Bảo vệ cây ăn quả, hoa, cây cảnh trước cơn bão số 3

Ứng phó với nguy cơ bão số 3 Yagi ảnh hưởng trực tiếp đến cây ăn quả, hoa, cây cảnh của người dân, các biện pháp bảo vệ nhóm cây trồng này đã được ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và Nhân dân thực hiện đồng bộ.

Lãnh đạo huyện Văn Giang kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 chiều ngày 6/9

Lãnh đạo huyện Văn Giang kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 chiều ngày 6/9

Toàn tỉnh hiện có gần 17 nghìn héc – ta trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh. Thời điểm này, nhóm cây cảnh có múi đang trong thời kỳ phát triển quả, là giai đoạn quan trọng để quyết định đến chất lượng, sản phẩm cây cảnh phục vụ thị trường tết.

Huyện Văn Giang có khoảng 800 héc – ta trồng cây cảnh có múi. Hiện nay, diện tích cây cảnh có múi của huyện đang trong giai đoạn phát triển quả non, phục vụ nhu cầu thị trường tết Ất Tỵ 2025. Mặc dù chính quyền địa phương và Nhân dân đã có những biện pháp chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (Yagi) nhưng cơn mưa kèm gió to chiều ngày 6/9 đã khiến một số nhà vườn bị ảnh hưởng. Chị Lê Thị Thảo, xã Thắng Lợi (Văn Giang) ngậm ngùi cho biết: Gia đình tôi có 1 mẫu trồng quất cảnh với khoảng 1 nghìn cây phục vụ tết. Khi được nghe tuyên truyền về cơn bão số 3 Yagi, tôi đã huy động nhân lực gia đình đi chằng, chống toàn bộ diện tích quất cảnh. Tuy nhiên, trận mưa kèm gió to chiều ngày 6/9 vẫn khiến 20 chậu quất cảnh của gia đình tôi bị đổ, gãy cành. Đến sáng ngày 7/9, gia đình tôi tiếp tục chằng, chống thêm đối với các chậu quất to, hạ độ cao đối với các chậu quất nhỏ để tránh gió to gây gãy cành, đổ chậu.

Hạ độ cao đối với diện tích trồng quất, bưởi cảnh trồng trong chum, chậu, lọ lục bình; che phủ bề mặt luống đối với diện tích quất, bưởi cảnh trồng trên mặt ruộng cũng là những biện pháp được người dân trồng quất cảnh trên địa bàn huyện Văn Giang và một số xã như: Đông Tảo, Bình Minh (Khoái Châu), Hoàn Long (Yên Mỹ) thực hiện. Đồng chí Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Đông Tảo (Khoái Châu) cho biết: Thời điểm này, cây cảnh có múi đang trong giai đoạn phát triển quả non, là thời kỳ quan trọng để tạo nên cây cảnh có thế, dáng đẹp phục vụ tết. Do đó, xã đã tăng cường tuyên truyền Nhân dân về diễn biến của cơn bão số 3 để chủ động các biện pháp phòng tránh. Đến 8 giờ ngày 7/9, Nhân dân tiếp tục ra đồng chằng chống cây cảnh, che phủ luống, hạ độ cao đối với cây cảnh trồng trên chum, chậu, lọ lục bình để tránh gió quật gây đổ, gãy, bảo vệ tài sản của gia đình.

Nông dân xã Chính Nghĩa (Kim Động) căng ni-lông bảo vệ diện tích hoa cúc mới gieo trồng (ảnh chụp 17 giờ ngày 6/9)

Nông dân xã Chính Nghĩa (Kim Động) căng ni-lông bảo vệ diện tích hoa cúc mới gieo trồng (ảnh chụp 17 giờ ngày 6/9)

Tại các địa phương chuyên canh trồng hoa trên địa bàn tỉnh như: Xuân Quan, Phụng Công (Văn Giang), Chính Nghĩa (Kim Động), Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)… công tác ứng phó với bão số 3 cũng được thực hiện khẩn trương, đồng bộ nhiều giải pháp. Đồng chí Hoàng Hoa Cương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (Văn Giang) cho biết: Hiện nay, khoảng 70% diện tích hoa trên địa bàn xã được sản xuất trong nhà lưới, nhà kính. Để hạn chế ảnh hưởng của bão số 3 đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, xã đã tuyên truyền Nhân dân hạ hoa giỏ treo, di chuyển nhóm hoa thân thảo vào vị trí cao ráo, tránh úng ngập. Đối với diện tích trồng cây bóng mát, các nhà vườn có biện pháp chằng, chống để tránh cây đổ, ảnh hưởng đến đường điện và tài sản của Nhân dân…

Huyện Khoái Châu có khoảng 3,8 nghìn héc – ta trồng cây ăn quả, chủ yếu là: Nhãn, chuối, cây có múi. Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện cơ bản thu hoạch xong trà nhãn chín muộn và chuối tây, chuối tiêu trà sớm trong giai đoạn trỗ buồng, cây có múi trong giai đoạn phát triển quả. Để ứng phó với mùa mưa bão năm nay, huyện đã xây dựng phương án cho từng vùng sản xuất, tổ chức giải tỏa rau bèo, vật cản trên các sông, trục, kênh mương thủy lợi; chủ động phương án bơm dã chiến tiêu hỗ trợ khi xảy ra mưa lớn kéo dài. Trước diễn biến của bão số 3, huyện thành lập 3 tổ công tác kiểm tra ứng phó với mưa, bão ở các địa phương; chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường thông tin tới người dân diễn biến của cơn bão, khuyến cáo Nhân dân khẩn trương thu hoạch cây ăn quả đến thời kỳ thu hoạch; chằng, chống cây ăn quả có múi, chuối, đu đủ, cắt tỉa cành đối với cây có tán rộng để giảm sức nặng, tránh gió quật gây bật gốc, rụng quả… Đồng chí Lưu Quang Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Hiện nay, huyện vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra. Ngoài ra, huyện cũng hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của mưa bão (nếu có) để lập danh sách đề nghị hỗ trợ theo quy định, giảm bớt thiệt hại cho Nhân dân.

Nông dân xã Thắng Lợi (Văn Giang) chằng, chống cây cảnh ứng phó với bão số 3 (ảnh chụp 9 giờ ngày 7/9)

Nông dân xã Thắng Lợi (Văn Giang) chằng, chống cây cảnh ứng phó với bão số 3 (ảnh chụp 9 giờ ngày 7/9)

Theo ghi nhận của phóng viên, đến 9 giờ sáng ngày 7/9, Nhân dân tại các địa phương trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục chằng, chống cây trồng nhằm hạn chế ảnh hưởng của cơn bão số 3; chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, các trạm bơm tiêu úng nhằm kịp thời bơm tiêu, thoát nước, hạn chế ảnh hưởng của mưa bão gây ra.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão Yagi là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua tại Việt Nam với sức gió cấp 15- 16, bão có quá trình mạnh lên rất nhanh. Do đó, ngành chuyên môn lưu ý, Nhân dân không nên lơ là, chủ quan, hoang mang mà cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp theo khuyến cáo để bảo vệ tính mạng và tài sản của bản thân và gia đình.

PV

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/bao-ve-cay-an-qua-hoa-cay-canh-truoc-con-bao-so-3-3175213.html