Bảo vệ giá trị, phát triển thương hiệu sò huyết Ô Loan

Người nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An) đang vớt rong và kiểm tra sò ở vùng nuôi - Ảnh: ANH NGỌC

Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sò huyết đầm Ô Loan vừa được Sở KH-CN Phú Yên thông qua, quán triệt đến các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thực hiện tốt việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý sò huyết Ô Loan. Qua đó khẳng định danh tiếng, bảo vệ giá trị, phát triển thương hiệu đặc sản này.

Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sò huyết Ô Loan. Đây được xem là phương án hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho sản phẩm địa phương, góp phần tạo nên thương hiệu sò huyết Ô Loan với người tiêu dùng cả nước.

Nâng tầm giá trị đặc sản

Theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng, không chỉ giúp người tiêu dùng nhận biết xuất xứ địa lý của hàng hóa, chỉ dẫn địa lý còn giúp khách hàng nghĩ về chất lượng của sản phẩm. Bởi, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thường mang những đặc điểm riêng biệt, độc đáo có được nhờ vào nguồn gốc địa lý của nó như: khí hậu, đất đai hoặc các phương thức sản xuất truyền thống. Với tầm quan trọng đó, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý không chỉ tạo danh tiếng và nâng được giá của sản phẩm trên thương trường, mà còn giúp thu hút đầu tư và quảng bá du lịch cho vùng có sản phẩm đặc sản đó.

Theo quy định, chỉ dẫn địa lý thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện quyền quản lý thông qua các cơ quan chức năng. Với chỉ dẫn địa lý sò huyết Ô Loan, UBND tỉnh đã ủy quyền tham gia giám sát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cho Hội Nghề cá Phú Yên cùng với các cá nhân, tập thể liên quan xây dựng và phát triển thương hiệu cho sò huyết Ô Loan.

Về mặt chiến lược kinh doanh, chỉ dẫn địa lý có nhiều tác dụng trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường. Tầm cỡ của những đặc sản địa phương có thể được nâng lên trong mắt người tiêu dùng khi một cộng đồng người địa phương và các thành viên của cộng đồng được hưởng độc quyền để sử dụng một chỉ dẫn địa lý riêng biệt. Ví dụ như nếu nói chung chung: nước mắm, cà phê, chè thì sản phẩm chưa để lại ấn tượng gì với khách hàng. Nhưng nếu nói nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, cam Vinh… thì những cái tên ấy đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và giá trị kinh tế mà nó mang lại bao giờ cũng cao hơn những sản phẩm cùng loại thông thường.

Xét về khía cạnh pháp lý, bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn cấm, loại trừ những người không có thẩm quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, những sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đã nêu, hoặc những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý nhưng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Vì vậy, điểm mấu chốt của việc quản lý chỉ dẫn địa lý chính là cần thực thi các quy chế để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc địa lý của sản phẩm và đảm bảo tính đặc thù của sản phẩm thông qua quy trình kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.

Phát triển thương hiệu

Để chỉ dẫn địa lý phát huy được hiệu quả, cần có sự tham gia chủ động của các cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp, người dân trong khu vực địa lý; sự hiểu biết về chỉ dẫn địa lý và các vấn đề có liên quan cũng như các quy định trong quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý của các chủ thể tham gia.

Trong quá trình phát triển sản phẩm, việc tự quản lý được thực hiện bởi chính các hộ sản xuất đóng vai trò quan trọng. Bởi, việc tự quản lý tại các cơ sở sản xuất nhằm đảm bảo không chỉ danh tiếng chung của chỉ dẫn địa lý mà còn cả danh tiếng cá nhân cho các hộ sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm so với chính các sản phẩm cùng loại trong khu vực. Để xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm sò huyết Ô Loan đòi hỏi bản thân các nhà cung ứng phải tự hoàn thiện và bảo đảm quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm để có thể đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng ổn định, có nguồn gốc rõ ràng.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: “Sò huyết là một đặc sản của đầm Ô Loan. Thông thường, những ngày trời êm, người dân khai thác được nhiều, sò huyết có giá 240.000 đồng/kg; những ngày mưa bão thì giá cao hơn, khoảng 300.000 đồng/kg. Năm 2015, tỉnh đã quy hoạch khu mặt nước nuôi sò rộng 150ha trên đầm nhưng hiện tại, diện tích nuôi mới chỉ đạt được 102ha. Tôi hy vọng khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sò huyết Ô Loan sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, người dân ý thức rõ ràng hơn về quy trình nuôi trồng, khai thác, tạo được công ăn việc làm cho người dân và giúp sản phẩm sò huyết Ô Loan được thị trường cả nước biết đến”.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/225310/bao-ve-gia-tri-phat-trien-thuong-hieu-so-huyet-o-loan.html