc giả có thể tìm thấy các phiên bản giá rẻ của hầu hết các tựa sách. Nhiều người bán sách lậu sử dụng các ứng dụng nhắn tin kỹ thuật số để bán các bản sao bất hợp pháp của sách điện tử. Đối với nhiều người, nhận được tài liệu đọc có giá trị với mức giá thấp nhất có thể, thậm chí miễn phí, giống như một thành tựu.

Đứng trước tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng, những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã siết chặt các biện pháp nhằm bảo vệ tác giả. Theo Giáo sư Raymond Titus thuộc Đại học Quebec (Canada), ngoài việc cải cách các thủ tục, quy định, pháp luật để theo kịp và hỗ trợ cho công tác bảo vệ bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan, các nước cần tăng cường đối thoại chính sách mang tính quốc tế, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; phát huy hiệu lực của các biện pháp và chính sách thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, nhiều nước tập trung nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ cho người dân, đặc biệt là giới trẻ. Thậm chí có quốc gia còn đưa nội dung này vào giáo dục trong các cấp học phổ thông. Tại Canada, từ năm 2009 đến 2019, có 80% đến 90% người dân được giáo dục về Luật Bản quyền.

“Bước vào thời đại kỹ thuật số, bảo vệ bản quyền ngày càng trở nên quan trọng và các quốc gia đang thực hiện các biện pháp bảo vệ bản quyền tích cực. Có thể nói, nếu không có hệ thống bản quyền, không có cách nào để ngành công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh” - Giáo sư Raymond Titus khẳng định.

Tại Nhật Bản, để đối phó với các vi phạm bản quyền ở nước ngoài, nước này đã thành lập Hiệp hội xúc tiến lưu hành sản phẩm văn hóa ở nước ngoài (CODA). Ông Kiyotaka Watabe, một thành viên của CODA cho biết, với toàn cầu hóa kinh tế, sự phát triển của mạng kỹ thuật số, và phổ biến các thiết bị đầu cuối đa chức năng, môi trường xã hội đang thay đổi rất nhiều. Tương ứng, bảo vệ bản quyền phải đối mặt với những thách thức lớn. Do đó, hợp tác trong bảo vệ quyền tác giả giữa các quốc gia ngày càng trở nên quan trọng.

Một xã hội phát triển là một xã hội biết tôn trọng bản quyền, trân quý tri thức. Quyền sở hữu trí tuệ được bảo đảm sẽ là động lực quan trọng khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy nỗ lực cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động văn hóa, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chuyen-la/1019437/bao-ve-ban-quyen-sach---cuoc-chien-gian-nan