Bảo vệ môi trường, cảnh quan Hồ Tây: Những cựu chiến binh mẫu mực
Để góp phần làm sạch Hồ Tây (Hà Nội), các ban ngành, đoàn thể quận Tây Hồ, trong đó có Hội Cựu chiến binh (CCB) từng ngày thực hiện những phần việc tuy nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn và đang dần làm đẹp cảnh quan nơi đây.
Sức lan tỏa của phong trào làm sạch Hồ Tây
Hồ Tây là một thắng cảnh nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp say lòng bao du khách với bến Trúc, Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái... Xung quanh được bao bọc bởi 62 di tích, trong đó có 32 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Nói đến Hồ Tây, người ta không thể không nhắc tới loài chim sâm cầm, chim ngói, cá chép, tôm hồng...
Tuy nhiên, những năm gần đây, Hồ Tây huyền thoại và thơ mộng, một trong những “lá phổi xanh” lớn của Thủ đô không chỉ bị thu hẹp dần (từ trên 600ha chỉ còn 526ha) mà nước hồ ngày càng bị ô nhiễm. Những con tôm, con ốc, đặc biệt những con sâm cầm từ lâu bỏ hồ và cá chép Hồ Tây - một đặc sản của Hà Thành dần mai một.
Hồ Tây đã được UBND TP Hà Nội giao cho quận Tây Hồ quản lý trực tiếp toàn diện. Đây là vinh dự lớn nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm rất cao của Nhân dân trong quận nói chung và mỗi hội viên CCB Tây Hồ nói riêng. Để góp phần làm sạch Hồ Tây, các ban ngành, đoàn thể, trong đó có Hội CCB đã đưa chương trình góp phần làm sạch, làm đẹp ảnh quan Hồ Tây vào hoạt động cụ thể để triển khai tới từng hội viên.
Từ khi triển khai phong trào làm sạch Hồ Tây, mỗi hội viên CCB hễ đi đến đâu thấy rác là thu gom vào túi nilon, đưa vào thùng rác. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở Nhân dân và hội viên cùng nhau giữ gìn Hồ Tây Xanh - Sạch - Đẹp, không vứt rác, xả rác, phế thải xung quanh hồ... Phong trào của các hội viên có sức lan tỏa tới Hội Phụ nữ và cả Đoàn Thanh niên. Việc làm đầy ý nghĩa này đã được cấp ủy Đảng và chính quyền quận Tây Hồ hết sức ủng hộ, động viên.
"Nhìn các cụ ông, cụ bà – những người lính năm xưa hàng tuần đi làm tổng vệ sinh, thu gom rác thải bên đường dạo Hồ Tây, ai nấy đi qua đều phải chùng lòng. Bởi thời trẻ xông pha trận mạc bảo vệ Tổ quốc, về già vẫn tiếp tục tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương góp phần làm Xanh - Sạch - Đẹp Thủ đô" - một người dân chia sẻ.
Hành động cụ thể, việc làm thiết thực
Chủ tịch Hội CCB Tây Hồ Phạm Ngọc Tuấn cho biết: “Để có được hoạt động thiết thực này, Hội đã có chương trình cụ thể về tuyên truyền vận động cán bộ hội viên, khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của lực lượng CCB. Trẻ hăng hái xung phong, già mẫu mực, xứng danh là công dân Thủ đô…”.
Mỗi năm, Hội CCB, Hội Cựu Thanh niên xung phong, phụ nữ, đoàn thanh niên tổ chức nhiều chương trình hoạt động ra quân làm sạch Hồ Tây; động viên gia đình, con cháu hội viên cùng tham gia giữ gìn cảnh quan môi trường hồ với những hành động cụ thể, như không xả thải chất bẩn, không câu cá, đánh bắt cá bằng các phương tiện, không vứt giấy, rác xuống hồ; giữ gìn và bảo vệ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đình, đền, chùa, miếu phủ; không quảng cáo bẩn, không để mất vệ sinh; hàng ngày mỗi người cần giữ gìn và bảo vệ vườn hoa, cây cảnh, cây xanh, thảm cỏ, lan can bảo vệ quanh hồ; không hái hoa, chặt cành, không làm chết thảm cỏ.
Cùng với đó, mỗi người có thái độ khuyên ngăn với những vi phạm trật tự vệ sinh; không lấn chiếm vỉa hè, vườn hoa, lòng đường làm nơi kinh doanh; thường xuyên tham gia tổng vệ sinh thu gom rác thải, phế thải, làm sạch nơi mình sinh sống, nơi công cộng ở khu dân cư, tổ dân phố…
CCB Nguyễn Thị Mai - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhuận Mai, chủ du thuyền Tây Long 1 + 2, Chủ nhiệm CLB doanh nhân CCB Hà Nội cho biết, trước đây, muốn thu hút được du khách, công ty lấy mặt nước Hồ Tây để kinh doanh, phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, là một CCB nên tôi tự thấy phải gương mẫu bảo vệ giữ gìn môi trường Hồ Tây.
“Khi TP Hà Nội ra quyết định chuyển địa điểm neo đậu du thuyền từ đường Thanh Niên, bên vườn hoa Lý Tự Trọng về đường Nhật Chiêu (phường Nhật Tân), để giữ gìn môi trường Hồ Tây, Công ty đã chấp hành nghiêm chỉnh việc di dời các du thuyền về đúng nơi quy định, mặc dù ảnh hưởng không nhỏ đến kinh doanh du lịch của công ty…”.
Hy vọng, những việc làm nêu trên sẽ mãi được gìn giữ và phát huy, góp phần nhân lên những hành động đẹp về bảo vệ môi trường Thủ đô.
Bài dự thi xin gửi về: Ban Đô thị - báo Kinh tế & Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội (điện thoại: 098.747.9898); Hoặc thư điện tử: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com. Mọi tổ chức, cá nhân quan tâm đến “Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020” có thể tìm hiểu thông tin trên báo Kinh tế & Đô thị điện tử tại địa chỉ: http://kinhtedothi.vn; hoặc trên ấn phẩm báo in báo Kinh tế & Đô thị.