Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú
Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những 'chiến binh' đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.
Những bước chân giữa đại ngàn
Trời hửng nắng, ánh vàng hiếm hoi của những ngày cuối năm rọi chiếu khiến khu rừng nguyên sinh trên dãy Trường Sơn nổi lên màu xanh rực rỡ. Qua nhiều ngày liên hệ, tôi mới có dịp gặp anh Đinh Trọng Hoàng (SN 1993) cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang, người có hơn 10 năm công tác với nhiệm vụ đặt bẫy ảnh, tìm dấu chân thú trên cánh rừng nguyên sinh.
"Mùa này anh em đi rừng vất vả hơn gấp bội. Mưa lũ bất thường, thời tiết lạnh căm mà thú rừng, rắn, rết ở rừng nguyên sinh nhiều vô kể. Bởi thế, làm nghề này phải chịu được vất vả, rèn cho mình một bản lĩnh vững vàng”, anh Hoàng mở đầu câu chuyện.
Theo chân anh Hoàng, vòng qua con đường ngoằn nghèo, dốc đứng, những dãy núi hùng vỹ hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Tiếng chim hót, tiếng suối chảy hòa lẫn vào nhau tạo nên thứ âm thanh trong trẻo đầy mê hoặc ở nơi được ví như “viên ngọc xanh” của Hà Tĩnh.
Cầm trên tay chiếc bẫy ảnh, anh Hoàng nói, mỗi chuyến đi rừng ít nhất 9 ngày, nhiều thì 15 ngày mới về đơn vị. Bởi hành trang mỗi người mang theo chỉ đủ chừng ấy thời gian sinh sống ở rừng trong điều kiện khắc nghiệt. Chuyến đi rừng thường ngày của anh Hoàng có thêm cán bộ kiểm lâm địa bàn và người dân thông thuộc địa hình.
Hành trang mang theo của những thành viên trong “biệt đội” này là gạo, cá khô, thịt, nồi, võng, tăng, thuốc men cùng thiết bị bẫy ảnh... Để có sức băng rừng dài ngày trong điều kiện thời tiết bất lợi, anh em còn kèm theo những đồ ăn nhanh bên người để vừa đi, vừa ăn lấy sức.
Anh Hoàng tâm sự, dù trên lưng gùi những bao tải nặng chừng 15-20kg, nhưng trên mỗi chuyến vào rừng tìm dấu chân thú, hành trình nào cũng mang nhiều trăn trở và những kỳ vọng. “Anh em trong đội hiểu rõ những phần việc mình làm, nhiệm vụ đề ra nên luôn mang theo kỳ vọng lớn. Có những chuyến đi ngoài thu về hình ảnh các loài động vật quý hiếm thì còn thu mẫu vắt, nước để phục vụ tìm kiếm thông tin những loài động vật đang nằm trong danh sách nguy cơ bị tuyệt chủng. Với nghề này cứ lặng lẽ thế thôi...”, anh Hoàng chia sẻ.
Sáng băng rừng, đêm xuống mắc võng ngủ giữa rừng sâu. Từ lâu anh Hoàng đã xem rừng như là nhà, những bãi đất phẳng là giường. Kỹ năng sinh tồn trong cánh rừng nguyên sinh cũng dần được đúc rút qua từng chuyến đi. Chỉ tay hướng về khe suối, anh Hoàng nói đó là những vị trí được dựng lán để nấu ăn, còn ngủ vào mùa này thường chọn vị trí xa khe suối để tránh mưa lũ thất thường.
Trong những chuyến đi thuận lợi, đường đi bằng phẳng, gặp nguồn nước ở đâu nấu ăn ở đó. Nhưng cũng có ngày các thành viên trong nhóm đã phải đi cả chục cây số trong rừng vẫn không gặp nguồn nước.
Không có nước, ban đêm các thành viên phải dùng bao ni lông mang theo hứng nước sương từ thân cây lớn có rêu mọc để dùng. Hay những đợt mưa phùn ẩm ướt, củi chẻ nhỏ như tăm nhưng cũng phải mất cả tiếng đồng lửa mới được nhóm lên.
“Đi rừng xác định không có giấc ngủ nào trọn vẹn. Mùa này thì sương núi lạnh buốt, anh em nhóm lửa xuyên đêm để tạo hơi ấm, xua đuổi thú rừng. Có những lần chúng tôi mắc võng ngủ tại vị trí gần cây cổ thụ lớn, ngày mai xem qua bẫy ảnh thấy thú rừng ở sát ngay lán. Nhiều người trong đoàn cũng từng bị rắn, rết cắn. Mỗi lần bị tai nạn mọi người trong đoàn hỗ trợ, thay nhau cõng, cắt đường rừng về đơn vị để cứu chữa”, anh Hoàng nói.
Trọn tình yêu với rừng
Mùa này nước suối lúc nào cũng như lũ, gầm gào, chảy xiết và lạnh băng. Càng vào sâu rừng già, càng lên cao càng lạnh, những “chiến binh” phải đối mặt với nhiều nguy hiểm cận kề. Mặt khác, địa hình dãy Trường Sơn ở Hà Tĩnh là Đông bằng phẳng, Tây dốc đứng. Từ các trạm kiểm lâm nằm giữa rừng già lên đỉnh Trường Sơn không hề có bất cứ một lối mòn nào để đi tuần rừng. Chuyến đi nào đi cũng phải vạch lối rừng già, cắt qua giăng núi, khe suối đi ngược lên. Mạo hiểm, vất vả với những bữa cơm, giấc ngủ vội giữa cánh rừng nhưng họ vẫn luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Anh Hoàng chia sẻ, có những chuyến đi xác định mạo hiểm, vất vả nhưng đổi lại mang về những giá trị lớn về thông tin, đó là niềm an ủi về nghề. Nhớ lại ngày đặt chân lên đỉnh Rào Cỏ, nơi được xem là “nóc nhà” của Hà Tĩnh với độ cao 2.286m so với mực nước biển, anh Hoàng bồi hồi. “Đó là 4 ngày đi bộ, vượt hàng trăm khe suối, trèo qua nhiều ngọn núi mới đặt chân đến nơi. Khi thu thập được ít thông tin, đặt bẫy ảnh xong, anh em lại về xuôi. Cứ thế chuyến đi đó mất gần 10 ngày mới về được đơn vị”, anh Hoàng nói.
Vừa kể, anh Hoàng vừa “khoe” đôi bàn to và chi chít sẹo, đặc trưng của những người giữ rừng giữa Trường Sơn. “Vất vả, nhưng được cái vui, vì nghề cho mình cái đam mê, tình yêu với rừng”, anh Hoàng cười nói.
Anh Trần Hữu Hà, Phó trạm Trưởng trạm Kiểm lâm Sao La cho biết, bẫy ảnh là “cánh tay nối dài” cho kiểm lâm viên cũng là bằng chứng chân thực sinh động cung cấp dữ liệu cho khảo sát nghiên cứu, đánh giá, lan truyền đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Gần đây, qua bẫy ảnh, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã phát hiện nhiều loài động vật đáng chú ý như: Mang lớn; Mang Trường Sơn; Thỏ vằn; Cầy vằn; Sơn dương; Gà lôi trắng; Gà tiền mặt vàng; Cầy gấm; Mèo gấm; Voi; Khỉ mốc; Khỉ vàng; Khỉ đuôi lợn; Khỉ mặt đỏ…
“Dù địa hình phức tạp, hiểm trở, đặc biệt thời tiết mưa nhiều, vì thế tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn nghề nghiệp. Mặt khác, quá trình di chuyển vào rừng mang vác nặng, ngoài đồ dùng cá nhân còn mang theo lương thực, thực phẩm, nhưng anh em luôn cố gắng, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đặt ra, quyết tâm bảo vệ hiện trạng, không để rừng bị xâm hại. Đồng thời đặt bẫy ảnh nhằm hỗ trợ công tác điều tra, giám sát các loài nguy cấp nhằm quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học”, anh Hà chia sẻ.
Vườn Quốc gia Vũ Quang được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam với nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo tồn, nằm trong một vùng sinh thái có mức độ quan tâm toàn cầu, có vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh môi trường cho vùng Trung Trường Sơn và cả khu vực ASEAN.
Tại đây, cũng đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao thuộc 813 chi với 217 họ, ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện. Đây đều là các loài đặc hữu (edemic) cho vùng Trung Trường Sơn nhưng được phát hiện, mô tả và công bố loài mới đầu tiên ở các sinh cảnh của rừng Vũ Quang.