Bảo vệ, khai thác tài nguyên nước bền vững
PTĐT - Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp quản lý khai thác, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Nguồn tài nguyên nước (TNN) của tỉnh khá phong phú, bao gồm 3 nguồn chính là nước mưa, nước mặt và nước ngầm. Đối với nguồn mưa, đây là một trong những nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 hầu như không cần phải sử dụng đến hệ thống cấp nước tưới thủy lợi. Hai tháng đầu và cuối mùa khô, lượng nước mưa tuy ít nhưng cũng góp phần đáng kể về cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Giữa mùa khô, thường là không có mưa hoặc lượng mưa không đáng kể, việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ nguồn nước mặt với hệ thống các sông, suối, hồ và các công trình thủy lợi.
Ông Trần Mạnh Thắng - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) cho biết: Xét về tổng thể, lượng mưa tỉnh Phú Thọ được tiếp cận khoảng 5,63 tỷ m3/năm nhưng tài nguyên nước mưa tính theo đầu người của tỉnh thấp hơn trung bình đầu người của cả nước, chỉ bằng 60%. Tuy nhiên, Phú Thọ có lợi thế về nguồn tài nguyên nước mặt, bên cạnh hệ thống 130 sông suối nhỏ cùng hàng nghìn hồ ao lớn nhỏ phân bố đều khắp trên địa bàn, Phú Thọ còn có các con sông lớn chảy qua như sông Đà, sông Thao, sông Lô... nên tỉnh được tiếp cận với khoảng 119 tỷ m3/năm. Tổng lượng dòng chảy ngoại sinh khoảng 111,05 tỷ m3/năm (chiếm 97%) và dòng chảy nội sinh khoảng 3,08 tỷ m3/năm (chiếm 3%). Theo tài liệu quan trắc cho thấy: Giả sử nếu cả 3 sông Đà, sông Lô, sông Thao cùng thời gian xảy ra tình trạng cạn nhất lịch sử thì Phú Thọ vẫn có lưu lượng nước chảy qua tỉnh trên 300m3/s (tương đương trên 25,92 triệu m3 nước/ngày đêm).Xác định tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng, là điều kiện đầu tiên để duy trì sự sống của con người nên đòi hỏi quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước phải hợp lý, hiệu quả, mang tính bền vững; những năm qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp quản lý nguồn nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường trước diễn biến của biến đổi khí hậu. Sở TN&MT đã tham mưu với UBND tỉnh ra nhiều chỉ thị, quyết định liên quan đến việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, trong đó Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Phú Thọ đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND ngày 09/02/2018 với mục tiêu đặt ra là: Phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước trong kỳ quy hoạch bảo đảm đến năm 2030 nguồn cấp nước sinh hoạt 63,58 triệu m3/năm; du lịch và dịch vụ 24,71 triệu m3/năm; công nghiệp 53,62 triệu m3/năm; nông, lâm, thủy sản 384,35 triệu m3/năm. Phân bổ nguồn nước hàng năm cho các huyện, thị xã, thành phố trong kỳ quy hoạch. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây. Dân số gia tăng, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, dân sinh cũng tăng theo, trong khi đó diện tích rừng, các nguồn sinh thủy khác ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa và phát triển KT-XH. Thêm vào đó, cở sở hạ tầng xử lý nước thải, chất thải chưa kịp đáp ứng nhu cầu cũng khiến nguồn nước bị ô nhiễm, tài nguyên nước mặt được hình thành trong nội tỉnh nếu chia theo đầu người mới chỉ bằng 20% trung bình của cả nước. Khả năng tiếp cận dòng chảy với sông Đà, sông Thao và sông Lô ẩn chứa nhiều nguy cơ ô nhiễm. Ngoài ra, tài nguyên nước trong tỉnh phân bổ không đồng đều theo cả không gian và thời gian, tập trung chủ yếu trong khoảng 3 tháng mùa lũ (chiếm 75-85% tổng lượng nước hàng năm). Nhu cầu sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước ngày càng tăng cao, cộng thêm tình trạng còn thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ trong khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước giữa các ngành kinh tế và các địa phương cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm, suy giảm nguồn nước. Tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước còn do ý thức của người sử dụng. Quan niệm “nước là của trời cho, là vô tận” vẫn còn in sâu trong tiềm thức phần lớn người dân, dẫn đến ý thức sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước kém, gây lãng phí nguồn nước sạch, chưa nói đến thói quen vứt rác ra sông, kênh... vẫn diễn ra rất phổ biến. Ông Trần Mạnh Thắng cho biết thêm: Để tăng cường quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, Sở TN&MT đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước; nâng cao công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, kiểm kê, đánh giá thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh để đánh giá một cách toàn diện hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước, thống kê các nguồn nước bị ô nhiễm; điều tra các nguồn nước mặt; thu thập các thông tin, số liệu phục vụ quy hoạch tài nguyên nước. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định. Đặc biệt, triển khai thực hiện Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 01/06/2020 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục các nguồn nước mặt phải lập hành lang bảo vệ; danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện rà soát để điều chỉnh, bổ sung danh mục, báo cáo UBND tỉnh.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202103/bao-ve-khai-thac-tai-nguyen-nuoc-ben-vung-175671