Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là yêu cầu sống còn

Không gian mạng thành không gian chiến lược mới, vùng lãnh thổ đặc biệt, bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian vũ trụ.

“Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền tối cao, tuyệt đối, đầy đủ và riêng biệt của quốc gia. Việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân. Khi toàn dân đồng hành cùng lực lượng chức năng, chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng sẽ được bảo vệ vững chắc” - Trung tá - TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân, Bộ Công an, khẳng định.

 Cán bộ Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) và điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Ninh Thuận kiểm tra thông tin hiện trường qua hệ thống máy tính. Ảnh: TTXVN

Cán bộ Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) và điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Ninh Thuận kiểm tra thông tin hiện trường qua hệ thống máy tính. Ảnh: TTXVN

Giữ vững chủ quyền trên không gian mạng trong mọi tình huống

. Phóng viên: Thưa ông, yêu cầu cấp thiết bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng trong điều kiện hiện nay như thế nào?

+ Trung tá - TS Lê Hoàng Việt Lâm (ảnh): Bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng là bảo vệ những lợi ích cực kỳ quan trọng của quốc gia, của dân tộc. Những lợi ích này quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của đất nước, đến bản chất và sự tồn tại của chế độ chính trị. Là điều kiện trước hết và có ý nghĩa quyết định để xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt, trong đó bảo vệ lợi ích trên không gian mạng là một phần tối quan trọng của bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đó không chỉ là việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo thông thường, mà còn là sự tấn công hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống phục vụ sản xuất kinh tế, dân sinh, an ninh, quốc phòng; đe dọa khủng bố mạng, gián điệp mạng và hình thái chiến tranh mới - chiến tranh mạng với mức độ tàn phá khủng khiếp chưa thể hình dung, đo đếm, lượng định.

Đặc biệt, an ninh mạng có quan hệ tác động qua lại với an ninh chính trị, an ninh xã hội, an ninh quân sự

Chẳng hạn như sự việc sâu máy tính Stuxnet phá hủy hàng ngàn máy ly tâm tại Nhà máy hạt nhân Busher hay hàng loạt vũ khí hiện đại của Mỹ bị tin tặc đánh cắp; hệ thống phòng không Patriot của Đức đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống thông tin mạng của Bộ Ngoại giao Áo, đài phát thanh SER của Tây Ban Nha bị tấn công mã độc từ chối dịch vụ.

Hàng loạt cuộc tấn công của tin tặc vào các trang web của chính phủ, hệ thống ngân hàng, cơ quan truyền thông… là những minh chứng cụ thể.

Tại Việt Nam, việc tin tặc tấn công vào công ty chứng khoán, hệ thống công nghệ thông tin của bưu điện hay việc hacker xâm nhập, tấn công vào một ngân hàng thương mại lớn rồi chuyển tiền trái phép… đã có những tác động cực lớn đến an ninh tài chính, an ninh tiền tệ của đất nước.

Trong kỷ nguyên thông tin, cuộc sống, xã hội của chúng ta là sự đan xen của thực và ảo, phần ảo đang ngày càng đóng vai trò lớn, có lúc, có nơi phần ảo còn lấn át phần thực và nếu không có cơ chế và chính sách bảo vệ cụ thể sẽ rất dễ dẫn đến những tác động ảnh hưởng đến các hệ giá trị, văn hóa và lối sống, nhất là người trẻ.

Đặc biệt, không gian mạng đã trở thành công cụ để chuyển hóa chế độ chính trị. Biến động chính trị tại các quốc gia Trung Đông, châu Phi hay thực tiễn các hoạt động chống phá, xuyên tạc tại Việt Nam do các phần tử chống đối thực hiện thời gian vừa qua là minh chứng.

Do đó, việc lợi dụng Internet, không gian mạng để tiến hành các hoạt động chống phá, xuyên tạc nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” hay “cách mạng màu”, nếu không phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời… sẽ tác động đến tư tưởng, tâm tư, tình cảm của quần chúng, cán bộ, đảng viên, dễ dẫn họ sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Vì vậy, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là yêu cầu bức thiết, sống còn nhằm quán triệt đúng đắn, kịp thời quan điểm chỉ đạo tại Đại hội XIII của Đảng: “Tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống”.

Theo báo cáo của chuyên gia Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chỉ trong ba tháng đầu năm 2024 đã có tổng cộng 29.251 vụ lừa đảo được thông báo qua trang chongluadao.vn.

Làm chủ không gian mạng bằng pháp luật

. Vậy những yêu cầu bức thiết, sống còn đó đã đặt ra nhiệm vụ phải hoàn thiện khung pháp lý, thể chế ra sao, thưa ông?

+ Để bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, cần nhiều cách thức và biện pháp khác nhau, với những chiến lược lâu dài và sách lược cụ thể. Trong đó, việc xây dựng thể chế để hoàn thiện khung pháp lý về không gian mạng có ý nghĩa rất quan trọng.

Nếu thiếu các quy phạm, chuẩn mực khiến con người khi tham gia không gian mạng có xu hướng hành động theo bản năng, điều này dẫn đến những lệch lạc trong nhận thức và hành vi, từ đó tác động xấu đến môi trường xã hội và không gian mạng.

Do đó làm chủ không gian mạng trước hết phải bằng chính sách, pháp luật.

Chính sách, pháp luật ở đây không chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến không gian mạng, không chỉ là chính sách về phát triển không gian mạng, cũng không phải là sự lắp ghép đơn thuần giữa điều chỉnh xã hội thực và xã hội ảo, mà là chính sách, pháp luật về không gian mạng, điều chỉnh các quan hệ phát sinh trên không gian mạng và quan hệ phát sinh liên quan đến không gian mạng.

Tôi cho rằng trước hết, cần tiếp tục thực hiện Luật An ninh mạng (năm 2018), Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015) một cách nghiêm túc, triệt để. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng, tội phạm mạng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực, an toàn, an ninh mạng; bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến tội phạm mạng, an ninh mạng.

Trong đó, cần bổ sung quy định về “các sản phẩm và dịch vụ an ninh mạng” vào Luật Đầu tư để có căn cứ cho Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng. Chỉnh sửa tội danh Điều 288 BLHS 2015 (tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông) thành tội đưa, phát tán hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông để đảm bảo tính logic về kỹ thuật lập pháp so với Luật An ninh mạng năm 2018.

Ngoài ra, sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định lại điều luật này theo hướng cụ thể, chi tiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và chú ý rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tấn công mạng và vận hành hệ thống an ninh mạng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Từ năm 2012 đến 2021, các đối tượng đã sử dụng 8.784 website, blog có tên miền nước ngoài; 381 website, blog có tên miền trong nước thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước.

Chúng ta đã phát hiện 279 vụ sử dụng Internet xâm phạm an ninh quốc gia, trong đó có 219 vụ kích động biểu tình trên không gian mạng; có 2.113 lượt tấn công các cổng thông tin, trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Riêng trong năm 2021, Bộ Công an đã ghi nhận 8 triệu cảnh báo tấn công mạng với 2.763 cuộc tấn công vào các website, cổng thông tin điện tử.

Dự báo kịch bản tấn công mạng

. Việc tổ chức phòng ngừa, xử lý và đấu tranh với tội phạm mạng cần lưu ý điều gì, thưa ông?

+ Việc tổ chức phòng ngừa, xử lý và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm mạng, đặc biệt là các hành vi sử dụng kỹ thuật cao… rất khó khăn vì đặc điểm riêng biệt của loại tội phạm này.

Chẳng hạn, mặc dù các thiết bị truy cập luôn để lại dấu vết (mã nhận dạng thiết bị, lịch sử truy cập, thông tin được đăng tải dưới một tài khoản trực tuyến bất kỳ…) nhưng chúng không cho chúng ta biết thiết bị đó thuộc về ai, ai là người sử dụng thiết bị và truy cập tại một thời điểm cụ thể.

Hay nói cách khác, có thể truy nguyên và xác định được chủ thuê bao Internet nhưng rất khó để chỉ ra ai là người sử dụng dịch vụ vào thời điểm cụ thể, nhất là tại các điểm truy cập Internet công cộng như trường học, bệnh viện, nhà ga, nhà hàng, quán cà phê…

Thực tế cho thấy đã xuất hiện các dịch vụ và công cụ ẩn danh, tạo thuận lợi cho việc che giấu địa chỉ IP thực, sử dụng địa chỉ IP giả hoặc địa chỉ IP tại các “máy chủ ủy nhiệm”, chuyển qua nhiều điểm kết nối trên đường truyền trong một “mạng ẩn danh”, đồng thời còn được mã hóa trên đường truyền. Trong trường hợp này, ngay cả việc xác định nguồn xuất phát của các truy cập, tức là xác định điểm truy cập Internet nơi một hành vi được thực hiện cũng đã rất khó khăn.

Vì vậy, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ… để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

Các lực lượng chức năng cần chú ý đến công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, nắm bắt dư luận xã hội; bố trí nhân lực, phương tiện phù hợp, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin nhằm tự chủ về công nghệ và trang thiết bị, tăng cường nội địa hóa để không bị lệ thuộc vào sản phẩm nước ngoài.

Chúng ta cũng phải dự báo và xây dựng được các “kịch bản” tấn công mạng để có phương án chủ động phòng ngừa; tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong ứng phó tốt với tội phạm mạng như Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc…

Song song đó, việc xây dựng và củng cố lòng tin với các quốc gia cũng có một ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, các cuộc tấn công mạng xảy ra liên tục như hiện nay.•

Tuyên truyền văn hóa ứng xử trên môi trường mạng

Nhân dân là lực lượng chính yếu trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng nên cần tập trung sử dụng các phương thức tuyên truyền hiệu quả để họ chủ động, tích cực tham gia, xây dựng “thiên la địa võng” trong bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội liên quan đến không gian mạng.

Bên cạnh việc trang bị cho người dân kiến thức, kỹ năng về công nghệ thì quan trọng hơn là xây dựng ý thức và văn hóa ứng xử trong thời đại kết nối. Đó phải là những con người có văn hóa, tri thức, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức và quy phạm pháp luật, biết chọn lọc khi đưa và tiếp nhận thông tin, có kỹ năng ứng xử trong thế giới không còn khoảng cách và ý thức rõ về những tác động đối với xã hội từ việc làm của mình.

Việc định hướng không chỉ thông qua các tổ chức, đoàn thể theo cách truyền thống, mà cần chú trọng thông qua các hội, nhóm, cộng đồng và xu hướng trên không gian mạng, nói cách khác là định hướng qua nội dung thông tin trên không gian mạng.

Đặc biệt, báo chí cần tiếp tục làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội. Hệ thống báo chí cần đăng tải các thông tin chính thống, chính xác, kịp thời, phù hợp với từng loại đối tượng, tăng cường phổ biến các giá trị nhân văn, nhân bản… đến cộng đồng, xây dựng cộng đồng và lành mạnh trên không gian mạng để dẫn dắt hướng tới những giá trị tốt đẹp, nhất là với giới trẻ.

Tuyệt đối không đăng tải các bài viết theo dạng câu view, câu like hoặc những bài viết đi ngược lại với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, cần chắt lọc, phản kích, phản bác đối với các thông tin xấu, độc, các luận điệu xuyên tạc trên tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái thiện lấn át cái ác”…

Việc đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa ứng xử trên môi trường mạng, sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh hay xây dựng và chuẩn hóa quy tắc ứng xử trên không gian mạng đối với từng bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp… cũng cần được triển khai rộng rãi, làm cho “hệ sinh thái” không gian mạng được lành mạnh hơn, khách quan hơn, minh bạch hơn.

Trung tá - TS Lê Hoàng Việt Lâm

LÊ THOA thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-ve-chu-quyen-quoc-gia-tren-khong-gian-mang-la-yeu-cau-song-con-post808257.html