Bảo vệ cây trồng trong mùa mưa bão
Hiện nay đang là mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp, do đó ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại.
Tại huyện Thạch Thành, sau đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã làm cho nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại. Đến ngày 14/9/2024, trên địa bàn huyện có 979ha lúa, gần 1.080ha mía, 87ha ngô và rau màu khác, 13ha cây ăn quả... bị ngập và gãy đổ. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành Bùi Thanh Hiếu, cho biết: Để bảo vệ, khôi phục các loại cây trồng sau bão lũ, phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục diện tích cây trồng bị ảnh hưởng. Theo đó, huy động mọi lực lượng, phương tiện, kể cả áp dụng các biện pháp thu hoạch thủ công để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa và cây trồng khác vụ mùa nhằm bảo vệ năng suất, sản lượng cây trồng cuối vụ. Ðối với diện tích lúa chưa chín bị đổ ngã, người dân khẩn trương dựng lúa, cột thành chùm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, tiêu kiệt nước mặt ruộng để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch lúa và tiến hành làm đất, gieo trồng cây màu vụ đông. Với diện tích cây màu bị ngập úng, tạo rãnh thoát nước, rửa lá làm sạch bùn đất và thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc phục hồi cây trồng... Đồng thời, khuyến cáo bà con bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh của các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn gây ngập lụt khiến 2.734ha lúa, 596ha ngô, sắn, lạc, rau các loại, gần 1.341 cây trồng hàng năm và 90ha cây ăn quả bị đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Trước tình hình trên, để khắc phục kịp thời những ảnh hưởng do bão số 3 gây ra và bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2024 trước những hiện tượng bất lợi do thời tiết gây ra trong thời gian tới, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các địa phương huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị thu hoạch triệt để diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên và các cây trồng khác đã đến thời điểm thu hoạch. Cùng với đó, hướng dẫn người dân tiêu cạn nước mặt ruộng để tạo thuận lợi cho thu hoạch lúa và các cây trồng khác. Trên diện tích lúa chưa chín bị đổ ngã, khẩn trương dựng, bó thành chùm, không để hạt lúa bị ngâm nước. Đối với rau màu và các cây trồng khác bị đổ hướng dẫn người dân dựng lên, tiến hành các biện pháp chăm sóc như phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi và chắm dặm đảm bảo mật độ gieo trồng. Khi đất khô ráo tiến hành xới xáo, phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương cần lưu ý biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu bệnh cuối vụ trên diện tích lúa và cây trồng chưa thu hoạch. Đồng thời, chủ động nguồn giống, vật tư để tiến hành trồng dặm hoặc trồng tái canh các diện tích bị thiệt hại.
Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, các địa phương đôn đốc người dân tập trung thu hoạch nhanh, gọn đối với loại quả đã đủ tuổi thu hoạch. Đồng thời, hướng dẫn người dân tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây công nghiệp, cây ăn quả để đề phòng bão, lũ, ngập úng. Sau bão, lũ, ngập úng người dân khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây. Các địa phương chủ động phân công cán bộ chuyên môn bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu do thời tiết gây ra.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-ve-cay-trong-trong-mua-mua-bao-225392.htm