Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong giá rét
Những ngày này, nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh xuống thấp, rét đậm kèm theo mưa gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Ngành chức năng, các địa phương và người dân đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi và cây trồng.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mức nhiệt độ ban ngày trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện giảm xuống 11 độ C, ban đêm dưới 10 độ C, trời rét có kèm theo mưa. Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, các ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường chỉ đạo, triển khai biện pháp ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thông tin: Trước khi đợt rét đậm, rét hại xảy ra, Văn phòng Thường trực đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung, như: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cố, che chắn chuồng trại để giữ ấm cho vật nuôi; dự trữ thức ăn, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác...
Cùng với đó, các ngành, đơn vị chức năng chủ động tổ chức các đoàn công tác về cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh rét phù hợp, hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn bà con nông dân triển khai thực hiện việc chống rét và phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để bà con chủ động triển khai ứng phó hiệu quả.
Cùng với sự chỉ đạo của tỉnh và ngành chức năng, các địa phương và người dân đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi từ trước khi đợt rét đậm này xảy ra. Tại Định Hóa và Võ Nhai, 2 huyện có số lượng gia súc lớn và thường có nền nhiệt độ thấp hơn so với các địa phương khác trong tỉnh vào mùa Đông, công tác phòng, chống đói, rét, bảo vệ đàn vật nuôi luôn được chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm.
Chị Nguyễn Thị Vị, cán bộ khuyến nông xã Trung Lương (Định Hóa), cho biết: Gần 1 tuần trước, khi có thông tin dự báo thời tiết xuất hiện rét đậm, rét hại kèm theo mưa, chúng tôi đã có văn bản gửi các trưởng xóm và thông báo qua hệ thống loa truyền thanh đến bà con về biện pháp ứng phó. Vì vậy, các hộ dân đã thực hiện che chắn chuồng trại và chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho đàn trâu, bò. Một số hộ chăn thả gia súc trên rừng cũng đã chủ động lùa trâu, bò về chuồng.
Còn anh Ma Văn Thuật, ở xóm Lam Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai), cho biết: Trước đây, bất kể thời tiết, tôi và các hộ dân trong xóm đều thả rông trâu, bò trên núi nên có năm xảy ra tình trạng vật nuôi chết rét. Nhưng 5 năm trở lại đây, được cán bộ xã tuyên truyền, tập huấn, tôi đã chuyển sang nuôi 3 con bò theo hình thức bán chăn thả. Những ngày rét đậm, tôi đều nhốt bò trong chuồng và cắt cỏ cho bò ăn.
Theo ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai: Toàn huyện hiện có trên 9 nghìn con trâu, bò; trên 28 nghìn con lợn và 700 nghìn con gia cầm. Ngay từ đầu mùa Đông, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân về kỹ thuật chăn nuôi cũng như các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Đồng thời, thường xuyên khuyến cáo bà con không thả rông gia súc vào những ngày rét đậm, rét hại; bổ sung thức ăn tinh cho trâu, bò; vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…
Những ngày qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã xuống đồng gieo cấy vụ xuân, chủ yếu là trà lúa xuân trung, với tổng diện tích khoảng 1.000ha (cấy từ ngày 15-1 đến 30-1). Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại như hiện nay, các địa phương đã kịp thời khuyến cáo bà con không xuống đồng gieo cấy và có biện pháp phòng, chống rét cho diện tích mạ chưa cấy.
Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), cho biết: Vụ xuân năm nay, xã có kế hoạch gieo cấy 380ha lúa. Do chủ yếu diện tích gieo cấy của bà con rơi vào trà xuân trung, nên khi có thông tin từ ngày 20-1 sẽ xảy ra rét đậm, rét hại, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con đẩy nhanh tiến độ gieo cấy trước thời điểm này. Từ ngày 21-1 đến nay, xã thực hiện tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, yêu cầu bà con chủ động che chắn những diện tích mạ chưa cấy bằng nilon, hạn chế xuống đồng khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C...
Đối với rau màu, các địa phương cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân khẩn trương thu hoạch rau vụ đông. Với những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch hoặc rau vụ xuân mới xuống giống, bà con cần che chắn bằng nilon để tránh mưa, rét; bón thêm kali, phân lân, giảm bón đạm và phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học để cây khỏe mạnh, có khả năng chống rét...
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng chỉ đạo các địa phương bám sát thông tin dự báo thời tiết, lên phương án đề phòng trường hợp nhiệt độ tiếp tục giảm sâu gây ra băng giá, sương muối, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi.