Bảo vệ Đại dương thế giới: Vì tương lai loài người
Ngày 8/6 hằng năm được Liên hợp quốc (LHQ) chọn làm Ngày Đại dương Thế giới (World Oceans Day) nhằm nhắc nhở con người quan tâm tới những giá trị của đại dương, lợi ích của nó đối với sự sống trên Trái đất và cùng chung tay bảo vệ đại dương.
Một chú rùa bị mắc vào lưới đánh cá bằng nhựa tại vùng biển Địa Trung Hải, ngoài khơi Tây Ban Nha. (Nguồn: National Geographic)
Theo WWF, lượng rác nhựa hiện đang tàn phá hệ sinh thái và các loài hoang dã. Hơn 270 loài được ghi nhận bị tổn thương do vướng phải đồ nhựa và hơn 240 loài được ghi nhận là ăn phải đồ nhựa. Hằng năm, cả con người và các loài động vật tiếp tục tiếp nhận nhựa vào cơ thể thông qua thực phẩm và nguồn nước uống. Tác động của việc ăn phải nhựa này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Đại dương tạo nên phần lớn thủy quyển của Trái Đất. 5 đại dương được xếp theo thứ tự diện tích giảm dần, gồm Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Nam Băng Dương, và Bắc Băng Dương.
Tưởng như "tách biệt", nhưng trên thực tế các đại dương tạo thành một khối nước nối liền với nhau trên toàn cầu, được giới khoa học gọi chung là Đại dương thế giới (hay Đại dương toàn cầu).
Các khu vực nhỏ hơn của đại dương được gọi là các biển, vịnh hay một số tên gọi khác. Cũng có một số khối nước mặn nhỏ hơn trong đất liền và không nối với Đại dương thế giới, như Biển Aral, Great Salt Lake (Hồ Muối Lớn) – mặc dù gọi là các “biển”, thực ra là các hồ nước mặn.
Phần quan trọng của Trái đất
Đại dương chiếm khoảng 71% bề mặt Trái Đất, nước mặn bao phủ một diện tích khoảng 360.000.000 km2 và 97% lượng nước trên hành tinh này thuộc về đại dương. Tổng dung tích đại dương vào khoảng 1,35 tỷ km3 với độ sâu trung bình gần 3.700 m.
Đại dương được coi như “lá phổi” của hành tinh, bởi nó cung cấp hầu hết lượng oxy cho toàn bộ hành tinh. Ngoài ra, môi trường biển và đại dương cung cấp cho lục địa một lượng hơi nước rất lớn, sinh ra mây, mưa để duy trì cuộc sống con người, sinh vật trên Trái Đất và có tác dụng điều hòa khí hậu. Biển và đại dương còn là kho tài nguyên vô tận với rất nhiều loài động thực vật, cung cấp một lượng lớn khoáng sản, khoáng chất dạng muối, đặc biệt là dầu khí. Biển cung cấp năng lượng gió, thủy triều. Biển và đại dương là con đường giao thông vận tải có ý nghĩa to lớn. Khối lượng vận tải qua biển và đại dương lớn hơn bất kỳ phương tiện nào khác trên không và trên lục địa.
Vì vậy, đại dương là một phần quan trọng của Trái Đất, cung cấp hầu hết những thứ thiết yếu để biến Trái Đất trở thành một hành tinh có thể duy trì được sự sống. Quản lý cẩn thận nguồn tài nguyên thiết yếu toàn cầu này là một trong những điều cần thiết để xây dựng một tương lai bền vững. Chính vì lý do đó, LHQ đã chọn ngày 8/6 hằng năm làm Ngày Đại dương Thế giới, theo nghị quyết 63/111 ngày 5/12/2008.
Lịch sử Ngày Đại dương Thế giới
Ngày Đại dương Thế giới là sáng kiến lần đầu tiên được Chính phủ Canada đề xuất vào năm 1992 tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro (Brazil), sau đó được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của UNESCO thừa nhận vào Năm quốc tế Đại dương 1998 tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha), khi ấy Việt Nam cũng tham gia sự kiện này.
Năm 2019 Chủ tịch Đại hội đồng LHQ María Fernanda Espinosa phát động "Play It Out", một chiến dịch toàn cầu chống ô nhiễm nhựa. Chiến dịch kêu gọi thế giới suy nghĩ lại về phương pháp thiết kế, sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa, tìm cách nâng cao nhận thức về các thách thức và cơ hội; thay đổi thói quen sử dụng nhựa của người tiêu dùng; và thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới có những chính sách đẩy lùi nhựa.
Ngày Đại dương Thế giới được xem là sự kiện duy nhất nhằm tôn vinh Đại dương Thế giới, và để bày tỏ mối quan tâm gắn bó của loài người với biển, đại dương vì tương lai của chính họ. Mục tiêu chung của việc tổ chức Ngày Đại dương Thế giới là nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà hoạch định chính sách về vai trò cực kỳ quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hằng ngày, và cổ vũ các hành vi tích cực “vì sự bền vững của biển cả”.
Ngày Đại dương Thế giới mang lại cơ hội cho mỗi người tham gia vào bảo vệ tương lai của môi trường, thông qua những hoạt động quảng bá, bảo vệ môi trường biển – nhặt rác tại các bãi biển, các chương trình giáo dục, cuộc thi nghệ thuật, liên hoan phim, các sự kiện bảo tồn các loài cá, phản đối các hành động đánh bắt và tiêu dùng làm ảnh hưởng tới sự phát triển của những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Năm 2019, LHQ lựa chọn chủ đề “Giới và Đại dương” kêu gọi cộng đồng có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh bằng cách kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng hướng tới bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong tất cả lĩnh vực liên quan đến đại dương để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDGs) của LHQ đến năm 2030.
Tác hại của việc ô nhiễm môi trường biển
Trước đây, người ta cho rằng vì đại dương rất rộng và sâu, nên những tác động của việc xả thải xuống biển sẽ chỉ gây hậu quả rất nhỏ. Nhưng điều này đã được chứng minh là không đúng. Cả bốn đại dương đều phải gánh chịu những hậu quả từ con người trong hàng nghìn năm nay, song tốc độ tàn phá đại dương đã tăng mạnh trong vài thập kỷ qua.
Cuộc sống của đại dương đang "hấp hối" và hậu quả là toàn bộ hệ sinh thái biển đang bị đe dọa chỉ đơn giản bởi các nguồn ô nhiễm. Đến nay, ô nhiễm môi trường biển và đại dương đang được báo động đỏ, bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải ra biển đang tiến triển rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống dưới biển, bên cạnh việc xả rác, chất thải rắn thì còn có hiện tượng rò rỉ dầu hay các sự cố tràn dầu của các tàu thuyền chiếm 50% nguyên nhân gây ra ô nhiễm biển.
Trong đó, nhựa là yếu tố phổ biến nhất được tìm thấy trong đại dương. Nó có hại cho môi trường vì không dễ bị phân hủy và thường được các động vật biển xem là thức ăn. Nhựa biển đã khiến đại dương gặp nguy hiểm. Đến năm 2050, ước tính khối lượng nhựa sẽ lớn hơn cá trên biển. Các quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương đóng góp nhiều nhất vào ô nhiễm nhựa biển.
Ngày Đại dương Thế giới tại Việt Nam
Là quốc gia có vùng biển rộng, bờ biển dài, những năm qua, Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm trong việc giữ gìn màu xanh của biển. Trong các hoạt động liên quan đến Ngày Đại dương Thế giới, Việt Nam là một trong những nước tham gia từ rất sớm, với nhiều hoạt động cả ở trong nước và quốc tế.
Tại Việt Nam, trong 2 ngày 31/5 - 1/6, hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới và Ngày Môi trường Thế giới năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường tại Bạc Liêu với chủ đề “Giới và Đại dương” và “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta”.
Trong hai ngày 8 - 9/6, người dân và chính quyền UBND huyện Phú Quốc đã thực hiện thu dọn rác tại hai điểm trong thị trấn Dương Đông, bãi biển của ấp Bãi Bổn (xã Hàm Ninh) và ấp Đá Chồng (xã Bãi Thơm), hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân ngày Đại dương thế giới.
Theo số liệu của LHQ, mỗi năm trên toàn thế giới :
- 1 tỷ túi nilon được sử dụng
- 13 triệu tấn nhựa bị đổ ra biển và đại dương
- 17 triệu thùng dầu được dùng để sản xuất nhựa
- 100.000 sinh vật biển bị giết bởi rác thải nhựa
Ngoài ra, trên thế giới có 1 triệu chai nước làm bằng nhựa được sử dụng mỗi phút. 90% nước đóng chai, 83% lượng nước máy đều tìm thấy dấu vết của các phân tử nhựa bên trong. 50% số lượng nhựa tiêu dùng là nhựa dùng một lần.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-ve-dai-duong-the-gioi-vi-tuong-lai-loai-nguoi-95891.html