Bảo vệ biển để bảo vệ sinh kế

Người dân và du khách cùng thu gom rác thải bảo vệ môi trường vịnh Vũng Rô. Ảnh: MINH DUYÊN

Phú Yên có bờ biển dài 189km, diện tích ngư trường khai thác 6.900km2 và trên 21.000ha mặt nước đầm, vịnh…, là tiềm năng để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản. Vì vậy, phát triển kinh tế biển bền vững gắn với kiểm soát tốt vấn đề môi trường là cách để tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân.

Môi trường ô nhiễm, cảnh quan bị xâm hại

Anh Nguyễn Văn Thanh, người dân ở xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa), cho biết: Danh thắng Vũng Rô được biết tới, du khách khắp nơi đổ về tham quan, người dân ngoài sản xuất nông thủy sản còn thêm nghề kinh doanh dịch vụ nên đời sống được nâng lên. Nhưng rác vì thế cũng nhiều hơn; rác trên bãi biển, lẫn trong cát và trôi cùng những sinh vật biển… đã làm danh thắng này “mất điểm” trong mắt khách du lịch.

Còn theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, nhờ bãi biển đẹp, dài với nhiều đảo nhỏ gần bờ và các danh thắng cấp quốc gia như Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa, Hòn Yến…, du lịch trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Hiện hệ thống cơ sở vật chất dịch vụ như khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… đang từng bước được xây dựng, tạo diện mạo mới cho huyện Tuy An. Cùng với đó, áp lực về môi trường cũng tăng lên. Không chỉ chất thải, rác thải mà các công trình phục vụ du lịch ngày một nhiều và không theo quy hoạch… dẫn đến mất vệ sinh môi trường, cảnh quan bị xâm hại.

Vịnh Xuân Đài là vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của tỉnh và là một trong những vịnh đẹp thu hút nhiều du khách. Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: Quanh vịnh có 16.000 hộ dân sinh sống, mỗi ngày thải ra 1.600m3 nước thải; trên 90.000 lồng, bè thải ra từ 7,2-11,5 tấn chất thải mỗi ngày gồm bùn thải, thức ăn thừa, rác thải. Dầu, nhớt từ các ghe, thuyền có động cơ xả trực tiếp xuống biển gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, việc các tàu thuyền đánh bắt xa bờ và gần bờ bằng các vật dụng cấm như điện, thuốc nổ, bóng Thái Lan cũng dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản. Môi trường trong vịnh chịu nhiều áp lực khiến tôm nuôi chết hàng loạt và bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra với tỉ lệ chết trung bình từ 10-15%. Người dân sống dựa vào biển, nên tình trạng ô nhiễm không được kiểm soát sẽ khiến chất lượng cuộc sống đi xuống.

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh đưa ra một số định hướng bảo vệ tài nguyên môi trường biển, đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh. Ông Khoa cho rằng chúng ta được trao cơ chế pháp lý để ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo… Từ đây, địa phương có thể tùy vào tình hình thực tế mà đưa ra giải pháp đồng bộ theo hướng nâng cao ý thức người dân và du khách bằng cách đầu tư trang thiết bị như thùng rác, hệ thống thu gom rác thải tại những nơi công cộng, danh thắng, bãi biển và có chế tài đủ mạnh cho những ai vi phạm; tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn; thường xuyên quan trắc môi trường vùng nuôi; quản lý việc giao, cho thuê mặt nước biển cho mục đích nuôi trồng thủy sản.

Còn theo Sở VH-TT-DL tỉnh, ngoài các danh thắng thì vùng biển của tỉnh còn nhiều di sản văn hóa lâu đời và nền ẩm thực phong phú, giàu tiềm năng phát triển du lịch. Để ngành này phát triển bền vững, tỉnh cần định hướng phát triển theo hướng du lịch xanh gắn với cộng đồng. Trong đó, người dân địa phương được tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch từ sản xuất các sản phẩm đặc trưng vùng miền làm đặc sản cho du khách đến đón tiếp, hướng dẫn du khách trải nghiệm thực tế… Muốn du lịch biển trở thành nguồn sinh kế lâu dài, người dân sẽ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết: Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh nhưng nghề này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, ảnh hưởng trực tiếp tới ngành Du lịch dịch vụ. Để nuôi trồng thủy sản bền vững cần quản lý hoạt động xả thải, quan trắc môi trường, quy hoạch vùng nuôi. Thời gian qua, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh đã tiến hành quan trắc 14 điểm tại 3 vùng nuôi trọng điểm ở 3 huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Từ đây đưa ra các thông số thủy lý, thủy hóa, vi sinh và phân tích các mẫu trầm tích đáy biển để nắm bắt những thay đổi bất lợi của môi trường nước, giúp điều chỉnh mật độ nuôi và phương pháp nuôi. Hiện nay, để giảm thiểu mật độ nuôi đã vượt quá quy hoạch, bên cạnh việc rà soát, sắp xếp lại và từng bước hoàn thiện hạ tầng vùng nuôi, đơn vị khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình cải tiến kỹ thuật, công nghệ nuôi, đẩy mạnh nuôi ở vùng biển xa bờ, giảm áp lực cho các đầm, vịnh.

Còn theo bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT, tỉnh ta có nhiều lợi thế về biển. Kinh tế biển hứa hẹn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Muốn phát huy hết tiềm năng này cần có giải pháp kiểm soát môi trường khoa học bằng cách quy hoạch các khu bảo tồn sinh thái cảnh quan vùng bờ, tăng cường tái chế rác thải hướng tới giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, xử lý nước thải bằng công nghệ hiện đại, kêu gọi sự hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của các tổ chức trong và ngoài nước…

Việc triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường biển cần có sự đồng thuận của người dân; trong đó ngư dân, diêm dân, các hộ nuôi trồng thủy hải sản, các nhà hàng, khách sạn… - những đối tượng hưởng lợi chính từ ngành kinh tế biển là nhân tố chính.

Bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/232180/bao-ve-bien-de-bao-ve-sinh-ke.html