Bảo vệ di sản trước khi quá muộn

Trong chuyến thăm Tunisia mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay đã kêu gọi bảo vệ 'kho báu' Carthage - từng là nơi ngự trị của một đế chế Địa Trung Hải cho đến thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Phế tích Carthage, một trong những di sản thế giới đầu tiên, đang phải hứng chịu sự tàn hoại của thời gian và sự thờ ơ của giới bảo tồn.

Một phần phế tích Carthage ngày nay

Một phần phế tích Carthage ngày nay

Carthage được lập ra vào thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên (TCN) trên vịnh Tunis. Thành phố này phát triển từ một thuộc địa của người Phoenicia và sau đó trở thành thủ đô của Đế chế Punic thống trị phần lớn Tây Nam Địa Trung Hải. Nữ hoàng Dido huyền thoại được coi là người gầy dựng nên thành phố, mặc dù lịch sử về sự tồn tại của bà có nhiều điểm còn đang tranh cãi.

Carthage được coi là một trong những thành phố giàu có và hùng mạnh nhất thế giới cổ đại, một trung tâm công nghiệp, thương mại sầm uất bên bờ Địa Trung Hải và là quê hương của một nền văn minh rực rỡ. Bởi vì Carthage có một vị trí tuyệt đẹp nằm trên một mũi đất bên một vịnh nhỏ dẫn ra biển, nên vị trí giao thương đắc địa này giúp Carthage làm chủ Địa Trung Hải trong ngành mậu dịch đường biển. Mọi tàu bè đi ngang đây phải đi qua giữa Sicily và bờ biển của Tunisia, nơi có thành phố Carthage. Dưới sự dẫn dắt của nữ hoàng Dido, Carthage trở thành một thành phố giàu mạnh nhất vùng Địa Trung Hải cho đến khi bị Cộng hòa La Mã phá hủy vào năm 146 TCN trong chiến tranh Punic lần thứ ba.

Trong lịch sử nhân loại, có những cuộc chiến kéo dài cả ngàn năm, trong đó cuộc chiến Punic là cuộc chiến tranh giữa La Mã cổ đại và Carthage. Bắt đầu từ năm 264 TCN tới năm 146 TCN, 2 nước này đã có 3 cuộc chiến đẫm máu. Sau đó, dù không còn gây chiến đổ máu nữa, nhưng cả hai bên đều không đặt quan hệ ngoại giao với nhau. Tới năm 1985, hậu duệ của La Mã cổ đại và Carthage là Tunisia và Italy mới chịu ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.

Ngày nay, Carthage còn lại là những phế tích của thành phố cổ Carthage, hiện nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Tunis của Tunisia và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1979. Theo bà Audrey Azoulay, Carthage “là một kho báu”, “một cuốn sách chưa đọc xong và vẫn còn nhiều nghiên cứu phải hoàn thành”. Các địa điểm khảo cổ chính của Carthage đang dần bị thu hẹp diện tích do các tòa nhà dân cư hoặc các công trình xây dựng thô sơ bất hợp pháp lấn chiếm. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24 ngày 8-6, bà Azoulay cũng cho biết, UNESCO thường xuyên kêu gọi Chính phủ Tunisia gìn giữ và bảo tồn trung tâm văn hóa Punic.

Tổng Giám đốc UNESCO cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khám phá và bảo vệ các di sản dưới biển ở quốc gia Bắc Phi này trước nguy cơ bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Sự xuất hiện của công nghệ thăm dò dưới nước hiện đại đã vô hình trung tạo điều kiện cho giới thợ săn lùng sục, càn quét các kho báu dưới đáy biển. Lòng nước đại dương lưu giữ hơn 3 triệu con tàu đắm, hàng trăm đô thị chìm trong nước, trong số đó có một phần của thành phố Carthage cổ đại. Nhân dịp này, bà Audrey Azoulay cũng công bố kế hoạch 8 quốc gia sẽ tham gia sứ mệnh thăm dò lần đầu tiên tại khu vực ngoài khơi Tunisia và đảo Sicily (của Italy), nơi có 5 xác tàu La Mã niên đại từ thế kỷ thứ I TCN đến thế kỷ IV sau Công nguyên.

KHÁNH HƯNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bao-ve-di-san-truoc-khi-qua-muon-738725.html